Có cần nhịn ăn khi chụp MRI?
(Dân trí) - Chụp cộng hưởng (hay còn gọi MRI) là bước tiến vượt bậc trong ngành chẩn đoán hình ảnh, hiện được các bác sĩ chuyên khoa lựa chọn hàng đầu để tăng khả năng phát hiện bệnh sớm, từ đó nâng cáo hiệu quả chẩn đoán và theo dõi bệnh sau điều trị.
TS. Niketa Chotai - Chuyên gia tư vấn Chẩn đoán hình ảnh, Radlink hàng đầu của Singapore, cho biết kỹ thuật MRI sử dụng một từ trường mạnh (Bo) và hệ thống phát các xung có tần số vô tuyến (RF: radio frequancy) để điều khiển hoạt động điện từ của hạt nhân nguyên tử, mà cụ thể là nhân nguyên tử hydro của cơ thể, nhằm bức xạ năng lượng dưới dạng các tín hiệu có tần số vô tuyến. Các tín hiệu này sẽ được một hệ thống thu nhận và xử lý điện toán để tạo ra hình ảnh của bệnh nhân vừa đưa vào từ trường đó.
Ưu điểm vượt trội của kỹ thuật MRI là không bị nhiễm xạ nên an toàn cho người bệnh, hệ thống MRI mới không có tiếng ồn nên tạo cảm giác thoải mái và dễ chịu cho bệnh nhân. Và những ưu điểm khác như độ phân giải tốt, đa xung thu hình, áp dụng cho hầu hết các bộ phận cơ thể, có thể thực hiện được ở nhiều hướng cắt khác nhau, có nhiều chuỗi xung khác nhau cho phép tiếp cận tới gần bản chất mô học của tổn thương ,… đó là những thế mạnh mà chỉ có thế hệ hệ cộng hưởng từ mới nhất của hãng GE (Mỹ) có được.
Hệ thống MRI được ứng dụng rộng rãi trong chẩn đoán, theo dõi và phát hiện sớm tất cả khối u, các bệnh lý khác ở các tạng trong ổ bụng như gan, tụy, đường tiêu hóa; sọ não; cột sống; cơ xương khớp; toàn thân; thai nhi,…
Chia sẻ tại Hội nghị "Ứng dụng kỹ thuật mới trong chẩn đoán và điều trị" do Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC tổ chức cuối tuần qua, TS Chotai khuyến nghị: "Trong tất cả các loại chụp MRI, chỉ có chụp gan mật bệnh nhân cần nhịn ăn ít nhất 6 tiếng trước khi chụp, còn lại không ảnh hưởng bởi các yếu tố khác".
Chụp cộng hưởng từ cũng giúp kiểm tra chẩn đoán chính xác khối u, các tổn thương, từ đó nâng cao hiệu quả chẩn đoán và điều trị bệnh.
Nhân Hà