Có cần lãng phí thời gian và tiền bạc cho việc thải độc cơ thể?

(Dân trí) - Những ngày đầu năm mới thường là thời điểm để đặt ra những mục tiêu đầy tham vọng cho một sức khỏe tốt hơn, một thể lực sung mãn hơn và cùng với đó là một cơ thể thon thả hơn.

 


Cơ thể con người, bao gồm gan, là cỗ máy tự thải độc và tự sửa chữa

Cơ thể con người, bao gồm gan, là cỗ máy tự thải độc và tự sửa chữa

Quyết tâm này phản ánh cảm giác “tội lỗi” bắt nguồn từ sự buông thả trong mùa lễ hội vừa qua - và nó thường bắt đầu với việc thải độc cơ thể.

Chưa rõ ý tưởng làm sạch sâu bên trong cơ thể hay "trị liệu thải độc” bắt nguồn từ đâu, nhưng đáng chú ý là nhiều thực hành y học cổ truyền và bổ sung mô tả việc làm sạch và thải độc như một cách để tránh bệnh tật, hoặc để tăng cường sức khỏe.

Điều này dựa trên ý tưởng cho rằng các “chất độc” tích lũy và cơ thể cần được thanh lọc thường xuyên.

Việc thải độc bao gồm đủ mọi thứ từ thụt tháo và kích thích đại tràng, thải độc bằng nước chanh hoặc uống nước trừ bữa đến kiêng một số nhóm thực phẩm, thanh lọc bằng thảo dược, bổ sung chất dinh dưỡng liều cao, xông hơi cho ra mồ hôi và nhiều cách khác.

Và điểm chung là chúng đều tốn tiền và tốn công sức.

Thải độc khỏi cái gì?

Theo thuật ngữ y học, thải độc nghĩa là loại bỏ các chất độc hoặc sự tích tụ các chất độc hại, khi một lượng lớn được ăn vào hoặc đi vào cơ thể qua đường hô hấp hoặc tiếp xúc với da.

Nó chỉ được sử dụng khi lượng hoặc loại chất nào đó đạt tới mức mà hệ thống thải độc tự nhiên của cơ thể không thể đào thải được.

Hệ thống thải độc của cơ thể sử dụng da (qua mồ hôi và bã nhờn), gan và túi mật (mật), thận (nước tiểu), phổi, hệ bạch huyết (hạch bạch huyết) và ruột (phân) để đào thải các độc tố.

Các độc tố này có thể bắt nguồn từ cả bên trong và bên ngoài cơ thể. Nguồn bên trong bao gồm sản phẩm phụ từ các quá trình sinh lý bình thường và các sản phẩm thải loại của tế bào. Ví dụ, quá trình giáng hóa các thành phần trong thức ăn để tạo ra năng lượng sử dụng ôxy và hệ quả là những phân tử không ổn định gọi là gốc tự do. Những phân tử này phải được trung hòa hoặc chuyển đổi để tránh tích tụ đến mức gây độc.

Nguồn độc tố bên ngoài có thể đến từ những hợp chất có trong thức ăn và đồ uống - những phân tử là kết quả của việc nướng, rán kĩ và nướng vỉ, cũng như rượu và các chất phụ gia trong thực phẩm chế biến sẵn.

Ngoài ra còn có thuốc, khói thuốc lá và phơi nhiễm với các chất ô nhiễm môi trường cùng với nhiều yếu tố khác.

Cuộc sống độc hại

Có cần lãng phí thời gian và tiền bạc cho việc thải độc cơ thể? - 2

Nhiều độc tố từ các nguồn bên ngoài (ngoại sinh) tan trong chất béo và có thể tích tụ trong các mô mỡ .

Tình trạng phơi nhiễm với những độc tố này tăng đáng kể cùng với lối sống hiện đại vì các chất thải công nghiệp gây ô nhiễm đất và nước và từ đó gây ô nhiễm cho các sản phẩm nông nghiệp và thủy hải sản.

Ngành nông nghiệp cũng sử dụng nhiều loại hóa chất, dẫn đến tồn dư trong các sản phẩm thực phẩm.

Và mỹ phẩm, các sản phẩm chăm sóc cơ thể, cũng như bao bì chất dẻo cho thực phẩm và đồ uống, tất cả đều làm chúng ta phơi nhiễm nhiều hơn với những hóa chất khác nhau.

Những kiểu phơi nhiễm này thường được dùng làm lý do chính cho các chương trình thải độc tốn kém.

Trong khi còn thiếu số liệu đáng tin cậy trên người về mức độ vô hại chấp nhận được đối với tất cả các chất trong môi trường, nhiều người lý luận rằng mọi lượng dù nhỏ cũng có thể gây độc và cần được loại bỏ. Nhưng cơ thể chúng ta vẫn luôn diễn ra quá trình thanh lọc các chất này.

Hơn nữa, không có bất kỳ phác đồ thải độc một lần nào có thể xóa bỏ hoàn toàn những ảnh hưởng của lối sống thiếu điều độ đã diễn ra trong nhiều tháng hoặc nhiều năm.

Không có cơ sở khoa học hoặc bằng chứng đáng tin cậy cho thấy lợi ích của những chương trình thải độc ngắn hạn đang được quảng cáo rùm beng.

Tuy nhiên, vẫn có tin tốt: hệ thống thải độc bên trong cơ thể, bao gồm nhiều cơ quan và enzym mã hoá ADN, vẫn luôn làm việc suốt ngày đêm để xử lý các độc tố khi cần thiết.

Không uống rượu bia, không ăn nhiều sôcôla và đồ chiên rán, trong một vài tuần có thể (tùy vào việc bạn ăn gì để thay thế) làm giảm khối lượng công việc thải độc mà cơ thể phải thực hiện. Nhưng điều tốt thực sự sẽ xảy ra trong thời gian dài.

Và dù sao đi nữa, tất cả lượng rượu mà bạn uống trong vài tuần gần đây đã được xử lý hết - chủ yếu bởi gan - để tránh những tác động có hại.

Cơ chế thải độc tự nhiên của cơ thể

Trong số hơn 500 chức năng, gan chuyển hóa và thải độc mọi thành phần dinh dưỡng (bao gồm cả caffein hoặc trà thảo dược và các chất bổ sung) và mọi độc tố bên ngoài xâm nhập cơ thể từ nhiều nguồn tiếp xúc khác nhau.

Thải độc là một quá trình gồm ba bước: trong hai giai đoạn đầu, các chất tan trong chất béo được chuyển thành những chất tan trong nước. Và giai đoạn thứ ba tạo điều kiện vận chuyển các sản phẩm đã chuyển đổi ra khỏi tế bào, sau đó ra khỏi cơ thể qua mật và phân hoặc nước tiểu.

Việc sản xuất các chất độc nội sinh, chẳng hạn như gốc tự do, được đặt dưới sự kiểm soát chặt chẽ bởi một cơ chế phức tạp bao gồm các gen mã hóa enzym chống oxy hóa. Các enzym này thực sự đóng vai trò chủ chốt trong việc thải độc và khi cần thải độc nhiều hơn, cơ thể sẽ sản xuất nhiều enzym hơn.

Trong khi gan là ngôi sao của buổi diễn thì hầu hết các mô trong cơ thể cũng tham gia quá trình thải độc. Nhưng sự khác biệt giữa bộ gen của mỗi người đồng nghĩa với việc có sự khác biệt lớn trong đáp ứng khi phơi nhiễm với độc tố.

Vitamin và khoáng chất trong thức ăn là rất quan trọng để có chức năng thải độc và chức năng enzym tối ưu. Nhưng điều này không có nghĩa là bạn nên ăn nhiều đến mức chính nó cũng có thể dẫn đến ngộ độc.

Điểm mấu chốt của câu chuyện là cơ thể con người là một cỗ máy tự thải độc và tự sửa chữa toàn diện. Nó sẽ thực hiện nhiệm vụ thải độc của mình bất kể bạn đang thực hiện một chương trình thải độc nghiêm ngặt, hay đang ở trong hội chợ ẩm thực và nếm rượu vang.

Cẩm Tú

Theo DM