Có cấm được thuốc lá thế hệ mới?
(Dân trí) - Trong khi các cơ quan quản lý Nhà nước đang tranh luận nên cấm hay quản với thuốc lá thế hệ mới, hàng nhập lậu kém chất lượng vẫn đang tràn vào Việt Nam, làm thất thu ngân sách Nhà nước và ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng.
Có một sự thật là mặc dù hầu hết các quốc gia đều cho phép nhập khẩu, sản xuất và kinh doanh thuốc lá và nay là thuốc lá thế hệ mới, họ cũng song song nỗ lực không ngừng nhằm giảm tỉ lệ người hút thuốc lá. Dù vậy, theo Tổ chức Y tế thế giới, chỉ có 32 quốc gia đi đúng hướng để đạt tới con số giảm 30% vào năm 2025, còn lại là rất khó khăn.
Hơn 1 tỷ người vẫn đang hút thuốc
Theo báo cáo của tổ chức Truth Initiative năm 2018, tỷ lệ bỏ hẳn thuốc lá thành công chỉ đạt 7,2%. Hiện tại, số liệu WHO chỉ ra thế giới vẫn có khoảng 1,3 tỷ người hút thuốc lá và con số này sẽ không thay đổi bao nhiêu cho đến năm 2025. Đặc biệt, Đông Nam Á đang là khu vực có tỉ lệ sử dụng thuốc lá cao nhất, chiếm hơn 45% ở nam và nữ từ 15 tuổi trở lên.
Riêng về Việt Nam, các nghiên cứu đều đồng tình rằng, gần 50% nam giới trưởng thành hút thuốc. Do đây là một thói quen đặc biệt, không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe người dùng mà còn cộng đồng nên việc tiến tới khuyến cáo sử dụng các sản phẩm ít tác hại hơn là điều cần thiết. Khoa học đã chứng minh, không phải chất nicotin có trong thuốc lá mà chính việc hít hơn 6.000 hóa chất gây hại và có tiềm năng gây hại từ khói thuốc lá vào phổi mới là nguyên nhân gây nên các bệnh liên quan tới thuốc lá. Các hóa chất này được sinh ra trong quá trình đốt cháy thuốc lá điếu truyền thống, trong khi đó cách thức hoạt động của các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới hoàn toàn không có quá trình đốt cháy. Trong các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới, khi sử dụng thực tế tạo ra rất ít khói, mà chủ yếu là các sol khí, gồm có hơi nước, nicotin và một số thành phần khác. Do đặc trưng về bản chất nguyên liệu và cách thức chế biến nguyên liệu, dung dịch thuốc lá điện tử không bị đốt cháy nên khi sử dụng các sản phẩm này, hàm lượng nhựa thuốc lá (còn gọi là "tar") đã giảm đi nhiều, thành phần của tar cũng thay đổi. Nhiều nghiên cứu đã chứng minh thành phần của sol khí tạo ra khi hút thuốc lá điện tử là thấp hơn về số lượng và nồng độ so với sản phẩm thuốc lá điếu truyền thống.
Trong khi đó, báo cáo mới nhất của Tổ chức Y tế Công cộng Anh - cơ quan trực thuộc Bộ Y tế và Chăm sóc Xã hội phụ trách vấn đề sức khỏe và phúc lợi của quốc gia - cũng cho thấy thuốc lá điện tử có thể đóng vai trò nhất định trong hoạt động giảm tác hại thuốc lá.
Cụ thể, trong báo cáo của Tổ chức Y tế Công cộng Anh 2021 được công bố vào cuối tháng 2-2021, thuốc lá điện tử đã và đang là lựa chọn phổ biến nhất của những người hút thuốc trưởng thành cho nỗ lực giảm hoặc bỏ thuốc lá. Tỷ lệ người hút thuốc hiện đang giảm xuống cho thấy tình trạng 'sử dụng kép' [vừa hút thuốc lá điếu vừa dùng thuốc lá điện tử] đang giảm dần ở người hút thuốc. Bên cạnh đó, Tổ chức Y tế Công cộng Anh 2021 cũng phát hiện rằng những quan niệm về tác hại do hút thuốc lá điện tử gây ra ngang bằng với thuốc lá điếu là không phù hợp và cần xem xét lại.
Tuy nhiên, việc xây dựng khung chính sách cho thuốc lá thế hệ mới tại Việt Nam dường như đang bị đình trệ do ý kiến còn khác nhau giữa các bộ ngành, trong đó Bộ Y tế vẫn bảo lưu ý kiến cần phải cấm sản xuất kinh doanh dòng sản phẩm này. Bình luận về việc này, bà Phan Minh Thủy, Trưởng phòng Xây dựng Pháp luật, Ban Pháp chế, VCCI chia sẻ: "Nếu cấm lại tạo thêm cơ hội cho các nguồn hàng lậu, bất hợp pháp và các sản phẩm rẻ tiền tồn tại sẽ mang lại nhiều rủi ro cho quốc gia, cho sức khỏe hơn".
Tìm giải pháp kiểm soát
Thế giới đã suy tư nhiều đến các giải pháp cho mục đích kiểm soát và giảm tác hại của thuốc lá. Các loại thuốc lá thế hệ mới, gồm thuốc lá làm nóng và thuốc lá điện tử đã ra đời. Những sản phẩm này không cần đốt hay tạo khói mà vẫn đáp ứng được lượng nicotin cho người hút thuốc.
Nhờ sự chuyển đổi về hành vi tiêu dùng từ tiêu thụ các sản phẩm "tác hại" sang sản phẩm "ít tác hại hơn" mà ngành công nghiệp thuốc lá vẫn phát triển tại hơn 57 quốc gia trong đó có những quốc gia có nền y tế và khoa học phát triển như Mỹ, Anh, New Zealand hay Nhật Bản.
Các chuyên gia đồng tình, giảm thiểu tác hại của thuốc lá không phải là loại bỏ được hoàn toàn tác hại nhưng trong bối cảnh nhiều người chưa sẵn sàng hoặc chưa thể thay đổi lối sống để bỏ hẳn thuốc lá thì đây là chìa khóa giúp cân bằng giữa giá trị sống và sức khỏe.
Giáo sư John Newton, Giám đốc về Cải thiện Y tế, Y tế Công cộng Anh còn cho rằng, thuốc lá điện tử (vaping) là một trong những công cụ hỗ trợ cai nghiện hiệu quả nhất hiện nay, giúp khoảng 50.000 người bỏ thuốc lá mỗi năm. Châu Âu đã trở thành một trong những thị trường ủng hộ thuốc lá thế hệ mới và có chính sách quản lý thuốc lá thế hệ mới "dễ thở" hơn so với thuốc lá truyền thống.
Tháng 3 vừa qua, Hiệp hội Nghề Y tá New Zealand (NZOHNA) đã chính thức ra mắt chiến dịch mang tầm quốc gia nhằm giảm thiểu tác hại thuốc lá mang tên "Vape to QuitStrong". Chiến dịch thể hiện quan điểm của Chính phủ New Zealand rằng vaping (thuốc lá điện từ) là giải pháp dành cho những người đang hút thuốc cũng như hỗ trợ cai nghiện hút thuốc lá. Chính phủ New Zealand đang áp dụng rộng rãi cách tiếp cận chính sách giảm tác hại thuốc lá (THR) tương tự như chiến dịch của Vương quốc Anh mang tên Stoptober.
Tại Việt Nam, Chính phủ cũng đã có công văn chỉ đạo Bộ Công thương phối hợp cùng các cơ quan ban ngành để sớm đề ra phương pháp quản lý, nhằm ngăn chặn tình trạng buôn lậu đang ngày càng gia tăng hiện nay. Trong bối cảnh ấy, luật sư Bùi Quang Nghiêm, Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP. HCM cho rằng, mặc dù việc soạn thảo khung pháp lý là cần thiết, nhưng thuốc lá thế hệ mới không phải là sản phẩm thiết yếu, lại còn khá lạ lẫm nên Việt Nam cần tiếp cận thận trọng, toàn diện, phù hợp với Chiến lược quốc gia về phòng chống tác hại thuốc lá.
"Việt Nam cần một khoảng thời gian nhất định để định ra các quy định quản lý, tiêu chí kỹ thuật, đánh giá sự tương đồng giữa các dòng sản phẩm thế hệ mới với nhau, ví dụ như giữa thuốc lá làm nóng và thuốc lá điện tử, cũng như giữa thuốc lá thế hệ mới nói chung với thuốc lá điều truyền thống, đo lường tiềm năng giảm thiểu tác hại của từng loại sản phẩm đối với sức khỏe người dùng và cộng đồng. Dựa trên đó, Chính phủ có thể quyết định luật hóa hoặc cho thí điểm để tiếp tục có những đánh giá tác động cụ thể và có những điều chỉnh phù hợp, đảm bảo lợi ích của Nhà nước, bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng và không làm gia tăng thị trường thuốc lá bất hợp pháp", luật sư Nghiêm nhận định.