1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Chuyện về nữ y sĩ quảng bá “thương hiệu” cho trạm y tế xã

(Dân trí) - Trạm y tế xã nơi y sĩ Phan Thị Thanh Cần là trưởng trạm là một trong số ít trạm y tế ít ỏi có các xét nghiệm cận lâm sàng, siêu âm, điện tim. Cũng nhờ ý chí quyết lấy lòng tin của người dân nơi đây, y sỹ Cần đã quảng bá “thương hiệu” và đã thu hút hàng trăm lượt người bệnh đến khám mỗi ngày.

9 ca đẻ ngược, sinh đôi... thót tim

Là một y sĩ chuyên ngành sản nhi, đến nay Y sĩ Phan Thị Thanh Cần, Trưởng trạm y tế xã Ninh Thọ, Thị xã Ninh Hòa, Khánh đã có thâm niêm 36 năm trong ngành. Nói đến con số trẻ em được chị đỡ đẻ, chị không nhớ nổi, chỉ ước tính… cỡ hàng nghìn. Nhưng cái chị Cần nhớ nhất, đấy là đỡ đẻ cho rất nhiều gia đình qua hai thế hệ trong làng xã.

Chị là 1 trong những cán bộ y tế vinh dự đại diện cho gần nửa triệu cán bộ y tế trong cả nước được tham dự Đại hội Thi đua yêu nước ngành Y tế 2015, bởi những đóng góp to lớn với sự phát triển y tế cơ sở.


Người phụ nữ nhỏ bé này đã đỡ đẻ cho hàng nghìn ca và đã mang đến cho người bệnh niềm tin trạm y tế xã vẫn có thể giúp chữa trị, chăm sóc bệnh nhân tốt như ở bệnh viện. Ảnh: H.Hải

Người phụ nữ nhỏ bé này đã đỡ đẻ cho hàng nghìn ca và đã mang đến cho người bệnh niềm tin trạm y tế xã vẫn có thể giúp chữa trị, chăm sóc bệnh nhân tốt như ở bệnh viện. Ảnh: H.Hải

Trong khoảng hơn 1.000 ca đẻ, chị không thể quên nổi 9 ca đẻ ngược và một ca sinh đôi khiến chị... thót tim. Trong đó, đáng nhớ nhất là ca đẻ ngược là người thân của một người cùng làm trong trạm y tế. Khi bệnh nhân vào đẻ, đã chuyển dạ gần sinh nên muốn chuyển đi cũng không chuyển nổi, trong khi ấy chị lại đang bị tổn thương xương bánh chè sau tai nạn giao thông, đứng không nổi nên chị chỉ có thể ngồi ngay bên bàn đẻ, hướng dẫn và nhìn chi tiết thao tác của nữ hộ sinh khi đỡ đẻ đứa trẻ.

“Đến khi em bé thoát ra ngoài được, em bé đã trắng bợt. Trời ơi lúc ấy mình nghĩ em bé đã không may mắn qua đời, phải làm sao để cứu mẹ em bé. Thế nhưng khi nữ hộ sinh đặt em bé xuống bàn thấp hơn, ngay trước măt mình, mình thấy em bé có một nét mặt duyên dáng quá, em bé chỉ như đang ngủ thôi vậy nên bỗng như vô thức, mình cứ thế cúi xuống, đặt một cái gạc qua miệng bé để hô hấp, còn nữ hộ sinh phải lo cho thai phụ. Thời đó nào có máy hút đờm dãi, nào có oxy, cứ thể hà hơi, thổi ngạt, hô hấp khoảng 90 phút thì em bé từ trắng bệch đã dần tím, rồi hồng trở lại, rồi khóc. Mình vỡ òa sung sướng đã cứu được bé”, chị Cần nói.

Y sĩ Cần cho biết thêm, câu chuyện này đã xảy ra cách đây 14 năm nhưng chị vẫn nhớ như in bởi vẫn dõi theo bé hàng ngày, từ giây phút sống lại ấy đến khi biết đi, biết chạy và giờ đã là một cô học trò lớp 8 của trường làng.

“Có những ca đẻ ngược, sản phụ cũng chẳng chịu tới viện khi bà con trong xóm báo mình tới thì chân em bé đã thò ra ngoài. Lúc ấy chỉ nghĩ làm sao cho em bé ra nhanh nhất để cứu bé mà không nghĩ gì đến rủi ro, tai biến vì có chuyển đi cũng không nổi. Nghĩ cũng may mắn, tất cả 9 ca đẻ ngược đều an toàn, không xảy ra tai biến, nếu không may có dân bắt tội tôi chắc cũng không biết làm sao”, chị Cần chia sẻ.

Còn ca đỡ song sinh khiến chị cũng thót tim, bởi sản phụ vào viện ban đêm, khi chỉ có mình chị đang trực. Đây là một sản phụ làng bên chưa từng khám thai sản ở trạm xá, khi vào khám nhận thấy song thai, đang động viên sản phụ chuyển viện và hứa sẽ đi cùng thì sản phụ lên cơn co tử cung liên tục.

“Trời ơi, không còn cách nào khác, không cả kịp gọi hỗ trợ mình phải bắt tay vào đỡ đẻ. Đỡ xong một bé, không kịp cắt rốn gì cả, chỉ cuốn bé trong một cái chăn rồi đỡ tiếp bé thứ hai. Từ thời điểm sản phụ bước vào cửa phòng đẻ đến khi đón được em bé ra đời chỉ có 15 phút  Hai bé sinh đôi rất bụ bẫm, một đứa nặng 2,4kg, một đứa 2,2kg”.

Chị Cần chia sẻ, khi chị hỏi sản phụ sao biết song thai mà không tớ BV, sản phụ cho biết vì mang song thai nên tâm lý rất sợ. Lại thấy mọi người nói chị Cần đã đỡ  đẻ cho hàng nghìn người trong làng xã, có nhiều gia đình đỡ cả hai thế hệ, rất “mát tay” nên khi thấy có dấu hiệu là sang thẳng trạm y tế nơi chị Cần làm, dù đã biết mình mang song thai trước đó.

Hành trình quảng bá “thương hiệu” trạm y tế xã

Chị Cần cho biết, đến giờ chị vẫn thấy quyết định chọn ngành y là một quyết định đúng đắn nhất trong cuộc đời chị. Thời đó, khi còn là một cô bé 16 tuổi chị ao ước trở thành một cô giáo để đi học trung cấp y. Chị Cần quyết định như vậy, bởi chứng kiến cảnh gia đình, hàng xóm có người ốm không được thuận lợi trong chăm sóc y tế, trạm y tế xã nhân lực, trang thiết bị y tế đều thiếu, nhà trạm cũ kỹ dột nát, từ nhà đến bệnh viện hơn 10 km, phương tiện chủ yếu là xe đạp, đi bộ…Trong khi đó, đang cần cử người đi học y thì xã lọc người ra mà không đủ, tôi đã quyết định từ bỏ ước mơ làm cô giáo và rồi trở thành một y sĩ làm việc đã được gần 36 năm.

Trạm y tế của chị Cần có đến 100 - 110 lượt khám mỗi ngày. Đây là con số đáng mơ ước của bất cứ trạm y tế nào ở các địa phương. Đặc biệt từ khi có các xét nghiệm cận lâm sàng, siêu âm thì số bệnh nhân hàng năm tăng khoảng 5000 lượt so với thời điểm chưa có cận lâm sàng.

Khi được hỏi, làm thế nào để người dân tin tưởng chất lượng khám chữa bệnh tại trạm y tế, chị Cần cho biết: “Muốn có lòng tin từ người bệnh, đầu tiên phải là về con người. Chưa nói cán bộ anh giỏi, trình độ đến đâu, khi làm việc, đầu tiên là phải thể hiện trách nhiệm, sự nhiệt tình, tận tâm thì mới tạo cho dân tin, để dân yên tâm cho chúng ta chữa trị. Và đã là cán bộ y tế đương nhiên chúng ta phải trau rồi chuyên môn để có kiến thức cập nhật, chữa trị cho người bệnh”, y sĩ Cần nói.

Ngoài ra, theo chị Cần, người dân tín nhiệm trạm y tế của chị, bởi họ tín nhiệm trình độ chuyên môn, cung cách phục vụ. “Có thời đưa con ra Huế chữa bệnh, mình ấn tượng quá với cách chăm sóc người bệnh ở đây. Bệnh nhân đến viện lạ, bỡ ngỡ được nhân viên y tế dẫn đi khám đến ban đầu đến kết thúc. Đúng là đi một ngày đàng, học một sàng khôn, về mình cũng áp dụng như vậy, người bệnh đến là hướng dẫn chi tiết từ khám ban đầu, xét nghiệm.... Đó, mình cũng manh nha xây dựng “thương hiệu” trạm y tế xã từ những điều rất nhỏ nhặt như thế”, chị Cần tâm sự.

Khi tiếp xúc với chị Cần, ít ai biết người phụ nữ mộc mạc, thân thiện ấy lại trải qua quá nhiều biến cố của cuộc sống nhưng cuối cùng đã vượt qua nỗi đau, vì chính những người thân trong gia đình và vì những người bệnh đang cần mình.

Năm 2008, khi con gái chị đang học lớp 12 thì phát hiện ung thư tế bào phế nang phổi giai đoạn 1b. Con điều trị ung thư mới được 3 tháng thì chồng chị đột ngột qua đời vì tai nạn giao thông. “Đó là một cú sốc lớn với mình, mình tưởng không thể  vượt qua nổi... nhưng con ốm vẫn cần mình chăm, chỉ có mình là trụ cột gia đình. Xóm làng dù biết mình đang buồn đau, nhưng con họ đau đẻ, họ vẫn phải gọi mình qua đỡ. Thấy mọi người vẫn cần mình quá, nếu mình buông xuôi sẽ như thế nào? Nhờ sự động viên, an ủi, đùm bọc của xóm làng, mình gắng gượng vượt qua cú sốc ấy, lấy con cái, lấy việc đón những sinh linh bé nhỏ chào đời làm niềm vui, quên đên nỗi buồn”, giọng chị Cần trầm xuống khi nhắc lại biến cố đã qua.

Sau giây phút vinh quang được ra Thủ đô dự Đại hội thi đua yêu nước ngành y tế, y sĩ Phạm Thị Thanh Cần lại trở về với công việc hàng ngày. Ngoài giờ làm, chị ở nhà vui vầy, chăm sóc cháu nội 29 tháng tuổi để con trai, con gái, con dâu, con rể của chị lại tiếp tục phấn đấu, học hỏi, trau rồi kinh nghiệm để  chăm sóc bệnh nhân được tốt hơn.

Khi được hỏi, điều gì khiến chị hạnh phúc nhất sau gần 36 năm gắn bó với cơ sở, chị nói: “Niềm tin, sự yêu thương, quan tâm giản dị của người dân, chòm xóm khiến chị luôn thấy mình được trân quý như một người thân trong gia đình họ. Mỗi khi đi vào thôn xã để tuyên truyền phóng chống dịch, bà con thấy là phải mời bằng được vào nhà uống chén nước, ăn khi thì trái xoài, khi thì trái chuối. Rồi người dân chỉ vào con nhỏ (thằng nhỏ) đang chạy lon ton trước sân, khoe, ngày xưa cô đỡ đẻ cho mẹ thằng nhỏ này. Thực sự, mình có một tâm trạng rất vui, rất tự hào mình đã giúp đỡ, chia sẻ với những người dân những điều rất nhỏ bé ấy. Làm y tế cơ sở thích vậy đó, vui vậy đó, không có chuyện phong bì “cảm ơn” nhưng lúc nào cũng được “ăn của dân” những trái tươi, quả ngọt nhất họ dành cho mình đầy trân trọng”.

Với những thành tích trong sự nghiệp chăm sóc sức khỏe nhân dân, Y sĩ Phạm Thị Thanh Cần đã được nhận 01 bằng khen của Liên Đoàn lao động Tỉnh Khánh Hòa, 07 Bằng khen của UBND Tỉnh, 02 bằng khen của Bộ Y tế, 01 bằng khen Tỉnh ủy Khánh Hòa. Năm 2009 được Chủ tịch nước tặng danh hiệu “Thầy Thuốc ưu tú”, năm 2015 được Thủ tướng chính phủ tặng bằng khen.

Hồng Hải