Chuyện người nữ liệt sỹ của ngành y 40 năm mới được về quê mẹ

(Dân trí) - 19 tuổi, Bùi Thị Nghệ xung phong theo đoàn tình nguyện của Ty Y tế Nghệ An (nay là Sở Y tế Nghệ An) lên công tác tại cổng trời Mường Lống (Kỳ Sơn). Chỉ hơn 2 tháng sau, nữ dược sỹ trẻ đã nằm lại mảnh đất “rừng thiêng nước độc” dưới họng súng của bọn phỉ. Phải hơn 40 năm sau, chị mới được đưa về quê mẹ trong một ngày nắng bỏng rát.

Phần mộ của liệt sỹ Bùi Thị Nghệ tại Nghĩa trang liệt sỹ Tp. Vinh.
Phần mộ của liệt sỹ Bùi Thị Nghệ tại Nghĩa trang liệt sỹ Tp. Vinh.

Rảo bước trong những hàng mộ chí của Nghĩa trang liệt sỹ Tp Vinh tôi chợt chú ý đến ngôi mộ có ghi dòng chữ “Liệt sỹ Bùi Thị Nghệ (SN 1945) - dược tá Ty Y tế Nghệ An – hi sinh ngày 24/6/1964 tại Mường Lống, Kỳ Sơn”. Sự tò mò thôi thúc tôi đi tìm để được nghe kể về cuộc đời ngắn ngủi nhưng bi thương và thấm đẫm chất anh hùng của người nữ liệt sỹ này.

19 tuổi, Bùi Thị Nghệ học xong lớp sơ cấp y. Năm 1964, Ty y tế Nghệ An cử một đoàn tình nguyện lên xã Mường Lống công tác. “Do đặc thù công việc và địa hình, dân cư nên tiêu chuẩn chỉ chọn nam nhưng chị Nghệ xung phong đi và được chấp thuận. Thời gian tình nguyện chỉ 3 tháng, chị động viên gia đình yên tâm rồi lên đường”, bà Bùi Thị Tuyết - em gái liệt sỹ Bùi Thị Nghệ nhớ lại.

Vào thời kỳ đó, Mường Lống đúng nghĩa là “cổng trời”, đường đi cực kỳ khó khăn, đồi núi rậm rạp, hoang vu. Đời sống của đồng bào các dân tộc ở Mường Lống còn hết sức khó khăn, các phong tục tập quán, lối sinh hoạt còn nhiều lạc hậu. Lúc này, các toán phỉ vẫn hoạt động, tình trạng chém giết, cướp bóc thường xuyên xảy ra, gây ảnh hưởng lớn đến đời sống người dân. Sau nhiều ngày đi bộ từ huyện Anh Sơn, đoàn tình nguyện cũng có mặt tại xã Mường Lống.

Nhiệm vụ của đoàn công tác là tuyên truyền, thay đổi ý thức của người dân trong việc phòng bệnh, vệ sinh, ăn uống. Đoàn công tác chia thành nhiều tổ đến tận từng bản làng, phun thuốc trừ muỗi phòng bệnh sốt rét. “Chị Nghệ thường xuyên viết thư về nhà. Bức thư cuối cùng chị viết khi đang đi vào các bản làng vùng sâu: "Ở trên này tuy khó khăn, thiếu thốn, vất vả, hiểm nguy nhưng anh chị em thương nhau như người nhà, bố mẹ và các em hãy yên tâm. Con đi ít lâu, hoàn thành nhiệm vụ rồi con sẽ về". Nhưng sau đó chúng tôi đợi mãi, đợi mãi, không có lá thư nào nữa mà chị ấy cũng không về. Sau này thì nghe tin chị mất trong một lần công tác vào bản”, bà Tuyết nhớ lại.

Bà Bùi Thị Tuyết kể về những kỉ niệm với người chị gái liệt sỹ của mình.
Bà Bùi Thị Tuyết kể về những kỉ niệm với người chị gái liệt sỹ của mình.

Chiều tối 24/6/1964, dược tá Bùi Thị Nghệ và một đồng nghiệp từ trong bản ra, ghé vào Trạm dược liệu Mường Lống để nghỉ chân sau một ngày hành quân vất vả. Do trạm không đủ chỗ ở nên chị Nghệ cùng đồng nghiệp sang tá túc tại trụ sở UBND xã Mường Lống.

Nửa đêm, từng loạt súng chát chúa nổ từ sau lưng trụ sở ủy ban, Trạm dược liệu ngay bên cạnh cũng bị toán phỉ tấn công. Ngay lập tức mọi người dựa lưng vào nhau chiến đấu. Do tương quan lực lượng quá chênh lệch, chỉ một thời gian ngắn, nhóm phỉ đã tràn vào trụ sở UBND xã Mường Lống. 13 người đã ngã xuống trước họng súng của bọn phỉ, trong đó có 2 thành viên của đoàn tình nguyện Ty Y tế Nghệ An.

“Sau này, tôi được nghe kể lại, khi bọn phỉ tràn vào, chị Nghệ bị bắn trúng đùi, không chạy được. Bọn phỉ kê súng, nhằm vào đầu chị tôi bóp cò, 3 viên đạn nằm sâu trong đầu chị tôi…”, ông Bùi Huy Đắc - em trai liệt sỹ Bùi Thị Nghệ nói.

Từ phía Trạm dược liệu, các nhân viên của trạm lợi dụng địa hình đã từng bước đẩy đuổi được toán phỉ, buộc chúng phải rút sâu vào trong rừng. Trận đánh kết thúc, 13 người hy sinh được an táng gần khu vực Trạm dược liệu. Do địa hình xa xôi cách trở cộng với đời sống kinh tế khó khăn nên dẫu muốn nhưng gia đình dược tá Bùi Thị Nghệ vẫn chưa có cơ hội tìm kiếm và đưa hài cốt về quê.

Ông Bùi Huy Đắc, em trai của liệt sỹ Bùi Thị Nghệ chia sẻ với PV Dân trí về hành trình tìm kiếm và cất bốc hài cốt chị gái về quê sau hơn 40 năm xa cách.
Ông Bùi Huy Đắc, em trai của liệt sỹ Bùi Thị Nghệ chia sẻ với PV Dân trí về hành trình tìm kiếm và cất bốc hài cốt chị gái về quê sau hơn 40 năm xa cách.

Ông Đắc công tác trong ngành quân đội, những đợt công tác tại huyện Kỳ Sơn ông luôn cố gắng tìm kiếm thông tin về nơi chị gái mình hy sinh và chôn cất. Sau nhiều lần dò hỏi, ông Đắc gặp được một người đàn ông tên Toản, trước là công nhân Trạm dược liệu Mường Lống. Chính ông Toản là người chôn cất bà Nghệ và 12 người khác.

Sau nhiều năm nằm lại nơi “cổng trời”, sự hy sinh của dược tá Bùi Thị Nghệ và người đồng nghiệp cũng được ngành y tế, Đảng và Nhà nước ghi nhận. Năm 2007 dược tá Bùi Thị Nghệ được công nhận là liệt sỹ.

Năm 2009 ông Đắc mới có điều kiện cất bốc và đưa hài cốt liệt sỹ Nghệ về quê. “Đó là một ngày mùa hè bỏng rát, nhiệt độ có lúc lên tới 43 độ C nhưng Mường Lống chỉ có 10 độ. Đường lên Mường Lống thời kỳ ấy chưa làm như bây giờ đâu, chỉ là một con đường đất quanh co nép theo sườn núi, bên dưới là vực thẳm. Ấy mà không hiểu sao, cả đi lẫn về, đoàn xe của chúng tôi không gặp bất cứ sự cố nào”, ông Đắc kể.

Với sự giúp đỡ của ông Toản và chính quyền địa phương, hài cốt liệt sỹ Nghệ được tìm thấy và cất bốc với 3 vỏ đạn nằm trong đầu. Ngày đưa liệt sỹ Nghệ về quê mẹ, cụ Trần Thị Truật - mẹ liệt sỹ Nghệ đã nằm liệt giường 2 năm trời. Nghe tin con gái về, bà chỉ ôm tấm bằng Tổ quốc ghi công của con rồi nói “Thế là tốt rồi” và lịm dần đi. Sau giỗ 3 ngày của liệt sỹ Bùi Thị Nghệ (tính thời điểm chuyển về an táng tại nghĩa trang thành phố Vinh) thì bà cụ cũng thanh thản ra đi…

Hoàng Lam

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm