Chuyển mùa, bệnh hô hấp tăng vọt

(Dân trí) - Trong phòng khám tự nguyện bệnh viện Nhi Trung ương, tất cả các dãy ghế chờ đều kín đặc người ngồi. Bác sĩ Bùi Thị Ngọc Bích, khoa khám bệnh cho biết, từ đợt gió mùa đông bắc hôm 29/10, số bệnh nhi đến khám tăng đột biến, trong đó có tới một nửa mắc các bệnh liên quan đến đường hô hấp.

Trong sáng 1/11, chỉ riêng tại phòng khám 103 khu khám bệnh tự nguyện viện Nhi Trung ương, bác sĩ Bích đã phải khám, tư vấn liên tục cho 15 trẻ được bố mẹ đưa đến khám. Có tới 7/15 trẻ mắc bệnh về đường hô hấp như: cúm, viêm họng, sổ mũi, viêm phế quản, viêm phổi… chủ yếu là những bé có cơ địa hen. Trong đợt lạnh này, bệnh hen tăng nhiều nhất và quá trình điều trị hen cũng vất vả nhất, bác sĩ Bích cho biết.

 

Theo bác sĩ Bích, sở dĩ mấy ngày gần đây, số bệnh nhi đến khám tăng so với mấy ngày trước là do thời tiết thay đổi. Những hôm thời tiết lạnh đột ngột như chuyển gió mùa đông bắc… bệnh nhân sẽ tăng lên. “Nguyên nhân gây nên tình trạng này, đó là do cha mẹ không giữ ấm cho con, để bé bị lạnh bàn chân, lạnh cổ, ngực, thậm chí có ông bố mà mẹ còn cho trẻ ngậm nước đá….”.

 

Bệnh nhi Nguyễn Quang Chiến (Phúc Yên, Vĩnh Phúc) bị viêm phế quản co thắt. Nhưng vấn đề là ở chỗ, mẹ cháu vẫn nấu ăn bằng bếp than, bố thì hút thuốc, rồi trong nhà lại nuôi động vật có lông như chó, mèo…dù cháu đang bị ốm, khiến tình trạng bệnh trở nên trầm trọng. 

 

Các bác sĩ rất lo ngại khi các ông bố bà mẹ trẻ dường như không ý thức được mức độ nguy hiểm của các bệnh trên. Khi trẻ bị hắt hơi, sổ mũi, cha mẹ thường tự mua kháng sinh về cho con uống. Chỉ đến khi quá lâu không khỏi họ mới ôm con đến bác sĩ, lúc đó bệnh đã sinh ra nhiều biến chứng. Phổ biến nhất là từ cúm biến chứng sang viêm phổi.

 

Khi đưa con vào khám, mẹ của bệnh nhi Vũ Hồng Anh (Thị trấn Bần, Mỹ Hào, Hưng Yên) “khai” cháu mới được 9 tháng tuổi, nhưng chị đã cho con uống kháng sinh kéo dài đến 1 tháng do cháu bị ho, sổ mũi, tuy nhiên uống mãi thuốc không khỏi. Khi được bác sĩ cảnh báo biến chứng của viêm phổi không được điều trị kịp thời có thể dẫn đến viêm màng não mủ, nhiễm khuẩn huyết, thậm chí gây mù, liệt, điếc, hoặc tàn phế… bà mẹ trẻ mới giật mình vì cách chăm con không khoa học của mình.

 

Tại các bệnh viện khác số người đến khám cũng tăng mạnh. Không riêng gì trẻ mà cả người lớn cũng mắc bệnh. Bệnh viện Bạch Mai, sáng 2/11 có rất nhiều bệnh nhân đến khám, các bệnh về đường hô hấp vẫn chiếm phần lớn, trong đó có tới 25 trường hợp bị viêm phế quản co thắt. Một bác sĩ phòng khám bệnh viện này cho biết, viêm phế quản co thắt là bệnh phổ biến nhất trong đầu mùa lạnh năm nay. Những người có cơ địa dị ứng, hay bị viêm mũi dị ứng, hen, tràng… cần phải chú ý không để bị lạnh.

 

Còn tại Bệnh viện Xanh Pôn, trong hai ngày 31/10 và 1/11, bệnh nhân khám tai mũi họng đã lên tới hơn 200 người. “Con số này tăng rất nhiều so với mấy ngày trước đó” - Giám đốc bệnh viện, bác sĩ Lê Văn Điềm cho biết.

 

Để phòng bệnh khi thời tiết thay đổi, trời trở lạnh, cần chú ý những điều sau:

 

Giữ gìn sức khoẻ, ăn nhiều rau quả, trái cây, bổ sung đủ vitamin để nâng cao sức đề kháng của cơ thể.

 

Cha mẹ phải biết giữ ấm cho con, đặc biệt phải giữ ấm cổ, ngực, bàn chân, nhất là khi ngủ. Khi trẻ ngủ cần phải có bao chân, quàng cổ bằng một tấm khăn mỏng, hoặc dùng một khăn mặt bông phủ kín phần cổ, ngực cho trẻ. Khi đi ra đường gió lạnh cần đeo khẩu trang.

 

Phòng bệnh mũi họng bằng thuốc xịt mũi hàng ngày. Nên cho trẻ (tốt nhất là cho cả người lớn) tiêm phòng hô hấp như: tiêm phòng cúm, tiêm phòng viêm phổi, viêm phổi phế cầu.

 

Hồng Hải, Mạnh Cường