Chuyện khó tin ở BV Y học Dân tộc cổ truyền Hà Nội
Cố tình "gán" cho bệnh thêm một số bệnh, "ép" họ nằm viện để hoàn thành chỉ tiêu khám chữa bệnh. Thậm chí, chỉ tiêu phòng mổ phải đạt 624 ca mổ/năm đã khiến cho bệnh nhân không có chỉ định mổ cũng phải đem ra mổ.
Quyết định đình chỉ phòng khám dịch vụ của Bệnh viện Y học Dân tộc cổ truyền (YHCT) Hà Nội được đưa ra sau khi cơ quan chức năng phát hiện một loạt sai phạm liên quan tới tài chính lẫn chuyên môn tại cơ quan này.
Phòng khám hay phòng châm cứu?
Mặc dù nằm ngay trong bệnh viện, nhưng phòng khám dịch vụ này không có nổi một bác sĩ. Chỉ có 3 y sĩ chưa được ký hợp đồng với bệnh viện luân phiên làm việc. Thậm chí những nhân viên này còn được trao trọng trách khám chữa bệnh cho bệnh nhân.
Một số bệnh nhân phản ánh, khi đến đây khám, chưa biết có bệnh gì hay không nhưng các nhân viên đã yêu cầu chụp X-Quang hoặc châm cứu.
Không chỉ có sai phạm về nghiệp vụ, mà qua thanh tra cho thấy, đơn vị này só nhiều sai phạm về quy định tài chính doanh nghiệp.
Chị Ngô Thị Nguyên (Xuân Phương - Từ Liêm) kể, ngày 3/10 có đến phòng khám này chữa bệnh. Nhân viên ở đây đã thu tiền khám chữa bệnh của chị mà không có hóa đơn. Khi chị Nguyên thắc mắc, nhân viên nọ mới viết hóa đơn đỏ (số tiền ghi trong hóa đơn bằng 1/2 số tiền lúc đầu đã thu của chị Nguyên).
Trường hợp anh Đặng Giang H. (Mỹ Đình) chỉ biết nhân viên tại phòng khám yêu cầu nộp 50.000 đồng và được đưa sang phòng châm cứu mà không rõ mình đã mắc bệnh gì...
Thậm chí, y sĩ còn cố tình "gán" cho bệnh thêm một số bệnh,"ép" họ nằm viện để hoàn thành chỉ tiêu khám chữa bệnh cho chính bệnh viện.
Tuy nhiên, những sai phạm của phòng khám BV YHCT Hà Nội không chỉ dừng lại ở đó. Theo hồ sơ thì phòng khám dịch vụ này bắt đầu hoạt động từ tháng 1/9/2007 nhưng thực tế nó đã đi vào vận hành từ tháng 9/2005.
Cách đây 4 tháng, BV đã tổ chức đấu thầu nội bộ phòng khám này. Qua hai lần đấu thầu, bà Nguyễn Thị Ngọc Thư, Phó Phòng tài vụ của BV (1 người không có nghiệp vụ về y khoa) được đứng lên làm chủ phòng khám với giá thầu 52 triệu đồng/tháng và cũng là lúc phòng khám xuất hiện hàng loạt sai phạm.
Bệnh nhẹ cũng chỉ định mổ (?)
Theo hồ sơ do bác sỹ Hoàng Thị Thắng, Khoa Lão khoa cung cấp, BV YHCT Hà Nội đã đưa ra kế hoạch chỉ tiêu, toàn BV có 200 giường chia thành 7 khoa. Theo đó, tổng số bệnh nhân điều trị nội trú trong BV phải đạt 408 người/tháng và 4.901 người bệnh nằm viện/năm. Ngoài ra, số phần trăm sử dụng thuốc của bệnh nhân cũng phải đạt 60%/tháng/năm.
Tổng số bệnh nhân châm cứu kết hợp 194 người/tháng và 2.324 người/năm với số lần điều trị châm cứu 7,5 lần/1tháng/bệnh nhân.
Kèm theo chỉ tiêu này, ngày 4/1/2007, ông Bùi Văn Khôi, Phó Giám đốc BV đã đạt bút ký quyết định yêu cầu, tỷ lệ thuốc điều trị cho bệnh nhân nội trú của BV là dưới 50%/ tổng chi phí toàn bộ thời gian điều trị. Riêng khoa Hồi sức cấp cứu tiền thuốc là 65%/ tổng chi phí điều trị. Khoa Ngoại, khoa Sản chi phí thuốc được 60%/ tổng chi phí điều trị.
Nếu vi phạm quy định trên, các bác sĩ điều trị không được hưởng thi đua A-B-C trong 1 quý và trưởng khoa phụ trách không được hưởng A-B-C trong 1 tháng.
Trong quy định này cũng nêu rõ, người bệnh vào điều trị nội trú phải đủ 3 xét nghiệm thường quy (CTM- nước tiểu-phân). Nếu không đủ xét nghiệm thường quy sẽ tiến hành phạt bác sĩ điều trị 50.000 đồng/bệnh nhân. Đơn cấp thuốc ngoại trú nếu tiền thuốc vượt 50.000 đồng, bác sĩ kê đơn phải bù vào số vượt trội đó.
Vì những chỉ tiêu này nên các khoa của BV đã phải ra phòng khám dịch vụ để nhận bệnh nhân thậm chí chỉ tiêu phòng mổ phải đạt 624 ca mổ/năm đã khiến cho bệnh nhân không có chỉ định mổ cũng phải đem ra mổ
Đáng chú ý, do hầu hết bệnh nhân đến khám tại BV này đều có thẻ bảo hiểm y tế (BHYT), các bác sĩ chỉ cấp cho họ những loại thuốc sơ đẳng, không có tác dụng chữa bệnh mà còn làm cho bệnh nặng hơn.
Chị Thắng đưa dẫn chứng, một bệnh nhân bị viêm phế quản nhập viện, BV chỉ cấp thuốc Amoxilin. Loại thuốc này kháng khuẩn nhiều nên hiệu quả điều trị kém. Thế là bắt họ phải vào viện thì mới có thuốc cao cấp hơn (đó là thuốc tiêm)...
Theo Nam Nguyên
VTC