Chuyên gia truyền nhiễm: Chủng SARS-CoV-2 mới tốc độ lây lan nhanh

Minh Nhật

(Dân trí) - Đã có gần 99 chủng virus SARS-CoV-2 được ghi nhận trên toàn cầu. Tại Việt Nam phát hiện 6 chủng trong số đó. Tốc độ lây lan của các chủng virus mới này lớn hơn nhiều lần so với chủng ban đầu.

Việt Nam ghi nhận 6 chủng virus SARS-CoV-2

Báo cáo trong cuộc họp với Thủ tướng Chính phủ ngày 27/7, Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, chủng virus ở bệnh nhân Đà Nẵng là chủng mới so với các chủng đã tồn tại ở Việt Nam, là chủng xâm nhập từ bên ngoài.

Chuyên gia truyền nhiễm: Chủng SARS-CoV-2 mới tốc độ lây lan nhanh - 1

Quyền Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long thông tin, ca bệnh Covid-19 ở Đà Nẵng mang chủng virus mới, xâm nhập từ nước ngoài vào.

Phân tích rõ hơn về vấn đề này, GS.TS Nguyễn Văn Kính - Chủ tịch Hội Truyền nhiễm Việt Nam cho biết, bản chất của virus SARS-CoV-2 là luôn luôn đột biến. Trong quá trình virus này lây lan ra toàn cầu thì nó vẫn tiếp tục biến chủng. Hiện tại, đã có gần 99 chủng virus SARS-CoV-2 đã được ghi nhận trên toàn cầu. Trong số đó, hiện Việt Nam đã ghi nhận 6 chủng virus SARS-CoV-2.

Chuyên gia truyền nhiễm: Chủng SARS-CoV-2 mới tốc độ lây lan nhanh - 2

GS.TS Nguyễn Văn Kính - Chủ tịch Hội Truyền nhiễm Việt Nam (ảnh: Đức Anh)

“Điều quan trọng nằm ở chỗ, người ta đã xác định được độ lây lan của các chủng virus SARS-CoV-2 này lớn hơn rất nhiều lần so với chủng virus ban đầu. Tuy nhiên, độc lực lại không tăng lên. Hệ quả là tốc độ lây lan nhanh hơn, có rất nhiều người nhiễm nhưng tỉ lệ bệnh nhân diễn biến nặng và nguy kịch vẫn chỉ ở mức 5%”.

Chuyên gia truyền nhiễm: Chủng SARS-CoV-2 mới tốc độ lây lan nhanh - 3

Minh họa cho vấn đề này, GS.TS Nguyễn Văn Kính dẫn số liệu từ thực tế: Cả thế giới hiện nay sau 3 ngày tăng đến 1 triệu ca mắc mới Covid-19, trong khi đó trước đây phải mất đến 1 tuần mới đạt con số này. Hiện tại, toàn cầu đã cán mốc 16 triệu ca mắc Covid-19 nhưng số ca tử vong đang dần kiểm soát được.

Các biện pháp của Việt Nam vẫn hiệu quả để đối phó với các chủng virus mới

Mặc dù các chủng virus mới lây lan rất nhanh, nhưng dưới góc nhìn của một chuyên gia truyền nhiễm, GS.TS Nguyễn Văn Kính khẳng định các biện pháp chống dịch, mà chúng ta đang áp dụng sẽ vẫn giúp kiểm soát tốt tình hình.

Chuyên gia truyền nhiễm: Chủng SARS-CoV-2 mới tốc độ lây lan nhanh - 4

GS.TS Nguyễn Văn Kính phân tích: “Bằng cách truy vết từ F0 cho đến F3 như đang thực hiện thì chúng ta có thể khống chế được tình hình. Bên cạnh truy vết thì vùng có nhiều bệnh nhân chúng ta có thể phong tỏa tạm thời ở quy mô nhỏ, trong các địa bàn lân cận phải tiến hành giãn cách xã hội”.

Bên cạnh các giải pháp của chính quyền, ông cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc người dân tuân thủ nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch bệnh như đeo khẩu trang, rửa tay bằng xà phòng và không tụ tập nơi đông người.

Việc ghi nhận ca mắc Covid-19 trong cộng đồng đã nằm trong dự tính

Theo Chủ tịch Hội Truyền nhiễm Việt Nam, trong nhiệm vụ cân đối giữa tăng trưởng kinh tế và kiểm soát dịch bệnh, nước ta đã đạt được những thành công bước đầu, khi đã 99 ngày không ghi nhận ca mắc trong cộng đồng.

Chuyên gia truyền nhiễm: Chủng SARS-CoV-2 mới tốc độ lây lan nhanh - 5

Dịch Covid-19 vẫn đang diễn biến rất phức tạp trên thế giới

Việc chúng ta ghi nhận bệnh nhân Covid-19 trong cộng đồng (BN416), vào ngày 25/7 vừa qua là điều đã nằm trong dự tính của Ban Chỉ đạo Quốc gia Phòng chống dịch Covid-19, bởi ở xung quanh tình hình các nước vẫn rất phức tạp và khả năng lọt vào Việt Nam là không hề nhỏ.

Trước tình hình mới của dịch bệnh, theo GS.TS Nguyễn Văn Kính, người dân cần nâng cao cảnh giác nhưng cũng không nên quá sợ hãi và cần thực sự bình tĩnh, để tiếp tục cuộc chiến với đại dịch toàn cầu này.

Chuyên gia truyền nhiễm: Chủng SARS-CoV-2 mới tốc độ lây lan nhanh - 6

Công tác truy vết và phong tỏa để chống dịch ở nước ta đều đã đạt trình độ cao hơn

“Chúng ta đã có được nhiều kinh nghiệm chống dịch từ giai đoạn trước, cả về công tác truy vết và phong tỏa đều đã đạt trình độ cao hơn. Thay vì phong tỏa cả nước, chúng ta tiến hành phong tỏa từng vùng một, bị ở đâu phong tỏa ở đấy như vậy dần kiểm soát được tình hình thì cuộc sống người dân vẫn sẽ yên ổn” – GS.TS Nguyễn Văn Kính nhấn mạnh.

BN418 toan hô hấp nặng có thể phải chạy ECMO

Là một thành viên trong tổ công tác đặc biệt tham gia hội chẩn cho các bệnh nhân Covid-19 nặng, GS.TS Nguyễn Văn Kính cho biết, BN416 và BN418 vẫn đang tiên lượng rất nặng.

Chuyên gia truyền nhiễm: Chủng SARS-CoV-2 mới tốc độ lây lan nhanh - 7

Ông cho hay: “Hiện tại, chúng tôi cá thể hóa việc điều trị. Trong các cuộc hội chẩn, tổ công tác đặc biệt bao gồm các giáo sư đầu ngành đã ngồi xem xét từng ly từng tí một, để gỡ rối, vượt qua từng thách thức trong điều trị như đã làm với BN91”.

Tuy nhiên, theo GS.TS Nguyễn Văn Kính, trong điều trị không thể đánh đồng giống nhau với tất cả mọi cá thể. Khả năng hồi phục đến đâu phụ thuộc vào sự đáp ứng của từng bệnh nhân một.

Chuyên gia này cũng thông tin thêm rằng, BN416 dù đang phải chạy ECMO (tim phổi nhân tạo) nhưng duy trì rất tốt. Trong khi đó, mặc dù chưa phải chạy ECMO nhưng BN418 nhiều khả năng sẽ còn nặng hơn BN416.

“Bản thân BN418 đã mắc 2 bệnh nền nặng là tiểu đường và cao huyết áp, nay lại cộng thêm Covid-19 phải vào thở máy và hiện đang toan hô hấp rất nặng, có thể sẽ phải chạy ECMO” – Ông chia sẻ.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm