Chuyên gia nói gì về ca mắc Covid-19 sau một tháng đến Đà Nẵng?

Công Bính-Nam Phương

(Dân trí) - Liên quan đến bệnh nhân 964 trở về từ Đà Nẵng hơn 1 tháng, không có triệu chứng, không rõ nguồn lây…, Giám đốc Sở Y tế Quảng Nam nhận định đây là một ca bệnh phức tạp.

Hãy cài đặt Bluezone để bảo vệ mình và bảo vệ mọi người.

Theo Bác sĩ Nguyễn Văn Hai, Giám đốc Sở Y tế Quảng Nam, bệnh nhân này không xuất hiện triệu chứng trong thời gian dài, nếu có triệu chứng thì đã được xét nghiệm. Hiện cơ quan chức năng cũng chưa truy ra được ca F0 của bệnh nhân này.

Chuyên gia nói gì về ca mắc Covid-19 sau một tháng đến Đà Nẵng? - 1

Trung tâm kiểm soát bệnh tật Quảng Nam, nơi bệnh nhân 964 làm việc

“Chúng tôi đang truy vết nguồn lây, không những thế mà còn truy vết ngược, tức là phải tìm cho ra F0, dù rất khó khăn phức tạp”, bác sĩ Hai cho biết.

Trả lời câu hỏi vì sao hơn một tháng, trường hợp này mới được lấy mẫu xét nghiệm, bác sĩ Hai cho hay, người Quảng Nam đi ra Đà Nẵng rất đông, vì thế không thể một lần có thể lấy hết được tất cả nên ngành y tế phải chia ra từng đoạn để lấy mẫu.

Chuyên gia nói gì về ca mắc Covid-19 sau một tháng đến Đà Nẵng? - 2

Khu phố nơi bệnh nhân 964 sinh sống được phong tỏa

Bác sĩ Nguyễn Văn Hai cũng cho biết thêm, việc mất dấu F0 là chuyện bình thường. Vì thế, việc tầm soát ở cộng đồng rất quan trọng, giúp cho việc phát hiện các ca lây nhiễm trong cộng đồng.

Bệnh nhân nhiễm bệnh khi đến Đà Nẵng dự đám cưới sau một tháng?

Liên quan đến ý kiến cho rằng bệnh nhân này lây bệnh từ Đà Nẵng,  một chuyên gia của Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương (Bộ Y tế) đặt vấn đề: "Tại sao chúng ta cứ nghĩ chỉ có Đà Nẵng là vùng dịch, Quảng Nam cũng là vùng dịch. Có thể người Đà Nẵng đến Quảng Nam, người Quang Nam đến Đà Nẵng rồi mang mầm bệnh về".

Vì thế, chuyên gia này cho rằng "hoàn toàn có thể xảy ra khả năng trường hợp này lây từ nguồn bệnh ở Quảng Nam".

Về khả năng bệnh nhân phát hiện dương tính SARS-CoV-2 sau một tháng tiếp xúc với nguồn bệnh (ở đây là yếu tố từ Đà Nẵng về), chuyên gia trên nhận định: "Khả năng nhiễm mới là không có. Nếu là tái dương tính thì có thể xảy ra, có trường hợp vài tháng sau xét nghiệm lại vẫn dương tính".

Theo ông, có thể làm xét nghiệm thêm để xác định xem trường hợp này là nhiễm mới hay tái dương tính.

Chung quan điểm này, một chuyên gia của Viện Pasteur Nha Trang cho rằng trường hợp này cần phải điều tra thật kỹ tiền sử tiếp xúc, không phải chỉ ở Đà Nẵng mà còn tiếp xúc hàng ngày và mới đây ở Quảng Nam, từ đó mới có thể nhận định chính xác được. Ngoài ra, có thể làm giải trình tự gen để xem nguồn gốc của virus trùng với Đà Nẵng hay Quảng Nam.

“Tỷ lệ người lành mang trùng là rất lớn nên việc bệnh nhân không có triệu chứng là bình thường. Chẳng hạn, ca mắc bệnh đầu tiên của Đà Nẵng là do vô tình phát hiện qua giám sát trọng điểm “, chuyên gia nhấn mạnh.

Trước, đó trong giai 1 của dợt dịch, Hà Nội từng ghi nhận một trường hợp được phát hiện dương tính sau 23 ngày kể từ thời điểm bệnh nhân đến Bệnh viện Bạch Mai (được coi là ổ dịch khi đó). Nhiều người đặt ra câu hỏi liệu có phải bệnh nhân ủ bệnh đến 23 ngày.

Tuy nhiên, xét nghiệm kháng thể cho thấy bệnh nhân mới mắc Covid-19. Vì thế, có thể bệnh nhân lây nhiễm trong cộng đồng và nguồn lây không phải từ Bệnh viện Bạch Mai. 

Như Dân trí đã đưa tin, ca bệnh 964 là cán bộ của CDC Quảng Nam. Đây là ca bệnh đặc biệt vì chưa xác định được nguồn lây, chưa xác định F0. Trong suốt thời gian từ Đà Nẵng về ngày 11/7 đến khi được phát hiện dương tính với SARS-CoV-2, bệnh nhân không có triệu chứng, không sốt, ho…

Bệnh nhân này có dự một buổi kết thúc năm học ở Trường Cao đẳng Phương Đông khoảng 54 người, trong đó có một giáo viên người ở Đà Nẵng. Giáo viên này không có yếu tố liên quan đến các bệnh viện, hiện sức khỏe bình thường và được lấy mẫu xét nghiệm vào ngày 17/8.

Hiện tại, 154 cán bộ, nhân viên của CDC Quảng Nam đã được xét nghiệm và kết quả xét nghiệm lần 1 đều âm tính. Sáng 17/8, tất cả nhân viên được lấy mẫu xét nghiệm lần 2.

Chiều 17/8, trao đổi với báo chí, ông Bùi Ngọc Ảnh, Chủ tịch TP Tam Kỳ, Quảng Nam cho biết, kết quả xét nghiệm tất cả các trường hợp F1 của bệnh nhân 964, trong đó có con trai của bệnh nhân này, đều âm tính lần 1 với virus SARS-CoV-2. Hiện Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh đã lấy mẫu xét nghiệm lần 2 đối với các trường hợp này.

Trước khi bệnh nhân 964 được phát hiện mắc Covid-19, con trai của bệnh nhân đi thi tốt nghiệp THPT. Con của bệnh nhân là học sinh lớp 12 của một trường THPT trên địa bàn TP Tam Kỳ. Trong kỳ thi vừa qua, thí sinh này có tham dự kỳ thi tốt nghiệp THPT. Hiện lực lượng chức năng đã lập 3 chốt phong tỏa kiệt 20, đường Tiểu La, phường An Mỹ - nơi bệnh nhân 964 sinh sống. Kiệt này có 11 hộ dân với khoảng 50 nhân khẩu.

Hiện thế giới cũng chưa có khuyến cáo mới gì về thời gian ủ bệnh. Các nghiên cứu tổng kết đến thời điểm này (trên số lượng bệnh nhân lớn) cho thấy, thời gian ủ bệnh trung bình là 5-6 ngày, nhanh nhất là 2 ngày, chậm chất là 14 ngày. 

Một số nghiên cứu có chỉ ra rằng có thể thời gian ủ bệnh kéo dài nhưng đây kết quả từ một vài báo cáo nhỏ và cũng chỉ là nhưng ca bệnh cá biệt. Tuy nhiên, Tổ chức Y tế thế giới kết luận là không có cơ sở.