Chuyên gia hướng dẫn các biện pháp phòng cúm hiệu quả

(Dân trí) - PGS.TS Đào Xuân Cơ, Trưởng khoa Hồi sức tích cực (BV Bạch Mai) khuyến cáo, những hành vi tưởng rất đơn giản ngày thường lại chính là căn nguyên lây lan bệnh cúm.

PGS Đào Xuân Cơ thông tin, hai ca cúm A/H1N1 vẫn đang được điều trị tích cực tại khoa. Trong đó, bệnh nhân nam 51 tuổi nhiều khả năng bị lây cúm từ cháu. Trước khi bệnh nhân nhập viện 4 - 5 ngày, cháu nội bệnh nhân có biểu hiện cúm. 

PGSCo.jpg

PGS .TS Đào Xuân Cơ chỉ ra các biện pháp phòng cúm hiệu quả

Đeo khẩu trang khi đến nơi đông người

Vi rút cúm vô cùng dễ lây lan, do vi rút cúm lây truyền qua đường hô hấp, người lành dễ dàng mắc bệnh trực tiếp khi hít phải giọt bắn nước mũi, nước bọt khi người bệnh hắt hơi, ho hoặc gián tiếp qua bàn tay khi cầm nắm các vật dụng có nhiễm nước mũi, nước bọt của bệnh nhân (thành giường, tay nắm cửa, điện thoại…) hoặc do dùng chung dụng cụ với bệnh nhân (cốc chén, bát đũa, thau chậu…). đeo khẩu trang khi đến nơi đông người, đến bệnh viện sẽ giảm nguy cơ mắc bệnh.

Khi ho cần che miệng. Nhưng cần lưu ý, nhiều người đã che miệng khi hắt hơi, ho nhưng lại quên mất công đoạn, rửa tay xà phòng nên “bàn tay bẩn” vẫn có nguy cơ gây bệnh khi cầm nắm các vật dụng dùng chung như tay nắm cửa, nút bấm cầu thang… khi người khác chạm vào, dụi tay lên mũi miệng là hoàn toàn có thể lây bệnh.

Người lớn cần giáo dục trẻ khi ho, hắt hơi cần che miệng bằng khăn giấy rồi bỏ khăn giấy đúng nơi quy định. Cần khuyến khích trẻ luôn mang theo khăn giấy, nếu không có thì lấy ống tay áo che miệng khi ho. Còn nếu dùng tay để che miệng thì nhớ rửa tay bằng xà phòng sau khi ho.

Rửa tay xà phòng thường xuyên, vệ sinh mũi họng sạch sẽ

PGS Cơ chia sẻ, hàng ngày ở BV tiếp xúc bệnh nhân với nhiều nguồn gây bệnh, trước khi về nhà, ông bao giờ cũng rửa tay thay quần áo sạch sẽ.

Khi về đến nhà, việc đầu tiên ông làm bao giờ cũng là vệ sinh cơ thể sạch sẽ, thay quần áo, rửa mắt mũi họng bằng nước muối sinh lý rồi mới vào chơi với con. Nhờ vậy mà dù bố làm bác sĩ, tiếp xúc đủ vi khuẩn, vi rút trong bệnh viện nhưng trẻ nhỏ chưa khi nào bị lây bệnh.

Bệnh cúm vi rút gây bệnh có thể lây lan qua “bàn tay bẩn” khi xì mũi, hắt hơi… vì thế, việc rửa tay bằng xà phòng là rất quan trọng để phòng lây truyền các bệnh truyền nhiễm. Rửa tay xà phòng rất dơn giản nhưng nó có giá trị phòng 30% nguy cơ mắc bệnh hô hấp và 50% nguy cơ mắc bệnh đường ruột.

Mở tung cửa sổ mỗi ngày

PGS Cơ chia sẻ, ở thành phố, nhiều gia đình không có thói quen mở cửa sổ vì sợ bụi, sợ tiếng ồn. Trong khi đó, ở môi trường kín vi rút cúm càng có điều kiện sinh sôi, phát triển.

Trong khi đó, vi rút cúm đễ chết trong điều kiện có ánh nắng mặt trời, thoáng khí. Môi trường càng thoáng, nguy cơ tránh lây nhiễm càng lớn.

Vì thế, mỗi ngày, hãy cố gắng mở cửa sổ trong thời gian nhất định, bật thêm quạt để không khí lưu thông sẽ giảm được vi rút trong phòng.

Trong nhà, phòng ở, phòng làm việc cần có hệ thống thông gió, chiếu sáng tránh được vi rút cúm.

Tăng cường sức đề kháng của cơ thể

Tăng cường sức đề kháng của cơ thể không chỉ giảm nguy cơ mắc cúm mà còn bảo vệ trước nhiều bệnh lý khác.

Phần lớn mọi người đều có thể mắc cúm, nhưng trên cơ địa người khoẻ mạnh, biểu hiện bệnh sẽ nhẹ nhàng hơn, sau 3 - 5 ngày là khỏi. Trong khi đó, ở cơ địa suy giảm miễn dịch, miễn dịch kém bệnh cúm dễ chuyển biến phức tạp, biến chứng, trong đó tổn thương phổi là hay gặp nhất và trong thời gian ngắn có thể diễn biến suy đa phủ tạng.

Vì vậy, một chế độ dinh dưỡng, thể dục thể thao phù hợp sẽ góp phần nâng cao sức khoẻ, sức đề kháng của cơ thể. Kết hợp tiêm phòng chủ động sẽ giúp phòng ngừa bệnh cúm.

Cách ly khi bị bệnh

Đây là nguyên tắc quan trọng không chỉ để phòng lây lan cúm mà cả các bệnh lý hô hấp khác.

Nhiều người khi con có dấu hiệu mắc bệnh vẫn cố đưa trẻ đến lớp vì rất nhiều lý do, không có người trông, con đã đỡ, hay chỉ sụt sùi, cố đi làm nốt để giải quyết công việc. Nhưng thực tế, đây là hai căn bệnh cực dễ lây nếu không cách ly người bệnh. Vi rút cúm qua những giọt nước bọt li ti bắn ra không khí, bắn vào các đồ vật sinh hoạt chung khi tiếp xúc, nói chuyện và dễ dàng lây bệnh.

Đó là nguyên nhân của nhiều ca sốt tập thể trong cùng một lớp học, trong cùng một cơ quan do lây lan qua đường hô hấp.

Tiêm vắc xin cúm mỗi năm

Khác với nhiều loại vắc xin khác, tiêm đủ số mũi là có tác dụng phòng bệnh. Với vắc xin cúm cần tiêm phòng mỗi năm. Bệnh cúm xảy ra rải rác quanh năm, nhưng cuối đông, đầu xuân tỉ lệ gặp lớn hơn. Việc tiêm phòng cúm sẽ giảm được nguy cơ mắc bệnh. Khi bị, biểu hiện bệnh cũng sẽ nhẹ hơn những người chưa tiêm vắc xin phòng bệnh.

Vì thế, PGS Cơ khuyến khích mọi người nên tiêm vắc xin phòng cúm. Đặc biệt những người có cơ địa miễn dịch yếu kém như cụ già, trẻ em, phụ nữ mang thai càng cần phải tiêm phòng và cách ly với nguồn lây cúm.

Hồng Hải