Chuyên gia: Hà Nội cần sớm có biện pháp cách ly F1, F0 tại nhà

Thảo Vy

(Dân trí) - Nhiều chuyên gia y tế nêu quan điểm Hà Nội cần sớm có biện pháp cách ly F1 thậm chí là điều trị các F0 không triệu chứng/triệu chứng nhẹ tại nhà.

Nhiều tỉnh thành phía Bắc cách ly F0, F1 tại nhà khi vừa bùng dịch

Ngay sau khi Covid-19 có dấu hiệu diễn biến phức tạp trên toàn quốc, bên cạnh đó, trên địa bàn cũng ghi nhận các ca bệnh, nhiều tỉnh thành miền Bắc, đã áp dụng biện pháp cách ly, điều trị F1 và F0 không triệu chứng tại nhà.

Tại Phú Thọ, sau khi dịch bùng phát (ngày 14/10), UBND tỉnh Phú Thọ đã sớm triển khai phương án điều trị các F0 không có triệu chứng và đáp ứng đủ các điều kiện được điều trị tại nhà.

Chuyên gia: Hà Nội cần sớm có biện pháp cách ly F1, F0 tại nhà - 1

Nhiều địa phương đã áp dụng chiến lược điều trị F0 không triệu chứng/triệu chứng nhẹ tại nhà (Ảnh minh họa: Hải Long).

Các F0 điều trị tại nhà được tiếp cận với các "Túi thuốc an sinh điều trị F0 tại nhà" và được hỗ trợ y tế kịp thời khi có yêu cầu. F0 và người chăm sóc được cung cấp số điện thoại thường trực 24/24 giờ để tư vấn hoặc nhận yêu cầu hỗ trợ trong những tình huống khẩn cấp.

Phú Thọ cũng đã thành lập các trạm y tế lưu động, tổ chăm sóc F0, với đầy đủ các trang thiết bị y tế, thuốc thiết yếu, vật tư, oxy y tế theo các hướng dẫn chi tiết của Bộ Y tế, để sẵn sàng điều trị, cấp cứu, vận chuyển F0 khi bệnh nhân có diễn biến nặng lên.

Theo hướng dẫn tạm thời của Sở Y tế Phú Thọ, khi F0 bắt đầu áp dụng theo dõi, điều trị tại nhà, tất cả những người đang sống trong cùng hộ gia đình đều là F1 và thực hiện xét nghiệm sàng lọc bằng RT - PCR mẫu đơn vào các ngày 1, 3, 7 và 14 (tính từ ngày F0 bắt đầu áp dụng theo dõi, điều trị tại nhà).

Hà Giang cũng là một trong các địa phương áp dụng điều trị F0 tại nhà sớm nhất ở khu vực phía Bắc.

Theo văn bản số 2353/SYT-NVY được Sở Y tế Hà Giang ban hành ngày 31/10, tiêu chí của F0 được cách ly và theo dõi sức khỏe tại nhà như sau:

- Là người mắc Covid-19 không có triệu chứng lâm sàng; hoặc có triệu chứng nhẹ như: sốt, ho khan, đau họng, nghẹt mũi, mệt mỏi, đau đầu, đau mỏi cơ, tê lưỡi.

- Không có các dấu hiệu của viêm phổi hoặc thiếu oxy, nhịp thở ≤ 20 lần/phút, SpO2 ≥ 96% khi thở khí trời; không khó thở.

- Đáp ứng thêm, tối thiểu 1 trong 2 tiêu chí sau:

+ Đã tiêm đủ 2 mũi hoặc một mũi vaccine phòng Covid-19 sau 14 ngày.

+ Có đủ 3 yếu tố sau: Trẻ em trên một tuổi, người lớn dưới 50 tuổi; không có bệnh nền; không đang mang thai.

Cùng với đó, mỗi Tổ Covid-19 cộng đồng chăm sóc tại nhà cho khoảng 10 - 20 người mắc Covid-19 được cách ly tại nhà. Nếu trên địa bàn tổ dân phố có trên 20 người mắc Covid-19 được cách ly tại nhà thì phải thành lập thêm tổ Covid-19 cộng đồng để đảm bảo quản lý và chăm sóc, theo dõi sức khỏe cho bệnh nhân.

Bên cạnh đó, nhiều tỉnh thành phía bắc cũng đã triển khai cách ly F1 tại nhà.

Ngày 1/11, Sở Y tế Bắc Giang ban hành hướng dẫn cách ly y tế tại nhà cho F1. Cụ thể, tỉnh ưu tiên thực hiện cách ly tại nhà với F1, người từ vùng dịch về đã tiêm đủ 2 mũi vaccine phòng Covid-19 hoặc đã khỏi bệnh Covid-19 trong vòng 6 tháng. Đối với F1 sẽ thực hiện cách ly y tế tại nhà, nơi lưu trú 14 ngày liên tục kể từ ngày tiếp xúc cuối cùng với F0. Tiến hành lấy mẫu xét nghiệm SARS-CoV-2 bằng phương pháp RT-PCR ít nhất 3 lần vào ngày thứ nhất, ngày thứ 7 và vào ngày thứ 13 trong thời gian cách ly.

Nam Định cũng đã cho phép cách ly tại nhà những F1 có yếu tố nguy cơ thấp; F1 thuộc các trường hợp đặc biệt (người già, người hạn chế vận động, trẻ nhỏ, người bị bệnh hoặc sức khỏe yếu cần phải có người chăm sóc...).

Tại Hà Nam, từ đầu tháng 11, các F1 ít nguy cơ lây nhiễm và gia đình có phòng cách ly đạt yêu cầu, được cách ly tại nhà.

Hà Nội vẫn cách ly F0, F1 tập trung

Một tháng sau khi áp dụng chiến lược "thích ứng với Covid-19", tình hình dịch ở Hà Nội có dấu hiệu nóng trở lại. Theo thống kê, kể từ ngày 11/10 (thời điểm Hà Nội chuyển chiến lược thích ứng với dịch" đến nay, thành phố đã ghi nhận thêm hơn 1.500 F0. Hiện thành phố đang có 12 ổ dịch phức tạp hoành hành.

Chuyên gia: Hà Nội cần sớm có biện pháp cách ly F1, F0 tại nhà - 2

Covid-19 tại Hà Nội diễn biến nóng trở lại sau khi nới lỏng giãn cách (Ảnh minh họa).

Mặc dù số F0, kéo theo đó là F1 tăng nhanh, nhưng Hà Nội vẫn đang áp dụng biện pháp cách ly và điều trị tập trung F0. Đối với F1, ngoài các trường hợp được ưu tiên cách ly tại nhà bao gồm: người cao tuổi, người có bệnh nền, phụ nữ mang thai, người dưới 12 tuổi (theo kế hoạch số 243/KH-UBND của UBND TP Hà Nội), các trường hợp khác vẫn thực hiện cách ly tập trung.

Theo Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật Hà Nội, hiện tại, Hà Nội vẫn có đủ nguồn lực để cách ly và điều trị tập trung F1 và F0. Chỉ khi nào số lượng F0, F1 tăng vượt quá khả năng thì mới tính đến phương án cách ly F1 và F0 không triệu chứng tại nhà.

Để thích ứng với dịch Covid-19, Hà Nội đang xây dựng phương án điều trị các F0 không có triệu chứng tại các trạm y tế lưu động để giảm tải cho các bệnh viện. Mỗi quận, huyện, xã, phường sẽ có trạm y tế lưu động để phục vụ công tác điều trị F0 không triệu chứng.

Tham gia tranh luận tại phiên họp Quốc hội sáng 10/11, đại biểu Trần Thị Nhị Hà - Giám đốc Sở Y tế Hà Nội dự báo tình hình dịch bệnh của thành phố sẽ vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp và khó lường.

"Trên cơ sở diễn biến dịch Covid-19, Hà Nội sẽ tiếp tục điều chỉnh các biện pháp phòng chống dịch, cũng như các biện pháp cách ly, để đảm bảo vừa thực hiện đúng các quy định tại Nghị quyết 128, vừa phù hợp thích ứng linh hoạt với tình hình cụ thể của địa phương", TS Hà cho hay.

Chuyên gia y tế lo ngại tình trạng "sợ cách ly" tại Hà Nội

Tại buổi làm việc với TP Hà Nội vào sáng 2/11, theo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, bên cạnh các phương án đang triển khai, Hà Nội cũng cần "tập dượt" các phương án khác, như thí điểm cách ly F1, điều trị F0 có đủ điều kiện tại nhà để xây dựng quy trình, tập huấn cho y tế tuyến dưới.

Nhiều chuyên gia y tế nêu quan điểm Hà Nội cần sớm có biện pháp cách ly F1 thậm chí là điều trị các F0 không triệu chứng/triệu chứng nhẹ tại nhà.

PGS.TS Nguyễn Việt Hùng, Phó Chủ tịch Hội kiểm soát nhiễm khuẩn Hà Nội bày tỏ lo ngại về tình trạng "Sợ cách ly tập trung" có thể ảnh hưởng đến cuộc chiến chống dịch tại Thủ đô.

Chuyên gia: Hà Nội cần sớm có biện pháp cách ly F1, F0 tại nhà - 3

Chuyên gia y tế lo ngại tình trạng "sợ cách ly" tại Hà Nội (Ảnh minh họa).

"Người dân sợ đi cách ly tập trung, bên cạnh nguy cơ lây nhiễm chéo, thì một nguyên nhân khác là sự phiền hà, ảnh hưởng đến cuộc sống, công việc của bản thân và gia đình. Đặc biệt là với những trường hợp trẻ em và người già phải đi cách ly tập trung sẽ khiến người nhà rất không an tâm", PGS Hùng nêu quan điểm.

"Chính tâm lý ngại cách ly tập trung sẽ khiến một bộ phận người dân hạn chế khai báo dù có yếu tố dịch tễ. Việc này vô tình khiến dịch dễ âm thầm lan ra cộng đồng", PGS Hùng nói thêm.

Theo chuyên gia này, thành phố cần sớm có biện pháp cho những F1 có đủ điều kiện về nơi ở được phép cách ly tại nhà.

Cùng với đó, các F0 có triệu chứng nhẹ hoặc không có triệu chứng cũng nên được cách ly và điều trị tại nhà, vừa hạn chế ảnh hưởng đến người dân, vừa tránh tình trạng quá tải hệ thống y tế.

"Hiện tại tỷ lệ người dân Hà Nội được tiêm 2 mũi vaccine đã ở mức cao. Với những người này, nguy cơ chuyển biến nặng là rất thấp. Do đó, thành phố nên dồn nguồn lực điều trị tập trung cho các ca bệnh nặng, nguy kịch", PGS Hùng nhấn mạnh.

Trước đó, trao đổi với Dân trí, PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế) nêu ý kiến, để chung sống an toàn với dịch, Hà Nội trước mắt nên sớm có phương án cho các F1 đáp ứng đủ điều kiện phòng ốc quy định của Bộ Y tế được cách ly tại nhà.

Việc này sẽ giúp tránh quá tải cho các khu cách ly, tránh hiện tượng lây nhiễm chéo trong các khu cách ly, cùng với đó giảm thiểu ảnh hưởng về cuộc sống và kinh tế của người thuộc diện cách ly.

Tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn đối với Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long ngày 10/11, đại biểu Nguyễn Mạnh Cường (Quảng Bình) hỏi về việc những người đã tiêm đủ 2 mũi vaccine, đeo khẩu trang, không tiếp xúc, nhưng vô tình đi cùng thang máy với F0, và có đủ khả năng tự cách ly tại căn hộ... thì có bắt buộc phải đưa họ đi cách ly tập trung hay không?

Đối với trường hợp như đại biểu Nguyễn Mạnh Cường nêu trên, Bộ trưởng Bộ Y tế kiến nghị áp dụng cụ thể: Đối với những khu chung cư đông người mà tỉ lệ tiêm chủng chưa cao, bắt buộc phải áp dụng cách ly tập trung hoặc cách ly tại nhà. Bộ Y tế cũng đã trao đổi với Hà Nội, trong những trường hợp như vậy thì không bắt buộc cách ly tập trung 14 ngày và trong hướng dẫn của Bộ Y tế đã nêu rất rõ trường hợp như vậy chỉ cách ly tại nhà 7 ngày.

Người đứng đầu Bộ Y tế đề nghị các địa phương áp dụng các văn bản hướng dẫn cụ thể các mức độ khi tiêm 2 mũi thì như thế nào, tiêm một mũi như thế nào và đã khỏi bệnh như thế nào... để tạo sự thống nhất.