Chuyên gia: Chiến lược vắc xin và xét nghiệm của Hà Nội cần đi trước dịch

Minh Nhật

(Dân trí) - Hơn một tuần Hà Nội tiến hành giãn cách xã hội theo nguyên tắc Chỉ thị số 16 của Thủ tướng Chính phủ, tình hình dịch Covid-19 vẫn còn diễn biến phức tạp, với số F0 tăng nhanh.

Sau hơn một tuần giãn cách, dịch ở Hà Nội vẫn phức tạp

Trong đợt bùng dịch mới này, Thủ đô đã ghi nhận hơn 900 trường hợp dương tính SARS-CoV-2 liên quan 11 chùm ca bệnh, hơn một nửa trong số này được ghi nhận trong thời gian Hà Nội áp dụng lệnh giãn cách.

Một điểm đáng chú ý là số F0 trong chùm ca bệnh ho, sốt thứ phát gia tăng nhanh và hiện đây là chùm ca bệnh có nhiều bệnh nhân nhất.

Chuyên gia: Chiến lược vắc xin và xét nghiệm của Hà Nội cần đi trước dịch - 1

Một khu vực phong tỏa vì liên quan đến ca Covid-19 tại Hà Nội.

Đánh giá về vấn đề này, TS Nguyễn Thu Anh, Giám đốc Viện nghiên cứu Y khoa Woolcock Việt Nam, nhận định: "Số ca ở chùm sàng lọc triệu chứng thứ phát cao và tăng nhanh là hệ quả của việc các ca bệnh được phát hiện muộn, khi đã có triệu chứng một vài ngày và đã âm thầm lây lan trong cộng đồng trước đó. Vì vậy, nếu lực lượng chức năng không xét nghiệm nhanh, rộng và truy vết tốt, khoanh vùng rộng thì số ca mắc có thể tăng lên nhanh trong thời gian tới".

Cũng theo chuyên gia này là tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi mắc Covid-19 được ghi nhận (thống kê từ ngày 5/7 đến 30/7) là khoảng 5%. Tỷ lệ này cao gấp khoảng 2 lần so với giai đoạn trước đó. Chuyên gia dịch tễ nhận định ở độ tuổi này, trẻ hầu như không thể tự tiếp xúc với các tác nhân lây nhiễm bên ngoài, mà thường lây nhiễm qua người thân. Đây cũng là một yếu tố chứng tỏ dịch đang lây lan trong cộng đồng.

Một vấn đề đáng chú ý khác là trong những ngày vừa qua, số F0 từ 60 tuổi trở lên tăng nhanh. Đây là vấn đề đáng lưu tâm, vì người cao tuổi là nhóm đối tượng có nguy cơ diễn tiến nặng và tử vong khi mắc Covid-19 cao.

Chuyên gia: Chiến lược vắc xin và xét nghiệm của Hà Nội cần đi trước dịch - 2

Hà Nội hiện đang có 11 chùm ca bệnh (Ảnh minh họa).

"Do đó, Hà Nội cần thực hiện việc tiêm vắc xin cho người cao tuổi và người có bệnh nền sớm để bảo vệ cho nhóm đối tượng "nhạy cảm" này, cũng là bảo vệ cho cộng đồng và giảm áp lực hệ thống điều trị. Đồng thời cần đẩy nhanh hơn tốc độ tiêm chủng cho các đối tượng khác.", TS Thu Anh phân tích.

Trao đổi với báo chí ngày 31/7, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng nhấn mạnh việc phải nâng cao hiệu quả chấp hành nguyên tắc giãn cách xã hội của người dân, của cơ quan, đơn vị, tổ chức; quyết tâm tận dụng tối đa "thời gian vàng" giãn cách xã hội để đẩy lùi dịch bệnh.

Trước mắt, thời gian giãn cách là 15 ngày, tùy mức độ kiểm soát dịch, thành phố sẽ quyết định có gia hạn hay không. Đây là giải pháp mạnh phù hợp với tình hình thực tế, được dư luận nhân dân đồng tình, ủng hộ.

Những điểm nhấn trong chiến lược chống dịch của ngành y tế

Từ ngày 19/7, Sở Y tế Hà Nội đã có công văn khẩn số 45/SYT-NVY yêu cầu các đơn vị hệ y tế dự phòng rà soát, xác minh và lấy mẫu xét nghiệm phát hiện SARS-CoV-2, để đánh giá nguy cơ đối với các trường hợp ho, sốt, chưa có nguyên nhân rõ ràng, nghi ngờ mắc Covid-19, không cần yếu tố dịch tễ.

Chuyên gia: Chiến lược vắc xin và xét nghiệm của Hà Nội cần đi trước dịch - 3

Hà Nội đã tiến hành xét nghiệm người có dấu hiệu ho, sốt tại cộng đồng từ ngày 19/7(Ảnh minh họa).

Trong ngày 31/7, quận Hai Bà Trưng đã lấy mẫu xét nghiệm sàng lọc trên diện rộng cho người dân thuộc 11 khu vực có nguy cơ cao trên địa bàn. Quận Hai Bà Trưng dự kiến sẽ lấy khoảng 30.000 mẫu trong cộng đồng dân cư để xét nghiệm sàng lọc.

Về năng lực điều trị, Sở Y tế Hà Nội đã xây dựng phương án, kịch bản chi tiết cho từng giai đoạn: 1.000 giường, 5.000, 10.000, 20.000 giường và 50.000 giường, chia 4 tầng điều trị.

Bên cạnh đó, ở địa bàn Hà Nội, với phương châm 4 tại chỗ, ngoài các bệnh viện của Thành phố còn rất nhiều hệ thống y tế khác, Sở sẽ triển khai quy chế phối hợp để tận dụng tối đa nguồn lực y tế trên địa bàn, đó là các cơ sở y tế ngoài công lập, tuyến Trung ương, các bộ ngành, quân đội, công an.

Chuyên gia: Chiến lược vắc xin và xét nghiệm của Hà Nội cần đi trước dịch - 4

Trung tâm Hồi sức tích cực cho bệnh nhân Covid-19 đang được gấp rút xây dựng tại ngõ 587 Tam Trinh, quận Hoàng Mai với quy mô 500-700 giường.

Để đáp ứng kịp thời công tác phòng, chống dịch Covid-19, phù hợp với diễn biến tình hình dịch Covid-19, Bộ Y tế đã chỉ đạo Bệnh viện Đại học Y Hà Nội khẩn trương thi công Trung tâm Hồi sức tích cực cho bệnh nhân Covid-19.

Hiện trung tâm này đang được gấp rút xây dựng tại ngõ 587 Tam Trinh, quận Hoàng Mai với quy mô 500-700 giường trên diện tích 3,5 ha. Để đảm bảo tiến độ, hiện nay có hơn 400 công nhân đang làm việc 24/24h.

UBND TP Hà Nội cũng vừa có văn bản hỏa tốc về chủ trương, kế hoạch trưng dụng 10 khu nhà tái định cư làm bệnh viện dã chiến, khu cách ly phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19 ở Thủ đô.

Chuyên gia: Chiến lược vắc xin và xét nghiệm của Hà Nội cần đi trước dịch - 5

Dự án nhà ở thương mại phục vụ tái định cư theo cơ chế đặt hàng tại ô đất CT3 Khu đô thị mới Nghĩa Đô, quận Cầu Giấy, được UBND thành phố có kế hoạch sử dụng làm nơi cách ly, lập bệnh viện dã chiến.

CDC Hà Nội cũng đã xây dựng dự thảo Hướng dẫn tạm thời cách ly y tế tại nhà phòng, chống dịch Covid-19 cho người tiếp xúc gần (F1) và người về từ vùng dịch để trình Sở Y tế Hà Nội xem xét.

Để chủ động "tấn công" dịch Covid-19, Hà Nội đã triển khai chiến dịch tiêm chủng vắc xin lớn nhất lịch sử. Thành phố đã xây dựng phương án tiêm chủng với công suất tối đa 200.000 mũi tiêm/ngày. 

Chuyên gia: Chiến lược vắc xin và xét nghiệm của Hà Nội cần đi trước dịch - 6

Tiêm vắc xin Covid-19 cho người dân tại Hà Nội.

Ngày 27/7, hàng trăm người dân gồm các tiểu thương, người trong khu vực có dịch, khu đông dân đã được tiêm chủng vắc xin Covid-19, mở đầu cho chiến dịch tiêm chủng mở rộng ở Thủ đô.

Hiện tại, Sở Y tế Hà Nội có 3 loại vắc xin. Với nguồn vắc xin về trong đợt tới, Sở sẽ triển khai tiêm chủng đạt được mục tiêu đề ra, hướng tới tháng 3/2022 sẽ tiêm được cho 70% người dân Hà Nội, tương ứng từ 5-6 triệu người.