Chuyên gia cảnh báo trào lưu thụt tháo hậu môn bằng cà phê để ngừa ung thư

(Dân trí) - Gần đây trên mạng rộ lên phương pháp detox thụt tháo bằng cà phê giúp thải độc cơ thể, ngăn ngừa ung thư. Song các chuyên gia cho rằng đây chỉ là lời đồn đại, tự làm tại nhà thậm chí có thể gây hại.

“Cho hậu môn uống cà phê” thực chất là việc thụt tháo qua đường hậu môn giống như cách các bệnh viện vẫn làm để chuẩn bị cho bệnh nhân trước ca mổ. Song thay vì sử dụng nước, làm tại cơ sở y tế thì phương pháp trên thay thế bằng cà phê hòa tan trong nước và có thể làm được tại nhà.

Chuyên gia cảnh báo trào lưu thụt tháo hậu môn bằng  cà phê để ngừa ung thư - 1
Chưa có cơ sở khoa học khẳng định thụt tháo bằng cà phê có thể ngừa ung thư. Ảnh minh họa: Allthenoursihthings.

Việc thụt tháo bằng cà phê không mới. Vài năm trước nó được quảng cáo giống như một phương pháp detox, thải độc cho cơ thể bằng cà phê có tác dụng làm đẹp da, giúp ngủ ngon, giúp tiêu hóa dễ dàng hơn.

Thời gian gần đây phương pháp này lại rộ lên trên nhiều trang mạng xã hội về thải độc cơ thể. Trong đó kèm theo hướng dẫn chi tiết về dụng cụ cần chuẩn bị, cách thụt tháo tại nhà như thế nào. Ngoài quảng cáo có công dụng thải độc tốt gan, ruột, làm đẹp da, cải thiện sức khoẻ tim mạch, thải mỡ thừa, giúp cơ thể săn chắc…, cách detox này còn được quảng cáo giúp “ngăn ngừa ung thư và phục hồi sức khỏe người bệnh ung thư”.

Theo một chuyên gia đầu ngành về tiêu hóa tại Hà Nội, cà phê chứa rất nhiều cafein, đường tiêu hóa hoàn toàn có thể hấp thu được. Vì thế khi thụt tháo có thể có cảm giác khoan khoái. Song chưa ai chứng minh hay khẳng định cách thụt tháo bằng cà phê có thể ngăn ngừa được ung thư.

Chuyên gia này cũng khuyến cáo không nên tự ý thực hiện tại nhà vì nếu không cẩn thận khi đút đầu ống truyền vào có thể gây xây xước niêm mạc đại tràng. Ngoài ra khi không biết lượng dịch đưa vào có thể có một số nguy cơ như bụng đầy trướng, đau bụng… Bộ dụng cụ được sử dụng lại có thể mang vi khuẩn, dẫn đến nhiễm trùng.

Chung quan điểm này, GS Nguyễn Chấn Hùng, Chủ tịch Hội Ung thư Việt Nam cho rằng việc thụt tháo nhiều lần có thể làm xước vùng hậu. Ngoài ra, nếu làm thường xuyên thì có thể làm giảm phản xạ đại tiện, với người bị táo bón thì có thể khiến bệnh càng nặng hơn.

Cũng theo ông, việc bơm cà phê vào hậu môn để ngừa ung thư là phương pháp đồn đại, không chính thống. Trong y văn chính thức về ung thư, cũng không có ai đề cập đến phương pháp này.

Trong y học, thụt tháo là kỹ thuật đưa nước qua trực tràng vào đại tràng nhằm nhằm mục đích tháo phân, điều trị nuôi dưỡng bệnh nhân. Nó giúp làm mềm lỏng những cục phân cứng, thành ruột nở rộng. Thành ruột được kích thích sẽ co lại đẩy phân và hơi ra ngoài.

Kỹ thuật này được chỉ định cho bệnh nhân bị táo bón, trước phẫu thuật đường tiêu hóa, trước thụt chất chất cản quang vào ruột để chụp X quang khung đại tràng, trước đẻ, trước nọi soi trực tràng để quan sát và phát hiện tổn thương đại tràng… Nó chống chỉ định cho bệnh nhân thương hàn có nguy cơ thủng ruột, bị viêm ruột, tắc ruột, xoắn ruột, tổn thương hậu môn, trực tràng.

Những tai biến có thể xảy ra là chảy máu ở bệnh nhân có tổn thương bệnh lý như trĩ, ung thư, đại tràng. Thậm chí thủng đại tràng ở bệnh nhân lỵ amíp có tổn thương sâu đến lớp cơ đại tràng. Bệnh nhân thương hàn có nguy cơ thủng ruột khi thụt tháo.

Nam Phương