1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Chuyên gia cảnh báo thực trạng trẻ em Việt thừa cân nhưng…thiếu chất

(Dân trí) - Nhiều trẻ em Việt Nam thừa cân, béo phì nhưng lại thiếu nhiều chất dinh dưỡng cần thiết. Đây là một thực trạng rất đáng quan ngại, bởi khi sự thiếu chất được “che đậy” bởi cơ thể mũm mĩm, các vị phụ huynh sẽ rất khó nhận ra vấn đề của con mình để có giải pháp kịp thời.

Hơn một nửa các vị phụ huynh không biết con mình bị thừa cân, béo phì

Theo một số liệu được Viện Dinh dưỡng công bố, tỷ lệ béo phì ở trẻ em tại nội thành thành phố Hồ Chí Minh đã vượt 50%, ở Hà Nội vượt 41%. Một thực trạng thực sự rất đáng quan ngại là chính các bậc phụ huynh lại đang không nhận thức đúng tình trạng béo phì thừa cân của con mình. Cụ thể, theo một điều tra tại Hà Nội cũng do chính các cán bộ của Viện thực hiện, có đến 53% các vị phụ huynh không biết con mình bị thừa cân, hoặc đánh giá thấp hơn một mức so với thực tế.

Chuyên gia cảnh báo thực trạng trẻ em Việt thừa cân nhưng…thiếu chất - 1

Phó Giáo sư, Tiến sĩ, Nguyễn Tiến Dũng – Nguyên Trưởng khoa Nhi Bệnh viện Bạch Mai.

 Nhận định về vấn nạn thừa cân béo phì ở trẻ em Việt Nam, Phó Giáo sư, Tiến sĩ, Nguyễn Tiến Dũng – Nguyên Trưởng khoa Nhi Bệnh viện Bạch Mai cho rằng, vài năm trở lại đây tình trạng thừa cân béo phì bắt đầu tăng lên ở trẻ em Việt Nam, tốc độ tăng mạnh nhất là ở hai thành phố lớn: Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh. Bên cạnh đó, một số thành phố có sự vươn lên mạnh mẽ về kinh tế như: Đà Nẵng, Cần Thơ, Hải Phòng, Quảng Ninh cũng đang phải đối mặt với thực trạng này.

“Không cần nói đâu xa, chỉ cần nhìn vào các trường học, vào giờ ra chơi hay giờ tan tầm cũng rất dễ dàng bắt gặp một số lượng lớn các trẻ em thừa cân, béo phì. Đây thực sự là một tình trạng rất đáng quan ngại!” – PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng bày tỏ nỗi băn khoăn về thực trạng thừa cân, béo phì ở trẻ em Việt Nam.

Chuyên gia này cũng phân tích về nguyên nhân dẫn đến thực trạng thừa cân, béo phì ở trẻ em: “Thừa cân béo phì chủ yếu là do nạp quá nhiều những loại thức ăn sinh năng lượng nhiều vào cơ thể, gồm các chất chính là đạm, đường, mỡ”.

Có thể nói rằng, sự tăng nhanh của thừa cân béo phì là một hệ quả của lối sống hiện đại, khi mà các bữa cơm gia đình dần bị thay thế bởi những món ăn nhanh, ăn vội ở các hàng quán, vốn nhiều dầu mỡ, chất ngọt. Bên cạnh đó, cũng phải kể đến thói quen ăn vặt các loại đồ ăn không tốt cho cơ thể của trẻ em; lạm dụng thiết bị công nghệ dẫn đến lười vận động. Góp một phần không nhỏ vào thực trạng này là sự thờ ơ, thiếu kiến thức về dinh dưỡng của người lớn.

Trẻ em Việt Nam thừa cân nhưng lại thiếu chất

Nhiều trẻ em Việt Nam thừa cân, béo phì nhưng lại thiếu nhiều chất dinh dưỡng cần thiết, đây là một thực trạng cũng rất đáng quan ngại, bởi khi trẻ thiếu những dưỡng chất cần thiết cho sự phát triển toàn diện của cơ thể nhưng lại được “che đậy” dưới thân hình mũm mĩm, các vị phụ huynh sẽ rất khó nhận ra vấn đề của con mình để có giải pháp kịp thời.

Chuyên gia cảnh báo thực trạng trẻ em Việt thừa cân nhưng…thiếu chất - 2

Theo PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, vấn đề thừa cân nhưng thiếu chất ở trẻ cũng xuất phát từ chính chế độ ăn giàu đạm, đường, mỡ, bởi trong khẩu phần ăn này các thành phần dưỡng chất thiết yếu khác lại không được cung cấp đủ, điển hình là thiếu các nguyên tố vi lượng, vốn không sinh năng lượng nhưng lại rất cần cho các chuyển hóa của cơ thể như: Vitamin và khoáng chất.

PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng đưa ra ví dụ: “Trẻ thừa cân rất hay thiếu vitamin D, đây là một chất rất cần thiết cho quá trình tổng hợp xương, làm xương vững chắc hơn, giúp trẻ phát triển cao lớn hơn. Bên cạnh vai trò đối với hệ xương khớp, vitamin D còn tham gia vào nhiều chức năng khác trong cơ thể. Đặc biệt, những người thiếu vitamin D rất dễ mắc các bệnh về hô hấp như hen phế quản, bệnh về miễn dịch, bệnh nhiễm trùng…”

Chuyên gia cảnh báo thực trạng trẻ em Việt thừa cân nhưng…thiếu chất - 3

Một kết quả khảo sát của Viện Dinh dưỡng về tình hình sử dụng gần 20 loại vitamin, khoáng chất, dưỡng chất thiết yếu ở các học sinh thành thị và nông thôn sẽ khiến các vị phụ huynh phải giật mình: Hầu hết các nhóm dưỡng chất đều không đáp ứng so với nhu cầu của trẻ, đặc biệt mức đáp ứng vitamin D là rất thấp, chỉ đạt 17,5% đối với cả 2 nhóm thành thị và nông thôn.

Khuyến nghị về chế độ dinh dưỡng để đảm bảo sự phát triển toàn diện, cân đối cho trẻ, PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng nói: “Đương nhiên phải ăn đủ các chất đạm, đường, mỡ. Cần đặc biệt lưu ý rằng, nhóm thực phẩm này ăn đủ chứ không có nghĩa là ăn thừa, lạm dụng. Bên cạnh đó cần cung cấp đầy đủ các vi chất bằng cách ăn thêm rau xanh, hoa quả tươi, uống nước hoa quả. Hạn chế các loại thực phẩm kém lành mạnh như bim bim, đồ ăn nhanh nhiều dầu mỡ, nước ngọt có ga…”

Minh Nhật