Chuyển đổi giới tính: Không đáp ứng theo nhu cầu

(Dân trí) - “Giá” của một ca chuyển đổi giới tính ở một số bệnh viện đầu ngành Việt Nam có chi phí rẻ hơn 8 - 9 lần ở Thái Lan. Nhưng ở Việt Nam, vấn đề hiện nay không phải là tiền vì có tiền, thậm chí rất nhiều tiền nhưng bác sĩ vẫn có thể nói "không”.

Trong Dự thảo Nghị định về xác định lại giới tính vừa được Bộ Y tế trình Chính Phủ, không phải với bất cứ trường hợp “đồng tính” nào cũng được phép chuyển đổi lại giới.

 

Thạc sỹ Nguyễn Huy Quang, Vụ phó Vụ Pháp chế (Bộ Y tế), thành viên ban soạn thảo cho biết: “Không phải ai có nhu cầu chuyển đổi giới tính cũng được đáp ứng. Dự thảo Nghị định đã quy định, chỉ những trường hợp bệnh lý về giới tính như dị tật bẩm sinh hoặc bị các bệnh lý di truyền được các bác sỹ chuyên khoa chỉ định mới được xác định lại giới tính.

 

Trong số những người có nhu cầu, có một bộ phận có lối sống lệch lạc, chỉ muốn thoả mãn sở thích cá nhân hay vì một lý do nào đó nên “đòi” chuyển đổi sẽ bị pháp luật cấm. Bởi về mặt sinh lý, giới tính của họ đã hoàn thiện mà không cần phải can thiệp. Đối với những “bệnh nhân” này, chỉ cần điều trị về mặt tâm lý”.

 

4 nguyên tắc cho một ca phẫu thuật giới tính

 

Ngày 10/12/2004, lần đầu tiên thế giới được chứng kiến một ca phẫu thuật chuyển đổi giới tính do các chuyên gia Thái Lan thực hiện. Cũng trong năm 2004, hầu hết các quốc gia phát triển trên thế giới như Anh, Mỹ, Đức, Ý, Hà Lan, Bồ Đào Nha, Đan Mạch, Phần Lan, Thụy Điển... đều ban hành Luật thừa nhận tính hợp pháp của những người chuyển đổi giới tính.

 

Theo Bác sỹ Nguyễn Thị Hoàn, Trưởng khoa Nội tiết - Chuyển hoá - Di truyền, Bệnh viện Nhi TƯ: Những trường hợp bệnh nhân bị dị tật bẩm sinh hoặc bị các bệnh lý di truyền khiến giới tính “mơ hồ” thì cần phải được các cơ sở y tế can thiệp để xác định chính xác giới tính.

 

Dự thảo Nghị định cũng quy định rõ 4 nguyên tắc để thực hiện một ca phẫu thuật giới tính:

 

1. Việc thay đổi giới tính phải dựa trên nguyên tắc bảo đảm mỗi người được sống theo đúng giới tính của mình.

 

2. Những người có liên quan phải tự nguyện, khách quan, trung thực chịu trách nhiệm trước pháp luật và giữ bí mật các thông tin liên quan đến người được xác định giới tính.

 

 Bệnh nhân biết mình bị bệnh và có nhu cầu chuyển đổi cần phải làm đơn trình bày nguyện vọng (Trẻ chưa thành niên do bố mẹ làm, trẻ đã thành niên thì tự mình đứng đơn).

 

Đơn này được chính quyền địa phương xác nhận nhân thân người có nguyện vọng rồi đem nộp tới cơ sở y tế chuyên khoa chữa trị các bệnh về giới.

 

3. Tại cơ sở y tế, các bác sỹ sẽ tiến hành làm các xét nghiệm để có kết luận chính xác bệnh nhân bị lệch lạc về giới. Sau đó, tuỳ theo kết luận hội chẩn của các bác sỹ Nội tiết và Ngoại khoa mà bệnh nhân được áp dụng điều trị nội khoa hay phải phẫu thuật.

 

4. Trường hợp phải can thiệp ngoại khoa, bệnh nhân hoặc gia đình có đơn cam kết tình nguyện thực hiện phẫu thuật. Cuối cùng, cơ sở y tế sẽ cấp gấy xác nhận đã chuyển đổi giới cho bệnh nhân.

 

Tại sao chỉ nên phẫu thuật ở Việt Nam?

 

Các thủ tục phẫu thuật chuyển đổi giới tính ở Việt Nam hiện đang quá phức tạp và không phải cứ có nhu cầu chuyển đổi là sẽ được chuyển đổi. Nhưng theo khuyến cáo của các chuyên gia trong lĩnh vực này thì chỉ nên phẫu thuật ở Việt Nam.

 

Theo giải thích của ông Trần Thất, Vụ trưởng Vụ Hành chính-Tư pháp (Bộ Tư pháp): Nếu cá nhân nào tự ý ra nước ngoài chuyển đổi giới vì tâm lý lệch lạc hay vì một lý do nào đó thì pháp luật sẽ không công nhận và không cho thay đổi giấy tờ tuỳ thân. Trường hợp được công nhận thì những kết quả xét nghiệm về bệnh lý của “bệnh nhân” làm tại nước ngoài phải trùng với kết quả xét nghiệm của cơ sở y tế VN thì kết quả phẫu thuật ở nước ngoài mới được công nhận.

 

Những người chuyển đổi giới tính trong diện “hợp lệ” ở Việt Nam được xác định lại nhân thân. Sau khi được phẫu thuật chuyển giới, người được phẫu thuật đem giấy xác nhận của cơ quan y tế xác định lại giới tính đến UBND xã, phường để đổi lại giấy khai sinh. Đây là cơ sở để thay đổi các giấy tờ khác như hộ khẩu, chứng minh thư, hộ chiếu, tài khoản ngân hàng…

 

Để đáp ứng nhu cầu xác định lại giới tính, Dự thảo Nghị Định đã cho phép các cơ sở y tế trong nước được phép tiến hành phẫu thuật chuyển đổi giới tính. Theo dự kiến, các bệnh viện lớn như BV Nhi TƯ, Việt-Đức, Từ Dũ, Chợ Rẫy… sẽ là những bệnh viện thực hiện tiến hành chuyển đổi giới tính với giá thành của mỗi ca là khoảng 20 triệu đồng.

 

Từ những năm 1980 các nhà khoa học Việt Nam đã triển khai nghiên cứu đề tài “Phát hiện sớm trẻ sơ sinh có giới tính mơ hồ do rối loạn thượng thận bẩm sinh”.

 

Theo đó, có khá nhiều trường hợp trẻ em nam sinh ra nhưng lại có buồng trứng và ngược lại nữ nhưng lại có tinh hoàn và dương vật (ẩn) nhưng không thể phát hiện được nếu chỉ nhìn bên ngoài nên thường được các bác sĩ sản khoa cũng như cha mẹ xác định nhầm giới tính. Từ bé, các em chưa có khái niệm về giới nhưng càng lớn càng có ý thức hơn về giới, nhất là giai đoạn dậy thì nhiều em đã bắt đầu sợ hãi khi tự cảm nhận giới của mình không thuộc về thể xác.

 

Hiện nay trên thế giới, tỷ lệ trẻ bị dị tật bẩm sinh và bệnh lý di truyền về giới tính là 1/10.000-1/15.000 trẻ sơ sinh sống sau đẻ. Ở Việt Nam, tuy chưa tiến hành chương trình sàng lọc sơ sinh trên diện rộng, nhưng tại Khoa Nội Tiết-Chuyển hoá - Di truyền của Bệnh viện Nhi TƯ, hàng năm có khoảng 50 bệnh nhân mới được chẩn đoán bị mơ hồ về giới tính, tuổi từ 1-18 tuổi trên khắp mọi miền đất nước. 

 

Mai Tâm