1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Nhật ký nơi tuyến đầu chống dịch:

“Chúng tôi chia sẻ những đồ dùng cá nhân với bệnh nhân điều trị”

Công Bính

(Dân trí) - “Trong khu cách ly để điều trị cho bệnh nhân Covid-19, những ngày đầu cũng thiếu thốn nhiều thứ. Có bệnh nhân yêu cầu bút viết, có bệnh nhân yêu cầu băng vệ sinh… nhưng chúng tôi vẫn đáp ứng”.

21h đêm, Phòng khám Đa khoa Điện Nam – Điện Ngọc, Quảng Nam tiếp nhận bệnh nhân Covid-19 đầu tiên, đó là một bệnh nhi chỉ mới 15 tuổi. Xa bố mẹ, lại bất ngờ bị đưa đến một nơi xa lạ, em hoảng sợ, cứ mếu máo đòi về.

“Chúng tôi chia sẻ những đồ dùng cá nhân với bệnh nhân điều trị” - 1

Bác sĩ, cán bộ trong khu vực phòng khám đa khoa Điện Nam – Điện Ngọc, nơi đang điều trị bệnh nhân Covid-19

“Vậy là suốt hôm đó và nhiều đêm sau nữa, tôi cùng ê-kíp “biệt phái” nhận thêm nhiệm vụ đặc biệt: Trở thành gia đình của bệnh nhi, động viên vỗ về để em tạm quên đi nỗi nhớ nhà” – BS Lê Minh Niên – Khoa Y học Nhiệt đới, Bệnh viện Đa khoa khu vực Quảng Nam nhớ lại ngày đầu tiên nhận nhiệm vụ trên tuyến đầu chống dịch.

24/24h trực chiến tại nơi “nội bất xuất, ngoại bất nhập”

Vài ngày trước đó, BS Niên cùng 4 cán bộ y tế của Bệnh viện Đa khoa khu vực Quảng Nam bao gồm: 1 y sĩ, 1 kỹ thuật viên phim, 1 nhân viên xét nghiệm và 1 nhân viên dược, nhận lệnh “chi viện” cho Phòng khám Đa khoa Điện Nam – Điện Ngọc, cơ sở y tế được trưng dụng để điều trị bệnh nhân Covid-19, khi dịch bùng phát.

“Chúng tôi chia sẻ những đồ dùng cá nhân với bệnh nhân điều trị” - 2

Thực phẩm, nước uống đều phải để ngoài hàng rào của khu điều trị

“Nội bất xuất, ngoại bất nhập”, đó là cách BS Niên mô tả về nơi tuyến đầu, mà mình cùng các đồng nghiệp đang thực hiện nhiệm vụ chống dịch.

Khu vực điều trị cho các bệnh nhân Covid-19 được tách với bên ngoài bằng rào chắn cùng tấm biển cảnh báo đỏ chót. Nhiều ngày qua, cuộc sống của cả ê-kíp trực chiến chỉ gói gọn ở không gian bên trong những chiếc hàng rào này. Tất cả thực phẩm, nước uống và các nhu yếu phẩm khác sẽ được tiếp tế từ bên ngoài vào.

“Chúng tôi trực chiến 24/24h tại nơi điều trị, hàng ngày cùng ăn cùng ở với bệnh nhân, mà đây lại là những bệnh nhân đặc biệt” – BS Niên chia sẻ.

Ở đây, chúng tôi chia sẻ đồ dùng cùng bệnh nhân

Sau nửa tháng được trưng dụng để chữa trị cho các ca nhiễm Cvid-19, đến nay phòng khám này đã có 7 thành viên, hiện đang chăm sóc và điều trị cho tổng cộng 24 bệnh nhân Covid-19 nên khối lượng công việc khá lớn, nhất là khi bên cạnh công tác chuyên môn, các y, bác sĩ còn là người tiếp nhận và đáp ứng từng yêu cầu đời thường nhất của bệnh nhân.

“Chúng tôi chia sẻ những đồ dùng cá nhân với bệnh nhân điều trị” - 3

Bác sĩ khám cho bệnh nhân ở khu điều trị

BS Niên kể: “Người xin vài viên pin tiểu, người yêu cầu bút viết. Có hôm, một bệnh nhân nữ yêu cầu băng vệ sinh. Loại này không được cấp, hàng từ thiện cũng không hỗ trợ, nên chúng tôi đành lấy của 1 thành viên trong ê-kíp để đưa cho bệnh nhân”.

Trong hoàn cảnh bị cách ly, tập thể y, bác sĩ cố gắng đáp ứng tối đa những yêu cầu của bệnh nhân. Bất cứ khi nào người bệnh yêu cầu là các “blouse trắng” có mặt ngay. Nhiều hôm, phải đến 2 giờ sáng, các thành viên trong ê-kíp mới có thể đi ngủ.

“Ban đầu, có những sự lo lắng, khó khăn nhất định nhưng dần dần mọi thứ cũng vào guồng, và đến bây giờ chúng tôi đã bắt nhịp được với nhiệm vụ mới” – BS Niên cười nói.

Những bệnh nhân đặc biệt

Những ngày trên tuyến đầu vừa qua, BS Niên cùng các đồng nghiệp đã tiếp xúc, điều trị với không ít các bệnh nhân đặc biệt.

“Chúng tôi chia sẻ những đồ dùng cá nhân với bệnh nhân điều trị” - 4

Dù vất vả, khó khăn nhưng bác sĩ, điều dưỡng… ở đây rất lạc quan, tin tưởng sẽ chiến thắng dịch Covid-19

BS Niên nhớ lại: “Bệnh nhân thứ hai vào khu điều trị là một sư cô chùa Bảo Thắng ở Hội An. Bệnh nhân này có tiền sử u vú, tự điều trị bằng đông y. Vào viện được hai hôm thì có biểu hiện sốt, ho khan nhiều và đau ngực, khó thở”.

Bệnh nhân đã 75 tuổi, có nhiều bệnh nền và là sư cô ăn chay trường nên sức khỏe yếu. Nhận thấy ca bệnh này có thể tiến triển xấu nếu điều trị tại đơn vị mình, BS Niên đã đề xuất chuyển bệnh nhân lên tuyến trên nơi có điều kiện chăm sóc tốt hơn.

Một ca bệnh nặng khác mà cơ sở y tế này tiếp nhận là trường hợp bệnh nhân bị chấn thương sọ não, được chuyển đến từ Khoa Ngoại – Thần kinh, Bệnh viện Đa khoa Đà Nẵng.

Tại khu điều trị này cũng có những người cùng một gia đình. Có người đang điều trị ở đây nhưng tất cả người thân trong gia đình đều đã đi cách ly mỗi người một nơi. Có người thì người thân đang điều trị ở bệnh viện khác...

Chúng tôi sẽ về khi đã chiến thắng Covid-19

Đến nay, cũng đã 2 tuần BS Niên cùng toàn bộ ê-kíp biệt phái của Bệnh viện Đa khoa Khu vực Quảng Nam xa nhà làm nhiệm vụ.

Ở nơi biệt lập điều trị cho các bệnh nhân Covid-19, sợi dây liên lạc với người thân của các y, bác sĩ chỉ là những cuộc gọi vội giữa giờ giải lao ngắn ngủi.

BS Niên có con trai 4 tuổi, trước khi đi cũng làm công tác tư tưởng với con: “Bố đi dài ngày, con ở nhà ngoan với mẹ, khi hoàn thành công việc thì bố về”.

“Những ngày đầu, mỗi khi tôi gọi điện về thì cu cậu lại khóc lóc nói nhớ bố. Có hôm trông thấy tôi mặc đồ bảo hộ thì nhận không ra và bảo bố trông như quái vật vậy” – BS Niên tâm sự về câu chuyện của chính mình.

Vợ BS Niên là điều dưỡng ở Bệnh viện Đa khoa khu vực Quảng Nam, dù chỉ cách nhau dăm cây số nhưng vợ chồng, con cái chưa thể gặp nhau.

“Dự định ban đầu là đi 14 ngày nhưng thời gian có thể lâu hơn nếu tình hình xấu hơn. Dù vất vả nhưng bác sĩ, điều dưỡng, cán bộ y tế ở đây rất lạc quan, tin tưởng sẽ chiến thắng dịch Covid-19” – BS Niên khẳng định.