Chúng ta đã đạt tới giới hạn của tuổi thọ

(Dân trí) - Nghiên cứu, được công bố tuần trước trên tạp chí Nature, cho rằng con người đã đạt đến tuổi thọ tối đa có thể của mình. Các nhà nghiên cứu tin rằng những người già nhất trong lịch sử đã đạt tới giới hạn trần của tuổi thọ.

Nghiên cứu mới thách thức quan điểm cho rằng tuổi thọ sẽ tăng vô hạn định
Nghiên cứu mới thách thức quan điểm cho rằng tuổi thọ sẽ tăng vô hạn định

Cùng với những cải thiện trong chăm sóc sức khỏe và chế độ ăn, tuổi thọ của con người đang tăng lên một cách ổn định.

Từ 1900-2016, tuổi thọ trung bình đang tăng dần. Hiện nay, các em bé sinh ra tại Mỹ có thể sống đến 79 tuổi. Năm 1900, con số này chỉ là 47.

Từ những năm 1970, tuổi của những người già nhất trên trái đất cũng đã tăng lên. Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu từ Trường Y Albert Einstein, NY, tin rằng giờ đây chúng ta đã chạm đến giới hạn trần của tuổi thọ tối đa.

Cho đến nay, các nhà khoa học vẫn cho rằng không có lý do cụ thể nào để tuổi thọ tối đa ngừng tăng lên. Các nghiên cứu trên động vật đã chỉ ra rằng tuổi thọ tối đa rất “linh hoạt” và có thể được thay đổi bằng những can thiệp di truyền và thuốc.

Cũng vậy, một nghiên cứu của Thụy Điển thấy rằng tuổi thọ tối đa khi chết đã tăng từ 101 trong những năm 1860 lên 108 trong năm những 1990.

Sự “linh hoạt” của tuổi thọ động vật và sự gia tăng không ngừng của tuổi thọ trung bình ở người đã khiến nhiều chuyên gia sinh học và nhà nhân khẩu học tin rằng không có giới hạn trần cho tuổi thọ.

Tác giả chính của nghiên cứu mới đây – GSTS Jan Vijg thuộc trường Y Albert Einstein - không nhất trí với quan điểm này. Ông nói: "Dữ liệu của chúng tôi gợi ý mạnh mẽ rằng chúng ta đã đạt tới trần tuổi thọ và điều này xảy ra vào những năm 1990".

Nghiên cứu về tuổi thọ

Cơ sở dữ liệu tử vong ở người là bộ cơ sở dữ liệu thu thập thông tin về tử vong và dân số từ hơn 40 quốc gia. TS Vijg và các đồng nghiệp đã phân tích dữ liệu này và thấy rằng cứ mỗi năm sinh lại chứng kiến một tỷ lệ người sống trên 70 tuổi nhiều hơn.

Bản thân điều này chỉ ra sự gia tăng ổn định của tuổi thọ trung bình. Tuy nhiên, khi nghiên cứu về sự cải thiện thời gian sống thêm đối với những người từ 100 tuổi trở lên kể từ năm 1900 thì một bức tranh khác đã hiện ra.

Khi nghiên cứu nhóm những người cao tuổi này, họ thấy rằng sự gia tăng thời gian sống thêm đạt đỉnh ở khoảng độ tuổi 100 và sau đó giảm nhanh – bất kể năm mà đối tượng được sinh ra.

"Phát hiện này cho thấy mức tăng đạt được trong giảm tử vong cuối đời đang giảm đi và chỉ ra giới hạn có thể đối với tuổi thọ của con người." GS Jan Vijg nói

Để hiểu rõ thêm về phát hiện này, nhóm nghiên cứu đã xem xét tuổi tối đa khi chết trong Cơ sở dữ liệu quốc tế về tuổi thọ. Cụ thể, họ xem xét những người đạt 110 tuổi hoặc hơn trong khoảng thời gian từ năm 1968-2006 ở bốn nước có số người đạt đến độ tuổi này nhiều nhất: Mỹ, Nhật, Pháp, và Anh.

Họ thấy rằng tuổi khi chết của những cụ già “siêu thọ” này tăng nhanh chóng từ những năm 1970 đến những năm 1990. Sau đó giữ nguyên từ giữa những năm 90. Cụ bà ngưới Pháp Jeanne Calment, người sống thọ nhất thế giới từ trước tới nay, qua đời năm 1997 ở tuổi 122.

Giới hạn tuổi thọ mới

Mặc dù kỷ lục phi thường của cụ bà Calment, nhóm của GS Vijg đã đề xuất giới hạn tuổi thọ tối đa trung bình của con người là 115 tuổi. Calment là một ngoại lệ. Và nhóm đã tính toán tuổi thọ tối đa tuyệt đối của một người là 125 tuổi.

Phát hiện của họ có nghĩa là xác suất nhìn thấy một ai đó sống đến 125 tuổi vào một năm nào đó là 1/10.000.

"Những tiến bộ trong cuộc chiến chống lại các bệnh truyền nhiễm và bệnh mạn tính có thể tiếp tục làm tăng tuổi thọ trung bình, nhưng không phải tuổi thọ tối đa.

Trong khi có thể hình dung được rằng những bước đột phá trong điều trị sẽ kéo dài tuổi thọ của con người vượt qua giới hạn mà chúng tôi đã tính toán, song những tiến bộ như vậy sẽ cần áp đảo nhiều biến thể di truyền có vẻ đang quyết định tuổi thọ của con người”. GS Jan Vijg nói.

Có lẽ, đối với một số người, đây là tin đáng thất vọng, nhưng GS Vijg lại nhìn nhận khác. Ông tin rằng có lẽ nó chỉ là lời nhắc nhở một sự chuyển dịch trong các ưu tiên: "Có lẽ các nguồn lực hiện đang được dành để tăng thời gian sống nên được chuyển dịch để tăng “thời gian sống khỏe mạnh” – những năm tháng tuổi già có sức khỏe tốt".

Cẩm Tú

Theo Medicalnewstoday