Chuẩn bị áp dụng mã số tiêm chủng

(Dân trí) - Bộ Y tế cho biết, dự kiến vào cuối năm 2015 sẽ chính thức áp dụng mã số riêng (ID) trong tiêm chủng (dữ liệu lưu trữ trên máy tính). Và, với phần mềm tiêm chủng này, người dân không còn lo ngại không nhớ mũi tiêm, lịch tiêm vì mất sổ.

Trước đó, hôm 16/9 Cục Y tế dự phòng đã có cuộc họp triển khai thí điểm phần mềm quản lý tiêm chủng tại Bắc Ninh. Phần mềm này nhằm mục tiêu thống kê, kiểm tra thông tin và rà soát đối tượng tiêm chủng, không để sót đối tượng, đảm bảo quyền tiêm chủng đầy đủ và đúng lịch của trẻ.

Theo đó, khoảng cuối năm nay,  phần mềm quản lý tiêm chủng mang tên “Hệ thống quản lý thông tin Tiêm chủng quốc gia” do Cục Y tế dự phòng cùng với Cục Công nghệ thông tin - Bộ Y tế và Tập đoàn Viễn thông Quân đội (Viettel) phối hợp xây dựng sẽ ra mắt.

PGS.TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, hiện phần mềm đang được triển khai thí điểm tại tỉnh Bắc Ninh. Tại đây, các cán bộ y tế phụ trách tiêm chủng của tỉnh được tập huấn và sử dụng phần mềm lập danh sách các đối tượng tiêm chủng và quản lý đối tượng qua hệ thống phần mềm ứng dụng trên Internet.

Theo Bộ Y tế, để xây dựng phần mềm quản lý tất cả đối tượng cần tiêm chủng là rất khó khăn. Bởi mỗi năm cả nước có khoảng 1,6 triệu trẻ em ra đời, với trên 11 nghìn xã, phường, thị trấn và khoảng trên 30 nghìn điểm tiêm chủng. Tuy nhiên,  phần mềm sẽ quản lý từng đối tượng tiêm chủng và mỗi cá nhân sẽ có mã số riêng (số ID) để theo dõi lịch sử tiêm chủng suốt đời. Theo đó, mã số này sẽ gồm có thông tin về quá trình tiêm chủng của mỗi cá nhân, địa điểm, thời gian và tên cán bộ phụ trách tiêm. Vì thế, Bộ Y tế quyết tâm sau khi làm thí điểm tại Bắc Ninh sẽ hoàn thiện, triển khai nhân rộng tại các thành phố lớn như Hà Nội, Hồ Chí Minh, Đà Nẵng và một số tỉnh, thành phố khác rồi nhân rộng ra cả nước.

“Việc quản lý tiêm chủng bằng ID riêng giúp cán bộ tiêm các mũi tiếp theo nắm rõ đối tượng đã được tiêm chủng các loại vắc xin gì, thời gian và ở địa bàn nào trước đó nếu người này di chuyển nơi ở. Phần mềm cũng sẽ mở cho các phụ huynh có thể theo dõi và nắm được thông tin tiêm chủng của trẻ qua hệ thống viễn thông, giúp nhắc nhở lịch tiêm cho phụ huynh, đồng thời là công cụ thống kê số liệu tiêm chủng dành cho các nhà quản lý”, ông Phu nói.

Theo GS.TS.Nguyễn Thanh Long, Thứ trưởng Bộ Y tế, việc quản lý tiêm chủng bằng ID riêng không chỉ giúp ngành y tế quản lý được chặt chẽ đối tượng tiêm chủng từ khi sinh mà với gia đình trẻ em, với mỗi người việc có ID riêng cũng rất quan trọng. Người dân có thể tự tra cứu thông tin và nắm rõ lịch tiêm chủng của bản thân và con em mình, từ đó chủ động đi tiêm chủng đầy đủ, đúng lịch”.

Tú Anh