Chữa tiêu chảy, 1 trẻ sơ sinh bị ngộ độc chì nặng
(Dân trí) - Sau sinh khoảng 15 ngày, bé Nguyễn Duy Anh (Hợp Châu, Tam Đảo, Vĩnh Phúc) bị đi ngoài bọt liên tục, 5-6 lần/ngày nên được mẹ pha thuốc cam cho uống liền 3 ngày. Và bác sĩ chỉ phát hiện nồng độ chì trong máu cao khi điều trị viêm phổi cho bé.
Bi kịch từ ba gói thuốc cam
“Chỉ dùng thuốc cam đúng 3 ngày, mỗi ngày một gói và đã dừng được khoảng 20 ngày mà hàm lượng chì trong máu vẫn còn cao đến vậy thì nếu xét nghiệm máu ngay sau thời điểm uống thuốc cam sẽ còn cao hơn. Hàm lượng chì này so với những trẻ ngộ độc chì khác điều trị tại viện không cao lắm nhưng ở trên một em bé quá nhỏ như vậy, thời điểm uống ngay trong giai đoạn sơ sinh thì cũng đã là quá nặng. Ngay như hàm lượng chì niệu cũng đo được, trong khi bình thường ở những trẻ khác kiểm tra không thấy chì trong nước tiểu”, TS Dũng nói.
Khi nhập viện, bé Anh bị tím toàn thân, thở nhanh, đa động chân phải (có cơn co giật) và các bác sĩ đang rất lo lắng trước nguy cơ bộ não non nớt của bé bị ảnh hưởng bởi chì. Bởi một lượng chì nhỏ trong máu cũng có thể gây tổn thương não ở trẻ và ở trẻ càng nhỏ, ảnh hưởng càng nặng nề. Bé sẽ phải nằm viện dài ngày để điều trị thải độc chì.
Chị Tạ Thị Long, mẹ bé Anh cho biết, bé sinh ra rất khỏe khắn, được 3,5kg. “Trộm vía, sinh cố được con khi tôi đã 37 tuổi, con lại được 3,5kg hàng xóm, gia đình ai cũng mừng cho gia đình. Không ngờ, chỉ vì muốn con khỏi tiêu chảy mà tôi đã làm bé đến nông nỗi này. Cầu mong ông trời cứu giúp để não con không bị ảnh hưởng. Tôi không dám hình dung con mình sau này sẽ như thế nào nếu não bị ảnh hưởng do ngộ độc chì”, chị Long lo lắng nói.
Chị Long kể, vì tâm lý lo cho con nên chị để ý đến con từng ly từng tí một. Thấy cu cậu sau khi ị hết phân su thì liên tục có hiện tượng đi ngoài ra bọt, ngày 5 - 6 lần chị càng lo dù con vẫn ăn, ngủ bình thường. Mua men tiêu hóa cho con uống vẫn không đỡ, chị được người hàng xóm mách cho địa chỉ bà lang ở Hương Canh, Vĩnh Phúc có bài thuốc cam gia truyền chuyên trị đi ngoài ở trẻ sơ sinh, chồng chị lặn lội đi cắt thuốc cam cho con.
Theo đúng lời bà lang dặn, chị pha gói thuốc bột được gọi là thuốc cam để cho con uống nước, mẹ thì ăn nốt phần cái để chữa đi ngoài cho con. Sau 3 ngày uống, tình trạng xì xoẹt, đi ngoài ra bọt của con chị cũng không hề đỡ hơn nên chị cũng dừng không cho con uống thuốc cam tiếp.
Nửa tháng sau, bé Anh bị sốt, đi khám tại BV tỉnh Vĩnh Phúc bác sĩ phát hiện viêm phổi. Nhưng qua khai thác tiền sử, chị Long có kể con uống thuốc cam nên bệnh viện tỉnh giới thiệu bé Anh lên thẳng khoa Nhi (BV Bạch Mai) để điều trị.
“Bác sĩ nói “may” mà bé bị ốm sốt phải nhập viện mới tình cờ phát hiện ra bé bị ngộ độc chì để giải độc, không để lâu càng ảnh hưởng đến sức khỏe, trí tuệ của bé”, chị Long nói.
“Đau đớn con lành thành tật!”
TS Dũng đã phải thốt lên như vậy khi nói về trường hợp bệnh nhi ngộ độc chì này.
Theo TS.BS Phạm Duệ, Giám đốc Trung tâm chống độc (BV Bạch Mai), ngộ độc cấp chì cấp hay ngộ độc chì mãn tính đều rất nguy hiểm. Ngộ độc cấp (nhiễm độc thần kinh, tổn thương thận, hệ tiết niệu (đái ra máu)) đã nguy hiểm nhưng ngộ độc mãn tính càng nguy hiểm hơn. Bởi chì không chỉ nhiễm vào máu mà còn xâm nhập vào các tổ chức xương, não, các bộ phận khác trên cơ thể… khiến trẻ chậm phát triển cả về thể chất và trí tuệ. Điều trị cho các bệnh nhân ngộ độc chì mãn có thể kéo dài hàng năm trời và những di chứng về thể chất và trí não thì khó có thể hồi phục.
TS Dũng khuyến cáo, cha mẹ tuyệt đối không cho con dùng các loại thuốc đông y, thuốc cam không rõ nguồn gốc. Bởi trên thị trường có nhiều loại thuốc gia truyền, nhưng phần lớn là không rõ nguồn gốc và rất có thể do trong quá trình sản xuất không đảm bảo mà thuốc bị nhiễm kim loại nặng (như chì, arsen...), bằng mắt thường không thể nhận biết được.
Hồng Hải