Chưa thể tìm ra căn nguyên gây bệnh “da lạ”

(Dân trí) - “Tuy đến nay, nguyên nhân gây hội chứng viêm da dày sừng lòng bàn tay, bàn chân chưa được khẳng định, mới nghĩ đến do nhiễm độc trên bệnh nhân suy dinh dưỡng, nhưng chắc chắn, số ca tử vong sẽ phải giảm xuống”, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long khẳng định.

Bệnh chưa có trên thế giới
 
Chưa thể tìm ra căn nguyên gây bệnh “da lạ”
Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long cho biết, hội chứng viêm da dày sừng bàn tay,  bàn chân nghĩ nhiều đến nguyên nhân nhiễm độc trên cơ địa người bệnh
có tình trạng suy dinh dưỡng kém, thiếu một số vi chất dinh dưỡng

Tại cuộc họp báo đầu tiên, chính thức của Bộ Y tế về căn bệnh gây xôn xao dư luận này, ông Long cho biết thêm, nhiều hội đồng chuyên gia của Bộ Y tế đã họp nhưng đến nay chưa tìm được hội chứng nào, bệnh nào trên thế giới có triệu chứng tương tự với hội chứng viêm da dày sừng bàn tay, bàn chân đang diễn ra tại Quảng Ngãi. “Có những bệnh giống tổn thương da nhưng không giống tổn thương gan. Có bệnh giống tổn thương gan nhưng lại không giống tổn thương da. Vì thế hiện Bộ Y tế vẫn đang tiếp tục nghiên cứu 222 mẫu để điều tra, truy tìm căn nguyên gây bệnh. Việc truy tìm căn nguyên bệnh cũng được Bộ Y tế phối hợp với nhiều tổ chức quốc tế”, ông Long nói.

Thực tế tại cuộc họp báo chiều nay, đại diện của hai tổ chức quốc tế là Trưởng đại diện Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và giám đốc cơ quan kiểm soát bệnh tật Hoa Kỳ tại Việt Nam cũng được mời đến, tuy nhiên đại diện Bộ Y tế “nhắc nhở” phóng viên không đặt câu hỏi cho hai vị khách mời này bởi họ đến để ghi nhận, nắm bắt tình hình.
 
Chưa thể tìm ra căn nguyên gây bệnh “da lạ”
Đại diện WHO và  cơ quan kiểm soát bệnh tật Hoa Kỳ tại Việt Nam cũng có mặt tại buổi họp báo.

“Hiện nay, Bộ Y tế ưu tiên hàng đầu là giảm tử vong, tiếp đó mới là giảm số ca mắc mới và truy tìm nguyên nhân. Chúng ta không thể đợi chờ tìm nguyên nhân rồi mới bắt tay vào điều trị, vì trong y học có những bệnh không tìm nguyên nhân vẫn điều trị, ví như cao huyết áp, hay hội chứng thận hư, không đợi chờ tìm nguyên nhân. Hội chứng này cũng vậy, phải bắt tay điều trị ngay”, ông Long nhấn mạnh.

Theo thống kê của tỉnh Quảng Ngãi, từ ngày 19/4/2011 tính đến ngày 13/5/2012 tại huyện Ba Tơ đã ghi nhận 205 trường hợp, trong đó riêng ở xã Ba Điền đã có 195 trường hợp và 10 trường hợp tử vong đều ở xã Ba Điền.

Còn tính riêng từ đầu năm 2012 đến nay đã ghi nhận 115 trường hợp mắc bệnh tại Quảng Ngãi, trong đó tại ba xã Ba Điền (109 trường hợp), Ba Ngạc (5 trường hợp) và Ba Tô (1 trường hợp), trong đó có 34 trường hợp bị lại, 09 trường hợp tử vong đều ở xã Ba Điền.

Các kết quả qua đợt điều tra, khảo sát và đánh giá các mẫu xét nghiệm Bộ Y tế tiến hành cho thấy, tất cả các bệnh nhân mắc bệnh đều là người H’ re, có 7 hộ có 100% thành viên trong gia đình mắc bệnh. Bệnh có biểu hiện là viêm da dày sừng bàn tay, bàn chân, hầu hết bệnh nhân có men gan tăng trên cơ địa tình trạng dinh dưỡng kém, thiếu máu là phổ biến.

Không thấy các yếu tố chứng tỏ là bệnh truyền nhiễm (vi rút, vi khuẩn) do không có hội chứng nhiễm trùng, xét nghiệm xác định các mẫu máu bị bệnh tại trường Đại học Nagasaki cho thấy bệnh không có tác nhân gây bệnh truyền nhiễm.

Chưa tìm thấy bằng chứng về các mối nguy cơ do vi khuẩn, vi rút từ các mẫu xét nghiệm đất, nước, lương thực thực phẩm. Có nhiều cá thể có ve, mò mạt, bọ chét trong môi trường và vật nuôi. Chưa có bằng chứng cho thấy bệnh nhiễm từ không khí, chưa tìm thấy bằng chứng nhiễm bệnh từ nguồn nước. Không có bằng chứng lây từ người sang người. “Thực tế có gia đình chỉ một người bị, có gia đình bị cả nhà. Nếu lây qua không khí, việc lây truyền bệnh sẽ mạnh hơn. Bộ trưởng Bộ Y tế đến trực tiếp, cá nhân tôi ở đó 2 ngày, tiếp xúc 20 bệnh nhân, không lây nhiễm. Cán bộ y tế ở Ba Tơ tiếp xúc với bệnh nhân cả năm nay nhưng cũng không ai mắc bệnh”, ông Long nói.

Các kim loại nặng bao gồm cả arsen, chì, thủy ngân, cadimi, đồng và một số kiem loại khác ở mức giới hạn cho phép trong số các mẫu đất, nước, lương thực kể cả mẫu tóc, máu, móng tay, vảy da đã xét nghiệm. Xét nghiệm tới 45 chỉ tiêu kim loại nhưng đều đang nằm trong giới hạn cho phép.

Không phát hiện thấy hóa chất bảo vệ thực vật trong các mẫu đất, nước, gạo đã xét nghiệm.

Có nhiều loại nấm mốc và phát hiện thấy Aflatoxin trong các mẫu lúa ủ, gạo ủ đã xét nghiệm trong khi đó loại chất này có nguy cơ gây ra tổn thương gan, ung thư gan. Nguy cơ mắc bệnh về gan ở người ăn gạo ủ, mốc gấp 4,8 lần so với người ăn gạo trắng thông thường. Trong khi đó, có những mẫu gạo hàm lượng aflatoxin gấp 5 - 9 lần cho phép.

Tuy căn nguyên chưa được chỉ ra, nhưng hội đồng khoa học đã xác định, hội chứng viêm da dày sừng bàn tay bàn chân nghĩ nhiều đến nguyên nhân nhiễm độc trên cơ địa người bệnh có tình trạng suy dinh dưỡng kém, thiếu một số vi chất dinh dưỡng.

Các chuyên gia túc trực ở Ba Tơ

Thứ trưởng Long cho biết, hiện ngay tại Trung tâm y tế Ba Tơ và BV Quy Hòa luôn có 5 - 6 chuyên gia, bác sĩ đến từ các Trung Ương như, Bạch Mai, TT chống độc, Da liễu để kịp thời hỗ trợ khám, phát hiện sớm. Những ca nặng sẽ được đưa đến tuyến cao nhất của Việt Nam để điều trị. Thực tế, theo ông Long, số ca mắc mới tăng lên là do thời gian qua việc khám sàng lọc được chú trọng, phát hiện.

Trả lời câu hỏi của báo giới, Bộ Y tế phản ứng quá chậm trước căn bệnh này, ông Long cho biết, ngay từ tháng 4-5/2011 Bộ Y tế cũng chỉ đạo Sở Y tế Quảng Ngãi khử trùng khu vực này. Nhưng khi đó chưa định hướng được căn nguyên nên chưa thể sử dụng tổng hợp các biện pháp khác nhau. Cũng thời điểm này, bệnh viện da liễu TƯ đã phối hợp với chuyên gia quốc tế tìm hiểu về các mẫu sinh thiết da, gan và các chuyên gia quốc tế cũng nhận định căn bệnh này liên quan nhiều đến yếu tố nhiễm độc.
Chưa thể tìm ra căn nguyên gây bệnh “da lạ”
BS Phượng - Giám đốc Trung tâm y tế huyện Ba Tơ (đứng) phát biểu tại buổi họp báo

Chia sẻ về tình hình bệnh tại Ba Tơ, bác sĩ Đinh Thị Phượng, Giám đốc Trung tâm y tế huyện Ba Tơ tâm sự: “Chúng tôi thực sự trăn trở, không đêm nào ngủ ngon vì căn bệnh này. Người dân tộc rất tin vào tâm linh, để động viên bệnh nhân điều trị, thực sự chúng tôi còn “làm phép” cùng họ, để họ yên tâm về mặt tinh thần và tin tưởng vào ngành y tế. Tuy nhiên, căn bệnh này, thời gian điều trị rất dài, phải chi trả 5% nhưng người dân không có khả năng chi trả nên một số người về nhà và chết vì bệnh ở nhà. Chúng tôi cũng mạnh dạn đề nghị phải miễn phí toàn bộ cho người dân. Mỗi người mất đi, tim chúng tôi như tăng thêm một nhịp đập, rất lo lắng”.

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, khi triển khai các biện pháp can thiệp, chắc chắn số ca tử vong sẽ giảm. Tuy nhiên, số mắc mới sẽ giảm chậm hơn do hiện tại các tác nhân gây bệnh đã nhiễm trong phần lớn cộng đồng. Tại cộng đồng này, tình trạng rất đặc biệt, men gan tại cộng đồng này cao hơn tại các cộng đồng khác. 28,6% người dân khu vực này có men gan tăng, tức là có một tình trạng nhiễm độc trường diễn.
 
PGS.TS Phạm Lê Tuấn, Vụ trưởng Vụ kế hoạch tài chính cho biết, do đây là bệnh có tính chất nguy hiểm vì thời gian qua số mắc, tử vong cao, Bộ Y tế quyết định miễn viện phí cho những trường hợp nằm điều trị. Bên cạnh đó các phương tiện để điều tra, vệ sinh môi trường.. đều được huy động. Ngay sáng nay Bộ Y tế cũng đã hỗ trợ TT Y tế huyện Ba Tơ một xe cứu thương và điều động 1 máy lọc máu liên tục.  

Bài và ảnh: Hồng Hải