Chữa mụn nhọt bằng mít
Lá mít, nhựa mít được dân gian dùng làm thuốc chữa mụn nhọt, lở loét. Ngoài ra, các bộ phận khác của cây này cũng được dùng làm thuốc an thần, chữa sỏi thận...
Một số bài thuốc theo kinh nghiệm dân gian:
Vỏ thân mít 20g, chẻ nhỏ, phơi khô, sắc với 200ml nước còn 50ml, uống một lần trong ngày có tác dụng an thần, gây ngủ. Phụ nữ có thai không được dùng vì dễ bị sẩy thai.
Nhựa trích từ thân cây mít, dùng ngay trộn với ít giấm, bôi hằng ngày chữa mụn nhọt, sưng tấy.
Lá mít già 20-30g (lá mít mật tốt hơn) thái nhỏ, sao vàng, nấu nước uống, chữa đái ra cặn trắng ở trẻ em.
Dùng ngoài, lá mít tươi giã đắp mụn nhọt, làm giảm sưng đau; hoặc lá phơi khô, nấu thành cao mềm bôi chữa lở loét.
Cụm hoa đực (dái mít) hoặc quả mít non 30-50g sắc uống giúp làm tăng tiết sữa. Có thể dùng riêng hoặc phối hợp với chân giò lợn 1 cái hoặc móng chân lợn 3-5 cái; lá sung có tật 100g, quả đu đủ non 50g, lõi thông thảo 10g, hạt mùi 5g, để sống, gạo nếp 100g. Tất cả thái nhỏ, nấu thật nhừ thành cháo ăn làm 1-2 lần trong ngày. Dùng 2-3 ngày.
Múi mít được coi như một loại thức ăn - vị thuốc có tính bồi dưỡng và long đờm. Có thể chế siro mít bằng cách nấu múi mít chín (mít mật càng tốt) với nước với tỷ lệ 1 mít và 1/2 nước, đánh thật nhuyễn, lọc để được dịch quả, rồi trộn với đường để nấu thành siro với tỷ lệ 1/2. Khi dùng, pha loãng siro mít với nước sôi để nguội sẽ được một thứ nước giải khát thơm ngon, chống khô cổ, háo khát.
Theo kinh nghiệm dân gian, hạt mít có tác dụng thông tiểu, gây trung tiện làm cho dễ tiêu.
Tầm gửi sống bám ở cây mít cũng được dùng với tác dụng lợi sữa dưới dạng thuốc sắc. Dùng riêng hoặc phối hợp với cỏ sữa lá nhỏ.
Gần đây, các nhà khoa học Pháp đã chiết được từ quả mít chất jacalin, bước đầu được thử nghiệm trong phòng thí nghiệm thấy có khả năng bảo vệ các bạch huyết bào (tế bào của hệ thống miễn dịch) chống lại bệnh AIDS.
Theo Sức khỏe & Đời sống