1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Chữa mẹo sau khi hóc xương cá, người phụ nữ nhập viện

Minh Nhật

(Dân trí) - Khi bị hóc, bệnh nhân đã cho tay vào móc họng và dùng mẹo nuốt miếng thức ăn to để xương trôi xuống nhưng tình trạng không cải thiện, nuốt đau tăng dần, ăn uống hạn chế.

Mới đây, Bệnh viện Tai Mũi Họng Trung ương đã phẫu thuật gắp chiếc xương cá có kích thước khoảng 25mm từ sàn miệng bệnh nhân N.T.T. (84 tuổi, Quỳnh Phụ, Thái Bình).

Theo lời kể của người nhà bệnh nhân, trước ngày vào viện một tuần, bà T. có ăn cơm với cá và xuất hiện nuốt đau, nuốt vướng.

Chữa mẹo sau khi hóc xương cá, người phụ nữ nhập viện  - 1

Các bác sĩ tìm dị vật cho bệnh nhân (Ảnh: Bệnh viện cung cấp).

Bà T. đã cho tay vào móc họng và dùng mẹo nuốt miếng thức ăn to để xương trôi xuống nhưng tình trạng không cải thiện, nuốt đau tăng dần, ăn uống hạn chế.

Sau đó, gia đình đã đưa bệnh nhân đến Bệnh viện Tai Mũi Họng Trung ương thăm khám, chụp cắt lớp vi tính, bác sĩ ghi nhận có dị vật tại sàn miệng của người bệnh.

Sau khi hội chẩn và được sự đồng ý của gia đình, các bác sĩ đã thực hiện phẫu thuật mở cạnh cổ lấy dị vật sàn miệng cho người bệnh.

Trong quá trình phẫu thuật, do dị vật "di động" nên gây khó khăn cho ekip khi xác định vị trí dị vật.

Các bác sĩ đã đặt vào sàn miệng bệnh nhân một chiếc kim, chụp lại hình ảnh cắt lớp vi tính và xác định được tương đối chính xác vị trí của xương cá theo vị trí chiếc kim. Chiếc xương sau đó được gắp ra có độ dài khoảng 25mm.

Chữa mẹo sau khi hóc xương cá, người phụ nữ nhập viện  - 2

Mảnh xương cá được gắp ra (Ảnh: Bệnh viện cung cấp).

Sau phẫu thuật bệnh nhân ổn định, được cắt chỉ và ra viện.

Trước đó, bệnh viện cũng tiếp nhận trường hợp tương tự, đó là P.H.K. (65 tuổi, Yên Mỹ, Hưng Yên) nhập viện trong tình trạng nuốt đau, không ăn uống được.

Trước nhập viện 2 tuần, bệnh nhân ăn cơm với cá bị xương cắm vào lưỡi. Bệnh nhân dùng tay tự rút xương nhưng không hết, đau ngày càng nhiều khi ăn.

Tại bệnh viện, bác sĩ xác định vị trí dị vật ở sàn miệng do dị vật đã theo vận động nuốt "di cư" từ đường ăn xuống sàn miệng. Bệnh nhân sau đó cũng đã được phẫu thuật lấy dị vật. Chiếc xương cá được gắp ra có độ dài khoảng 20mm.

ThS.BS Trần Hữu Thắng, Trưởng khoa Cấp cứu, người trực tiếp điều trị cho bệnh nhân chia sẻ: "Hóc dị vật đường ăn xảy ra phổ biến trong sinh hoạt, những dị vật đặc biệt là xương cá có thể "di động".

Khi hóc xương hoặc các dị vật khác, việc nuốt thêm đồ ăn hay nước có thể đẩy dị vật cắm sâu hơn vào thành hạ họng hay thành thực quản. Lúc này, ngay cả khi đến bệnh viện, các bác sĩ cũng sẽ gặp khó khăn trong việc nội soi phát hiện vị trí dị vật, cũng như gắp dị vật ra. 

Bên cạnh đó, việc này có thể khiến dị vật di chuyển đến các vị trí khó tìm kiếm như: sàn miệng, vùng cổ, da, tuyến giáp...

Trên đường đi, xương cá có thể gây ra nhiều biến chứng, tổn thương. Do đó, cần can thiệp kịp thời vì khi xương cá di chuyển ra vùng cổ có chứa nhiều mạch máu lớn, nhất là động mạch cảnh vừa gây tổn thương lớn cho người bệnh, vừa gây khó khăn cho công tác điều trị.

Theo BS Thắng, dị vật xương từ đường ăn ra các khu vực khác có thể gây nhiều biến chứng nguy hiểm.

Xương cá đâm vào sàn miệng gây nhiễm trùng, nhiễm trùng lan tỏa vùng cằm, cổ, trung thất, nghiêm trọng có thể dẫn đến tử vong.

Xương cá đâm vào thành họng có thể khiến họng viêm nhiễm, áp xe thành họng và có nguy cơ dẫn đến các bệnh hô hấp, áp xe trung thất.

Xương cá có thể rơi xuống khu vực đường thở gây bít tắc đường thở, ngạt thở (xương mang cá), ngất, tắc thở và có thể dẫn đến tử vong nhanh chóng nếu không được cấp cứu kịp thời.

Xương cá mắc ở khu vực phế quản, phổi có thể gây viêm nhiễm, hoại tử các mô xung quanh, áp xe quanh khu vực đường hô hấp dưới, gây các hiện tượng như viêm thanh quản, viêm phổi, xẹp phổi, áp xe phổi…

Vì vậy, khi nghi ngờ bị hóc xương cá, cần đến ngay cơ sở y tế chuyên khoa uy tín để được điều trị kịp thời tránh trường hợp dị vật "di động" ra các khu vực khác.

Người dân không nên sử dụng những biện pháp dân gian vì dễ khiến cho trường hợp hóc xương trở nên phức tạp.