1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Chữa cảm cúm bằng cây cỏ

(Dân trí) - Khi bị cảm cúm, không nhất thiết phải dùng thuốc tây mà có thể dùng những vị thuốc dân gian là những cây cỏ thường có xung quanh nhà để chữa bệnh.

Bài thuốc chữa cảm cúm bằng mùi tàu: Mùi tàu có vị cay, đắng, mùi thơm, tính ấm, có tác dụng giải cảm, ra mồi hôi. Lấy 40g mùi tàu, 20g ngải cứu 20g cúc tần, 10g gừng tươi.

 

Thái nhỏ những thứ kể trên, cho 400ml nước vào sắc đến khi còn 100ml. Lấy lượng thuốc sắc được uống trong lúc còn nóng, mỗi ngày hai lần. Sau khi uống, nằm vào chăn ấm để cho ra mồ hôi. Khi ra mồ hôi, dùng khăn khô lau người xong sẽ thấy rất dễ chịu.

 

Chữa cảm cúm, đau đầu bằng lá bưởi: Vỏ ngoài bưởi chứa tinh dầu có vị cay, đắng, ngọt, tính ấm, có tác dụng trị ho, giải cảm rất tốt. Lấy một nắm lá bưởi tươi rửa sạch, kết hợp cùng một số loại lá có tinh dầu thơm như lá chanh, lá sả, hương nhu.

 

Cho tất cả các loại lá đó vào nồi, cho nước vào nấu sủi. Sau đó, dùng nước để xông.

 

Khi xông, nên trùm chăn mỏng lên người để hơi nước xông không thoát nhiều ra ngoài. Sau khi xông, sẽ đỡ đau đầu, vã mồ hôi rất thoải mái.

 

Chữa cảm sốt bằng rau khúc: Rau khúc 30g, gừng tươi 5 lát mỏng, 2 củ hành cho vào sắc lấy nước uống, mỗi ngày một thang.

 

Chữa cảm, sốt bằng lá chanh: Có thể dùng riêng lá chanh hoặc phối hợp với lá bưởi, lá tre, hương nhu, cúc tần (mỗi thứ 30g), bạc hà (20g), sả (2 củ), tỏi (3 nhánh) rồi cho vào nồi nấu sôi, lấy nước để xông.

 

Hành ta chữa các chứng cảm sốt, nhức đầu: Liều dùng từ 30 - 60g. Hành cũng chữa cảm mạo, nhức đầu, ngạt mũi, ho: 20g hành tươi, 5g gừng tươi, 10g lá tía tô thái nhỏ cho vào cháo nóng, ăn xong đắp chăn cho ra mồ hôi, ngày ăn hai lần.

 

Tú Hải