Chủ tịch Quốc hội: Làm sao để người Việt không tiếp tục “chết trên đống thuốc”
(Dân trí) - “Không có ngành nào ở nước ta phát triển chậm như ngành dược, người Việt Nam vẫn đang chết trên đống thuốc” – Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng bày tỏ bức xúc trong phiên thảo luận về dự án luật Dược sửa đổi tại UB Thường vụ Quốc hội chiều 18/9.
Tờ trình của Chính phủ nêu vấn đề, sau 10 năm thi hành, Luật dược 2005 đã cơ bản đáp ứng được yêu cầu thực tiễn, tăng cường hiệu lực, hiệu quả của công tác quản lý nhà nước về dược, bảo đảm quyền của người dân được tiếp cận sử dụng thuốc có chất lượng, hợp lý và an toàn với giá cả có thể chấp nhận được.
Việc ban hành Luật dược đã tạo điều kiện thuận lợi cho ngành Dược Việt Nam phát triển và hội nhập với các nước trong khu vực và trên thế giới. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, vẫn còn một số khó khăn, vướng mắc do thực tế nảy sinh, do một số quy định không còn phù hợp với thực tiễn và quá trình hội nhập quốc tế, cần phải được nghiên cứu sửa đổi, cụ thể về chính sách của Nhà nước về lĩnh vực dược; quản lý giá thuốc; đăng ký thuốc; công tác dược lâm sàng; thử thuốc trên lâm sàng; kinh doanh thuốc; phát triển thuốc dược liệu, thuốc cổ truyền...
Thẩm tra nội dung này, UB các vấn đề xã hội của Quốc hội đánh giá việc sửa đổi Luật Dược là cần thiết nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình quản lý và phù hợp với xu thế hội nhập.
Việc sửa đổi, bổ sung chính sách, pháp luật về dược sẽ góp phần giúp người dân tiếp cận thuận lợi hơn với nhiều loại thuốc chất lượng, giá hợp lý trong chăm sóc sức khỏe; tạo điều kiện phát triển một số lĩnh vực ưu tiên trong công nghiệp dược; khuyến khích kế thừa và phát triển thuốc dược liệu, thuốc cổ truyền...
Nói về những nguyên tắc chung khi sửa luật, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh, cơ quan soạn thảo cần có báo cáo để Quốc hội biết tình trạng phát triển của ngành dược thế nào để từ đó sửa luật nhằm tạo sự chuyển biến.
Chủ tịch Quốc hội đặt câu hỏi với Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến rằng có đảm bảo ngành dược Việt Nam sẽ bứt phá sau khi sửa luật, vì 10 năm thi hành luật hiện hành chưa có sự phát triển rõ ràng. Thị trường thuốc ở Việt Nam vẫn phụ thuộc nhiều vào nước ngoài. Cả nước hiện vẫn phải nhập khẩu tới 90% nguyên liệu làm thuốc và 50% thuốc để đáp ứng nhu cầu của người dân. Sản xuất thuốc trong nước chỉ đáp ứng được khoảng 50% nhu cầu sử dụng thuốc.
Về con số Việt Nam có trên 180 nhà máy sản xuất thuốc tân dược hoặc thuốc dược liệu, trong đó có trên 150 nhà máy đạt tiêu chuẩn thực hành sản xuất tốt, theo Chủ tịch Quốc hội, thực chất các hoạt động này mới chỉ là bào chế thuốc chứ chưa phải là nghiên cứu khoa học, xây dựng một ngành công nghiệp chiến lược; công nghệ sản xuất lạc hậu, hoạt động chủ yếu là mua nguyên liệu về rồi “đóng- dập” thành viên, thành vỉ…
“Không có ngành nào ở nước ta phát triển chậm như ngành dược cả, người Việt Nam vẫn đang chết trên đống thuốc. 10 năm qua ngành dược vẫn thế, công nghệ vẫn thế, vùng nguyên liệu vẫn thế, sự phụ thuộc vào nguồn thuốc nhập khẩu vẫn thế… trong khi quy định quản lý thì rất chặt, người làm nghề rất khó khăn”, Chủ tịch Quốc hội day dứt.
Chủ tịch Quốc hội phân tích thêm, nguồn dược liệu ở Việt Nam rất phong phú, đa dạng, kể cả các dược liệu quý hiếm, chất lượng tốt, nhưng ngành dược chưa khai thác được thế mạnh này. Trong khi đó, trên thị trường nhan nhản các loại thuốc Đông- Tây, giờ thêm cả “ma trận” thực phẩm chức năng.
Vị lãnh đạo Quốc hội kể chuyện: “Tôi từng mua thuốc kiểu dạng bột, tưởng là gia tuyền nhưng khi mang đi kiểm nghiệm lại là thuốc Tây được giã ra, trộn với mật ong, bột rồi viên lại bán với giá cao. Tất cả vùng nguyên liệu của ta không phát triển được, trong khi người Trung Quốc sang mua cả gốc cả rễ cây, thậm chí mua cả côn trùng, cũng để làm thuốc”.
Chưa hài lòng với nội dung cơ quan soạn thảo trình, Chủ tịch Nguyễn Sinh Hùng nhận xét, đọc chỉ thấy loanh quanh với quy định cấp phép này kia mà có loại giấy phép cần đến thời gian đến 18 tháng mới xong.
Trả lời câu hỏi này của Chủ tịch Quốc hội, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến khẳng định, chính sách luôn hướng đến việc tạo điều kiện cho kinh doanh, nhập khẩu thuốc. Các quy định cụ thể về việc cấp phép lưu hành thuốc, gia hạn, cấp mới, cấp lại giấy phép lưu hành… đều đã giảm đi rất nhiều.
Nữ Bộ trưởng so sánh, ở Châu Âu, quy định về thời gian giải quyết việc cấp phép lưu hành này còn lâu hơn, như ở Thuỵ Sĩ, quy trình cấp phép lưu hành thuốc mới là 3 năm trong khi tại Việt Nam, thời gian tối đa 18 tháng là… rất ngắn.
Nhận xét câu trả lời của Bộ trưởng Y tế quá đơn giản, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh nguyên tắc, mọi người có quyền tự do kinh doanh những ngành nghề pháp luật không cấm, Chủ tịch Quốc hội băn khoăn, có đảm bảo được Luật Dược sửa đổi ra đời là mở ra cơ hội làm ăn thuận lợi cho mọi người, từ trồng cây thuốc, đến chế biến, nghiên cứu, sản xuất? Hội nhập, quan hệ thế nào để nhập khẩu được công nghệ về sản xuất, đưa thuốc tốt về cho người dân dùng, để người dân được hưởng thành quả của ngành công nghiệp dược?
P.Thảo