1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Chủ quan với tăng huyết áp, bệnh nhân trẻ bị nhồi máu cơ tim

(Dân trí) - Tăng huyết áp trên nền bệnh lý suy tim nhưng nữ bệnh nhân chủ quan không điều trị. Cô đã phải nhập viện trong tình trạng thập tử nhất sinh vì tắc hoàn toàn động mạch liên thất trước.

Bệnh viện Quân y 175 cho biết, các bác sĩ vừa chủ động phối hợp với Bệnh viện Quận Gò Vấp, tiếp nhận, can thiệp cho một trường hợp nguy kịch vì nhồi máu cơ tim. Bệnh nhân là chị Phạm Thị D. (39 tuổi, ngụ tại TPHCM) được gia đình chuyển đến bệnh viện quận trong tình trạng trụy tim mạch.

Khai thác bệnh sử của bác sĩ từ phía gia đình ghi nhận, người bệnh có tiền sử tăng huyết áp, suy tim nhưng chủ quan, không điều trị cơ bản nên bệnh trở nặng đột ngột. Nhận định đây là trường hợp nhồi máu cơ tim trên bệnh nhân trẻ tuổi, các bác sĩ đã tiến hành hồi sinh tim phổi tích cực đồng thời chủ động liên hệ với Bệnh viện Quân y 175 để thực hiện các bước chuyển viện cho ca bệnh khẩn nguy.

Chủ quan với tăng huyết áp, bệnh nhân trẻ bị nhồi máu cơ tim - 1

Thượng tá, BS Vũ Đình Ngân, phó Chủ nhiệm khoa Hồi sức Tích cực thăm khám cho bệnh nhân

Nỗ lực hồi sức tích cực tại bệnh viện Gò Vấp đã giúp người bệnh có nhịp tim trở lại nhưng tình trạng diễn tiến theo chiều hướng xấu. Việc chuyển viện được chỉ định để bệnh viện được tiếp cận với các phương pháp can thiệp, điều trị chuyên môn sâu. Tuy nhiên, khi tới Quân y 175 người bệnh đã ngưng hô hấp, tuần hoàn.

Sau 15 phút nỗ lực hồi sinh tim phổi, các bác sĩ đã giành lại sinh mạng người bệnh từ tay thần chết. Để huy động tối đa nhân vật lực phục vụ công tác cứu chữa bệnh nhân Đại tá, TS.BS Trương Đình Cẩm, Phó Giám đốc nội của bệnh viện, đồng thời là chuyên gia tim mạch đã trực tiếp chỉ đạo chuyên môn. Nữ bệnh nhân nhanh chóng được chuyển đến khoa Hồi sức Tích cực.

Các bác sĩ đã hội chẩn nhanh và nhận định, bệnh nhân bị nhồi máu cơ tim, tính mạng đang nguy cấp. “Còn nước còn tát” các bác sĩ đã thống nhất hội chẩn, chỉ định can thiệp nội mạch xử lý tình trạng nhồi máu cho người bệnh.

Thượng tá, BS Vũ Đình Ngân, phó Chủ nhiệm khoa Hồi sức Tích cực cho biết: “Trong quá trình thực hiện can thiệp mạch ê kíp ghi nhận, bệnh nhân bị tắc hoàn toàn động mạch liên thất trước. Để đảm bảo lưu thông mạch máu, ê kíp đặt stent, đồng thời điều trị nội khoa tích cực sau can thiệp”.

Bên cạnh đó, bệnh nhân được chỉ định điều trị thuốc an thần và thuốc đặc trị để bảo vệ tế bào não, kèm theo kiểm soát thân nhiệt mục tiêu; dùng thuốc hỗ trợ co bóp cơ tim và điều chỉnh các rối loạn khác; đồng thời bệnh nhân được cung cấp nước điện giải và nuôi dưỡng cơ thể bằng dinh dưỡng đặc hiệu.

Sau 48 giờ can thiệp, điều trị tích cực, kiểm tra thị giác cho thấy bệnh nhân đã hoàn toàn hồi phục. Tuy nhiên, trên nền bệnh lý suy tim, nhồi máu cơ tim nặng, ngưng hô hấp tuần hoàn nhiều lần nên bác sĩ đang chủ động cho bệnh nhân thở máy hỗ trợ chăm sóc, theo dõi sát để tránh các rủi ro có thể xảy ra.

Từ trường hợp trên, bác sĩ cho biết, trước đây, nhồi máu cơ tim chỉ xuất hiện ở độ tuổi trên 40, nhưng hiện nay bệnh nhân rơi vào nguy kịch do bệnh lý này ngày càng trẻ hóa. Bệnh viện đã tiếp nhận nhiều trường hợp nhập viện ở độ tuổi mới ngoài 30, thậm chí có trường hợp hơn 20 tuổi đã bị nhồi máu cơ tim. Nhóm các bệnh nhân trẻ bị nhồi máu cơ tim thường kèm theo bệnh mạn tính không lấy như tiểu đường, tăng huyết áp.  

Để chủ động ngăn ngừa nguy cơ nhồi máu cơ tim, bác sĩ khuyến cáo những người trong nhóm nguy cơ cao bị các bệnh lý mạn tính, người ở độ tuổi trên 40 nên đi tầm soát ít nhất 2 lần mỗi năm về bệnh tim mạch. Từ 40 trở xuống nên kiểm tra sức khỏe định kỳ 1 lần mỗi năm. Căn cứ trên kết quả đo điện tim và những kiểm tra chuyên sâu khác (nếu cần) khi thăm khám, bác sĩ sẽ chỉ định cho bệnh những trường hợp có triệu chứng bệnh để chủ động ngăn ngừa nguy cơ bị nhồi máu.

Vân Sơn

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm