1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Chủ quan đắp lá: Chân khô héo phải cưa cụt

Bị tê chân, đau nhức, nhiều bệnh nhân cho rằng chỉ bị cơ, xương nên chỉ đắp lá, châm cứu hoặc khám chậm dẫn đến phải cưa cụt chân.

Xin được cưa chân

 

Tại khoa Phẫu thuật Tim mạch và Lồng ngực, bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, sau Tết, lượng bệnh nhân mắc bệnh tắc động mạch chi dưới bất ngờ tăng. Nhiều người đến viện kịp thời nên đôi chân đã được cứu. Nhưng có người đến muộn nên buộc phải cưa chân.

 

Có người chân cứ héo dần, đau đớn quá mà tha thiết xin: Cho tôi cưa chân sớm.

 

Ông Nguyễn Văn Kh. (77 tuổi), Hà Nam nhập viện Việt Đức trong tình trạng chân phải đâu, nhức. Nhìn bàn chân phải ông khô héo, chân không thể duỗi.

 

Ông Kh buồn rầu kể: Giữa tháng 9/2012, chân phải ông có biểu hiện tê, đau buốt. Ông đi khám, được chẩn đoán là đau thần kinh nên chỉ định châm cứu. Bệnh vẫn không hết đau, ông đi viện khác và được nhận định là tắc mạch máu chi nên chỉ định mổ. Nhưng chỉ được vài tháng sau mổ, chân phải ông lại đau nhức, không ngủ được.

 

Khi vào khoa Phẫu thuật Tim mạch và Lồng ngực, các bác sĩ ở đây kết luận ông Kh bị thiếu máu nặng chân phải do tắc động mạch chậu ngoài.

 

Con ông Kh bảo: Chân phải ông Kh không có máu dẫn xuống nuôi nên chân mới bị héo khô như vậy. Bác sĩ bảo nếu phẫu thuật lại chân thì chỉ thành công khoảng 20%. Nhưng giờ, chân bố em đau lắm, chỉ xin được phẫu thuật sớm.

 

Vài tiếng sau khi phóng viên về, điều dưỡng trưởng tại khoa thông báo: Ông Kh đã được chuyển đi cắt cụt chi phải.

 

Cụ Trần Thị C (89 tuổi, Hà Tĩnh) không may mắn khi đến viện trong tình trạng chân không thể chữa được. Cụ được chuyển xuống khoa Chấn thương để cắt cụt chi trái. Lúc  tôi xuống thăm cụ, cụ đã tỉnh nhưng còn mệt.

 

Con cụ cho biết: ngày 25 tháng Chạp, cụ bị tê chân, mắt cá chân trợt da sưng. Nhà cụ đi mua kháng sinh về rửa. Đến mùng 3 Tết, nổi lên những đám máu đông thâm rồi phủ kín mu bàn chân.  Ở 7 ngày tại bệnh viện tỉnh, sau gia đình xin chuyển lên tuyến trên.. Bác sĩ nói bà bị tắc động mạch vì đến muộn nên phải cưa chân.

 

May mắn hơn, có những bệnh nhân đến kịp thời, tiến triển bệnh không quá nhanh nên đã được cứu chân.

 

Cụ C. buộc phải cắt bỏ chân trái vì tắc động mạch chi nhưng đến viện muộn.

Cụ C. buộc phải cắt bỏ chân trái vì tắc động mạch chi nhưng đến viện muộn.

 

Ông Bùi Văn Nh (75 tuổi, Đông Lợi, Hà Đông) cũng đang nằm tại đây với chân tê buốt, cứng. Khi đang đi, tự dưng phải ngồi lại ngoài đường, gọi con đến đón về. Ông bảo: “Làng tôi chưa ai mắc bệnh này, nên tôi cũng không biết nó nghiêm trọng đến thế. Tôi chỉ đi chữa linh tinh, giờ vào đây mới biết, bệnh không chữa sớm, phẫu thuật sớm sẽ mất chân như  chơi. Hy vọng chân tôi cứu được”.

 

Ông Nguyễn Văn Đ. (73 tuổi, Thanh Hóa) vừa được chuyển vào khoa Phẫu thuật Tim mạch và Lồng ngực điều trị. Ông cũng bị tắc mạch chân.

 

Trước đó, ông bị sưng nhức chân, đi lại thấy  cộm cộm, đau nhức. Ông cũng  tưởng mình chỉ bị đau do cơ, xương nên lấy lá cây đắp hơn 20 ngày. Vào đây, ông được chỉ định phẫu thuật thông mạch. Giờ, chân ông đã hồng lại, da sáng lên, mạch tốt hơn.

 

Bà Nguyễn Thị Thọ, (51 tuổi, Quảng Ninh) vừa được phẫu thuật 2 chân. Bà bị tắc động mạch chi do biến chứng từ bệnh tim.

 

Mùng 5 Tết, bà thấy quay cuồng đầu óc, đứng không vững, tê từ nửa người dưới, xuất hiện từng đám tím trên chân. Đi khám ở chỗ khác, có bác sĩ đã chẩn đoán nhầm là bà bị thoát vị địa đệm. Vào Bệnh viện Bạch Mai mới biết là bà bị tắc mạch máu chi. Bà được chuyển đến bệnh viện Việt Đức phẫu thuật. Hiện, 2 chân bà đã được phẫu thuật thông mạch. Bà  Thọ bảo: “Tôi thấy nhẹ nhàng rồi, may cho tôi là 2 chân đã được cứu”.

 

Quá vài ngày có thể mất chân

 

Theo PGS -TS Nguyễn Hữu Ước, trưởng khoa Phẫu thuật Tim mạch và Lồng ngực, bệnh viện  Hữu nghị Việt  Đức: “Nhóm bệnh nhân tắc động mạch máu chi nhập viện tăng trong thời gian sau Tết do ngẫu nhiên tại khoa chúng tôi.

 

Tắc mạch máu chi có thể do tai nạn chấn thương mạch máu như dao chọc hoặc gẫy xương chọc vào;  do những bệnh lý ở tim khiến tắc mạch máu đột ngột. Ngoài ra, một số thể bệnh lý mạch máu đặc biệt gây ra thiếu máu cấp tính chi hoặc bán cấp tính chi.

 

Với trường hợp cấp tính, từ khi xuất hiện triệu chứng, được chẩn đoán và điều trị bệnh diễn biến rất nhanh trong vòng vài tiếng đến nửa ngày. Nếu không điều trị sớm, có thể dẫn đến hoại tử vùng bị thiếu máu.

 

Với trường hợp bán cấp có thể kéo dài hơn một, hai ngày. Do Tết, mọi thứ vướng nên sau Tết, nhiều người bệnh đến với chúng tôi muộn nên hầu hết là phải cắt cụt, hoặc có bảo tồn chi như nối mạch nhưng phục hồi rất phức tạp hơn là mổ giai đoạn sớm, phải mở cân, vá da… Chức năng chi bị mất nhiều dù giữ được hình thể.

 

Nếu được mổ kịp thời, chân có thể phục hồi gần như hoàn toàn về mặt nuôi dưỡng chi. Chức năng chi bị giảm tùy thuộc vào thương tổn thần kinh, cơ…

 

Nếu bệnh nhân đến giai đoạn thiếu máu nặng, do tổ chức phía dưới như cơ bị chết thì điều trị phức tạp, phải mổ đi lại nhiều lần để bỏ tổ chức  chết đó đi, thời gian nằm viện tăng. Việc này ảnh hưởng lâu dài nhiều cả về sức khỏe và kinh tế”.

 

PGS Ước còn cho biết: Trong mấy ngày Tết vừa rồi tôi phải mổ cho 4 trường hợp. Vì bệnh lý mạch máu tương đối đa dạng và tương đối mới nên chỉ được phát triển mạnh ở một vài trung tâm lớn. Việc chẩn đoán, phát hiện sớm bệnh ở các địa phương còn hạn chế. Vì vậy, có những bệnh nhân đến với chúng tôi ở giai đoạn muộn.

 

Về triệu chứng bệnh với biểu hiện tê, buốt chân. Đây là dấu hiệu của nhiều bệnh trong đó có bệnh thiếu máu mạch máu chi. Để chẩn đoán sớm ra bệnh, bác sĩ cần có kiến thức  về bệnh lý mạch máu rồi có thái độ xử lý kịp thời.

 

 Theo Nguyễn Tâm

VTCnews