1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Chống dịch Covid-19 trong tình hình mới: 2K và vaccine

Tú Anh

(Dân trí) - Theo Bộ Y tế, bên cạnh việc thực hiện 2K, người dân cần tiêm phòng Covid-19 đầy đủ và đúng lịch. Việc tiêm vaccine Covid-19 mũi nhắc lại tăng khả năng bảo vệ trước biến thể Omicron.

Sáng 8/9, Bộ Y tế đã quyết định đưa ra thông điệp mới về phòng, chống dịch Covid-19 trong tình hình mới, khi dịch Covid-19 diễn ra phức tạp, vẫn ghi nhận nhiều ca mắc và sự xuất hiện nhiều biến chủng của virus SARS-CoV-2. 

Trong đó, thông điệp 5K trước đó được rút xuống chỉ còn 2K là Khẩu trang và Khử khuẩn (bỏ 3K gồm: Khoảng cách, Không tập trung và Khai báo y tế).

Bên cạnh đó, thông điệp truyền thông mới Bộ cũng đề cập đến vaccine và một số biện pháp khác về Thuốc + Điều trị + Công nghệ + Ý thức người dân. 

Người dân cần tiêm phòng Covid-19 đầy đủ và đúng lịch theo hướng dẫn của Bộ Y tế. Đồng thời, sử dụng thuốc theo hướng dẫn của cơ quan y tế, tuân thủ các hướng dẫn chẩn đoán, điều trị Covid-19 và khám bệnh khi có các dấu hiệu bất thường sau mắc Covid-19.

Cũng trong sáng 8/9, AstraZeneca đưa ra thông cáo, khẳng định ý nghĩa phòng bệnh trước biến thể Omicron của mũi tiêm nhắc lại vaccine Covid-19 giữa vaccine công nghệ mRNA và vaccine AstraZeneca là cao tương đương nhau.

Chống dịch Covid-19 trong tình hình mới: 2K và vaccine - 1

Theo Bộ Y tế, để chống dịch Covid-19, bên cạnh việc thực hiện 2K, cần tiêm vaccine đầy đủ và đúng lịch (Ảnh minh họa: Mạnh Quân).

Theo đánh giá của các chuyên gia trên hơn 50 nghiên cứu đời thực, mũi nhắc lại (mũi ba) của vaccine Covid-19 của AstraZeneca và các vaccine theo công nghệ mRNA có hiệu quả cao tương đương trong việc ngăn ngừa các hệ quả nghiêm trọng do biến thể Omicron như nhập viện và tử vong, kể cả trong bối cảnh các biến thể phụ tiếp tục xuất hiện.

Kết quả đánh giá mới được công bố này cho thấy với bất kỳ một liệu trình tiêm 3 mũi vaccine nào trong đó có sử dụng vaccine AstraZeneca hoặc vaccine công nghệ mRNA, đều mang lại hiệu quả bảo vệ cao đối với sự tiến triển bệnh nặng.

PGS.TS Đỗ Văn Dũng, Trưởng khoa Y tế Công cộng, Đại học Y Dược TPHCM và là một trong những tác giả của chương trình đánh giá: "Những dữ liệu đời thực này đã giúp củng cố bằng chứng thể hiện rằng tiêm tăng cường là cách hữu hiệu nhất để bảo vệ sức khỏe cộng đồng và tránh gây quá tải hệ thống y tế trong bối cảnh Covid-19 liên tục đột biến".

Ghi nhận tại một số bệnh viện gần đây cho thấy có một số lượng đáng kể các ca bệnh nặng là những người chưa từng tiêm vaccine, hoặc tiêm vaccine chưa đủ.

Tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, BS Phạm Văn Phúc - Phó trưởng khoa Hồi sức tích cực cho biết, theo số liệu cập nhật mới nhất tới 8/9, Bệnh viện đang tiếp nhận điều trị cho 143 bệnh nhân Covid-19.

Đáng chú ý, theo BS Phúc, hiện có khoảng 20% các bệnh nhân đang điều trị tại Khoa chưa hề tiêm một mũi vaccine Covid-19 nào.

"Nhiều người bệnh và cả gia đình họ có tâm lý vì đã cao tuổi, nhiều bệnh nền nên ngại tiêm vaccine. Tuy nhiên, thực tế chính những trường hợp đó mới là người cần được bảo vệ bởi vaccine nhất", BS Phúc phân tích.

Tại Việt Nam, đến nay đã tiêm được 257.671.610 liều vaccine phòng Covid-19. Trong đó, số liều tiêm cho người từ 18 tuổi trở lên là 219.338.464 liều: Mũi 1 là 71.057.114 liều; Mũi 2 là 68.635.632 liều; Mũi bổ sung là 14.803.519 liều; Mũi nhắc lại lần 1 là 50.217.558 liều; Mũi nhắc lại lần 2 là 14.624.641 liều.

Số liều tiêm cho trẻ từ 12-17 tuổi là 22.562.791 liều: Mũi 1 là 9.095.826 liều; Mũi 2 là 8.821.130 liều; Mũi nhắc lại lần 1 là 4.645.835 liều.

Số liều tiêm cho trẻ từ 5-11 tuổi là 15.770.355 liều: Mũi 1 là 9.516.599 liều; Mũi 2 là 6.253.756 liều.