Chọn thời điểm dùng thuốc thế nào để tăng hiệu quả?

Uống thuốc vào đúng thời điểm trong ngày có thể tạo ra sự khác biệt lớn về hiệu quả điều trị.

Nghiên cứu cho thấy, việc chọn thời điểm dùng thuốc thích hợp dựa vào các bữa ăn (ngay, gần hoặc xa bữa ăn) tùy vào sự tương tác thuốc và thức ăn, thức uống, giúp tăng hiệu quả điều trị. Dưới đây là thời điểm dùng thuốc cho một số loại thuốc người bệnh hay sử dụng.

Các thuốc thường dùng trước bữa ăn sáng 30 phút

Thuốc bổ sung sắt: Uống thuốc bổ sung chất sắt với một ly nước cam hoặc khi bụng đói sẽ tạo điều kiện hấp thu tốt sắt. Môi trường acid giúp hấp thu sắt tốt hơn. Sắt cũng có thể tương tác với các loại thuốc khác, cản trở sự hấp thu các canxi, thuốc điều trị bệnh lý tuyến giáp, vitamin tổng hợp và kháng sinh. Nếu bạn dùng nhiều thuốc ngoài việc bổ sung sắt, cần  trao đổi với dược sĩ về tất cả thuốc đang dùng.

Thuốc điều trị tăng huyết áp: Huyết áp thường cao hơn vào buổi sáng. Thuốc huyết áp thường được kê uống vào buổi sáng để ổn định huyết áp cho người bệnh.

Thuốc điều trị bệnh lý tuyến giáp: Thuốc điều trị bệnh lý tuyến giáp hoạt động tốt nhất khi uống lúc bụng đói. Nếu bạn đang sử dụng các loại thuốc khác - ngay cả các sản phẩm không kê đơn như vitamin tổng hợp - nên tham khảo ý kiến dược sĩ để được tư vấn phù hợp.

Chứng trào ngược acid và ợ nóng: Để đạt hiệu quả điều trị trào ngược acid và ợ nóng, nên dùng thuốc trước khi ăn.

Thuốc điều trị loãng xương: Phần lớn các loại thuốc trị loãng xương được sử dụng liều đầu tiên vào buổi sáng khi bụng đói, có thể là liều hàng tuần hoặc hàng tháng. Có một số loại thuốc điều trị loãng xương được sử dụng hàng ngày trước khi đi ngủ, nhưng không được kê đơn thường xuyên như thuốc uống buổi sáng, hàng tuần hoặc hàng tháng.

Chọn thời điểm dùng thuốc thế nào để tăng hiệu quả? - 1

Các thuốc thường dùng sau khi ăn sáng

Vitamin tổng hợp: Ăn sáng xong, đã đến lúc uống vitamin tổng hợp hàng ngày của bạn. Hàm lượng chất béo trong bữa ăn sẽ giúp các vitamin tan trong chất béo như vitamin A, D, E và K được hấp thụ tốt hơn. Vitamin tổng hợp cũng có thể cung cấp năng lượng, vì vậy hãy dùng nó để khởi đầu ngày mới. Nếu bạn đang sử dụng cùng lúc các chất bổ sung sắt, canxi, thuốc điều trị bệnh lý tuyến giáp hoặc kháng sinh, có thể có một cuộc chiến hấp thu trong hệ thống tiêu hóa của bạn. Dược sĩ có thể đề nghị chuyển vitamin tổng hợp sang sau bữa ăn trưa và tách biệt thuốc buổi sáng để giúp cơ thể bạn chuyển hóa từng loại thuốc.

Thuốc thông mũi và thuốc chống dị ứng: Nghẹt và các triệu chứng dị ứng phổ biến như ngứa mắt thường tồi tệ hơn vào buổi sáng. Uống những viên thuốc này sau khi ăn sáng sẽ giúp làm sạch xoang, vì vậy bạn sẽ cảm thấy bớt tắc nghẽn trong ngày. Nên tránh dùng các loại thuốc này vào buổi chiều hoặc tối, nó làm bạn tỉnh táo, khiến bạn trằn trọc và khó ngủ.

Probiotic: Luôn uống men vi sinh sau khi ăn. Nếu bạn uống men vi sinh khi bụng đói, môi trường acid có thể đe dọa sự sống của men vi sinh.

Thuốc điều trị viêm khớp: Dùng thuốc điều trị viêm khớp trước hoặc sau khi ăn sáng sẽ giúp kiểm soát triệu chứng trong ngày. Nhiều đơn thuốc điều trị viêm khớp có liều thứ hai có thể uống sau bữa ăn tối để đảm bảo rằng người bệnh thức dậy giảm cứng khớp và tăng khả năng vận động.

Thuốc lợi tiểu:  Uống thuốc lợi tiểu vào buổi sáng cho phép cơ thể bạn loại bỏ lượng nước dư thừa vào ban ngày, nên dùng thuốc lợi tiểu vào buổi sáng để tránh giấc ngủ bị gián đoạn ban đêm do tác dụng phụ của thuốc.

Thuốc nên dùng sau bữa ăn tối

Thuốc điều trị tăng cholesterol máu: Gan chuyển hóa phần lớn cholesterol trong khi ngủ vào ban đêm, uống thuốc sau bữa tối sẽ giúp duy trì mức cholesterol ổn định trong máu.

Thuốc nên dùng trước khi đi ngủ

Thuốc ngủ: Để ngăn ngừa ngủ trưa quá giấc và đạt hiệu quả tốt nhất nên uống thuốc ngủ ngay trước khi đi ngủ.

Lời khuyên của thầy thuốc

Một số loại thuốc cần được uống nhiều lần một ngày. Khi dùng bất kỳ thuốc kê đơn hoặc thuốc không kê đơn, luôn luôn đọc kỹ hướng dẫn sử dụng hoặc hỏi ý kiến của dược sĩ, bác sĩ. Đối với thuốc kháng sinh cần uống theo toa và dưới sự hướng dẫn của bác sĩ vì mỗi loại kháng sinh có hướng dẫn riêng về liều lượng, tương tác với thực phẩm và các loại thuốc khác. Khi dùng thuốc, không nên tự ý dùng bưởi hoặc nước ép bưởi. Loại trái cây này có thể làm tăng tác dụng của một số loại thuốc bao gồm cả thuốc tim mạch.

Theo DS. Huỳnh Phương Thảo

Sức khỏe & Đời sống