Chơi chọi bột màu, coi chừng lãnh độc tố
Thời gian gần đây, lớp trẻ, đặc biệt là các em học sinh cuối cấp II, III rộ lên phong trào chơi trò chọi bột màu để chụp ảnh làm kỷ yếu.
Trên các diễn đàn mạng xã hội, những tấm ảnh teen quậy với bột màu trong các bộ ảnh kỷ yếu nghịch ngợm được chia sẻ khá rầm rộ. Tuy nhiên, thứ bột màu thường được các em sử dụng là màu gì, có gây hại không thì chưa được nói tới.
Chọi bột màu để làm kỷ yếu
Trường THPT Ng.Kh., đường Thành Thái, quận 10 sáng 26-6 đã diễn ra tiệc chia tay do các em học sinh (HS) lớp 12 tổ chức. Ký tên vào áo và ném bột màu là hai hoạt động sôi nổi, thu hút đông đảo người tham gia nhất. Tuy nhiên, khi được hỏi về nguồn gốc, tác hại của loại bột này thì các em HS rất mơ hồ. “Em thấy trào lưu này khá nổi trên mạng, thấy các bạn chơi nhiều nên tụi em chơi theo thôi” - em Huỳnh Ngọc Lan H., học sinh lớp 12, cho biết.
Để chơi trò này, các HS mua bột màu về, chia ra từng túi nhỏ, số lượng vừa phải, đủ cho một người chừng 50 g. Khi phân chia xong sẽ có tín hiệu bắt đầu, mọi người ném bột màu vào nhau và chạy. Các HS tham gia trò này rất hào hứng, sôi động, nhiều tiếng cười.
“Em nghe bạn em chỉ là chợ Kim Biên bán rất nhiều, mua chừng 1 kg bột màu đủ màu sắc, xong mua thêm vài ký bột mì (bột năng) để pha lẫn vào rồi ném” - Bích Tr. (HS lớp 12 Trường THPT TVK, TP.HCM) cho biết.
Tất cả HS khi được hỏi đều trả lời giống nhau về nguồn gốc, công dụng của bột màu đã mua. Em Phan Ngọc H, HS Trường THPT Tr.QKh., cho hay: “Tiền để chơi là do các bạn nộp lại, bọn em đi chợ nên chọn cái nào rẻ thì mua chứ chưa bao giờ nghĩ gì về chuyện tác hại. Với lại chơi có lần rồi thôi, chủ yếu là lưu giữ kỷ niệm”.
“Học sinh mua nhiều lắm!”
Tại chợ Kim Biên, phường 13, quận 5, TP.HCM, các loại bột màu bày bán được phân nhỏ, bọc trong các túi nylon, ràng sơ sài bằng dây cao su, treo ngay trước các gian hàng. Đa số đều không có ngày sản xuất, hạn sử dụng.
Ở một gian hàng khác, bà chủ hàng quảng cáo HS mua hàng của bà rất nhiều và đưa ra một sổ thu chi để chứng minh. “Mua đi, rồi cô pha trộn cho luôn. Mua nhiều cô giảm giá. HS mua nhiều lắm, an tâm” - người này nói.
Cũng ngay trong chợ Kim Biên, tại cửa tiệm Công ty TNHH TM-DV Ng.H, kinh doanh hương liệu, hóa chất, bột màu, chủ quán giới thiệu mặt hàng bột màu công nghiệp dạo này được nhiều bạn trẻ mua để chơi ném nhau chụp ảnh kỷ yếu. Loại bột này được đựng trong các hộp, nhãn gắn thủ công bằng băng keo, để chung kệ với các loại hóa chất khác. Thông tin trên nhãn này ghi rõ: “Tên: Màu công nghiệp. Xuất xứ: Trung Quốc. Sử dụng trong công nghiệp. HSD: Hai năm”. Ngoài ra không có thông tin gì hơn.
Bột màu được bày bán ở chợ Kim Biên có hai loại là dùng trong công nghiệp và thực phẩm. Cả hai loại có bề ngoài, bao bì giống y nhau, nếu là bột màu thực phẩm thì giá tiền được ghi cao hơn để dễ phân biệt. Bột màu mà các HS mua để chọi là bột màu dùng trong công nghiệp, giá rẻ hơn. Theo đó, giá bột màu công nghiệp dao động khoảng 200.000 đến 270.000 đồng/kg (bột màu thực phẩm giá 370.000 đến 400.000/kg).
Sau khi chúng tôi tỏ ra ngờ vực về độ an toàn khi sử dụng bột màu, chủ quán Ng.H chốt lại: “Bột màu này dính vào quần áo giặt ra, chơi ném vào nhau không sao, đừng ném vào mặt mũi nhau là được”. Tuy nhiên, trò chơi này không chừa bất cứ mặt mũi của ai.
Bột màu có nhiều độc tố
TS Huỳnh Khánh Duy, khoa Kỹ thuật hóa học Trường ĐH Bách khoa TP.HCM, cho rằng chất màu thường có hai nhóm chính: chất màu vô cơ và chất màu hữu cơ. Trong một số sản phẩm bột màu, người ta có thể phối trộn chất màu vô cơ với chất màu hữu cơ. “Chính vì vậy, đây là thành phần gây nhiều nguy cơ cho sức khỏe, vì có thể chứa các kim loại độc hại” - TS Duy nói.
Theo TS Duy, có một số bột màu sắc như trắng, vàng vô cơ… có chứa chì carbonate hoặc các oxid, muối kim loại chứa cadmium, chromate… Những hóa chất này có thể gây thiếu máu, các vấn đề tiêu hóa, tổn thương thần kinh (tổn thương não ở trẻ em), tổn thương thận và hệ sinh sản. TS Duy cảnh báo: “Một số chất màu hữu cơ cũng bị cấm sử dụng do những tác hại đến sức khỏe, đặc biệt là có thể gây ung thư”.
Các em HS còn ít hiểu biết, mua bột màu chưa rõ nguồn gốc, thành phần để sử dụng cho việc ném vào nhau có thể bị nhiễm độc khi tiếp xúc qua da, hít vào hoặc nuốt phải. TS Duy nói: “Dùng tay có dính màu rồi sau đó cầm thức ăn, đồ chơi... mà không rửa tay sẽ tạo cơ hội để các thành phần độc hại có trong màu đi vào cơ thể qua đường miệng. Việc hít phải các bột màu còn có nguy cơ bị những bệnh ở phổi và đường hô hấp”.
Ngày 15/3 năm nay, lễ hội Holi với những màn té bột màu sặc sỡ đã diễn ra tại Công viên Hồ Tây (Hà Nội). Lễ hội còn được gọi là “Lễ hội Sắc màu” (Festival of Colors), là một trong những lễ hội quan trọng của Ấn Độ cũng như nhiều quốc gia có cộng đồng người theo đạo Hindu sinh sống. Lễ hội Holi đánh dấu sự kết thúc của mùa đông và sự khởi đầu của mùa xuân với hy vọng vào một mùa màng bội thu. Lễ hội này cũng kỷ niệm chiến thắng của cái thiện trước cái ác. Những năm gần đây, Holi bắt đầu lan tỏa rộng rãi, được nhiều người biết đến. Từ đây, nhiều nhóm bạn trẻ đã chọn trò chơi té bột màu vào nhau chụp ảnh làm kỷ yếu. |
Theo Nguyễn Tân – Hà Phượng
Pháp luật TPHCM