1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Tình trạng mất cân bằng giới tại Việt Nam:

Chính sách mới sẽ "thiên vị" con gái?

(Dân trí) - Sẽ xử lý cán bộ công viên chức vi phạm; xử phạt các cơ sở khám chữa bệnh tiết lộ giới tính thai nhi; hỗ trợ những gia đình sinh bé gái... là những biện pháp đang được bàn đến để giải quyết tình trạng mất cân bằng giới tính tại Việt Nam.

Tại Hội thảo triển khai đề án “Can thiệp giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh trong 2 năm (2009-2010) tại 10 tỉnh (Bắc Ninh, Bắc Giang, Hải Dương, Thanh Hóa, Hà Tĩnh, Bình Định, Ninh Thuận, Tiền Giang, Đồng Nai và Bạc Liêu) diễn ra sáng nay (8/7) tại Hà Nội, đã có rất nhiều ý kiến đưa ra.
 
Chính sách mới sẽ "thiên vị" con gái? - 1
Nhiều nước trên thế giới đã có chính sách hỗ trợ khi sinh bé gái, hỗ trợ trẻ gái. Việt Nam cũng đang bàn đến biện pháp này nhằm giảm tình trạng mất cân bằng giới tính (Ảnh: H.Hải)

Giảm mức sinh nhưng chưa giảm được chênh lệch giới

Tại hội thảo, ông Dương Quốc Trọng, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Dân số cho biết, tình trạng mất cân bằng giới tí khi sinh bắt đầu từ năm 1999 (thời điểm tiến hành tổng điều tra dân số). Thời điểm đó, cứ 100 bé gái thì có 107 bé trai. Nhưng từ sau năm 2000, tình trạng mất cân bằng giới ngày càng trầm trọng. Đến nay, cứ 100 bé gái thì có tới 112 bé trai. “Nếu không kiên quyết tìm cách giải bài toán khó này, thì trong tương lai gần, chắc chắn chúng ta sẽ rơi vào tình trạng của một số nước như Trung Quốc, Hàn Quốc, là thừa nam - thiếu nữ”, ông Trọng khẳng định.

Nguyên nhân của tình trạng chênh lệch giới này, theo ông Trọng, căn bản nhất là tư tưởng trọng nam hơn nữ, muốn có con trai để nối dõi. Ngoài ra, phải kể đến nguyên nhân nữa, đó là do chúng ta chưa có chế độ an sinh tốt với người già, người lớn tuổi vẫn phải trông cậy vào sự phụng dưỡng của con cái, nhất là con trai.

Thực tế tại Việt Nam, mức sinh thấp kéo dài liên tục trong nhiều năm nhưng xuất hiện mẫu thuẫn, các gia đình muốn 1-2 con song trong đó phải có con trai. Vì thế mới có chuyện cố tình đẻ con trai cho bằng được và bằng mọi cách.

Thứ nữa là chúng ta chưa có chính sách ưu tiên rõ rệt. Chúng ta đã thông qua luật bình đẳng giới năm 2006, luật phòng chống bạo lực gia đình năm 2007 là một bước tiến trong bình đẳng giới. Nhưng trên thực tế, người phụ nữ vẫn chưa được thực sự bình đẳng với nam giới. Hơn nữa một số ngành nghề đòi hỏi phải có nam giới. Chẳng hạn những vùng cần lao động nặng nhọc chỉ có con trai mới làm được, như vùng biển phải có con trai mới đi biển được.

Các gia đình đều khao khát con trai, rồi lại được “công nghệ” trợ giúp như việc siêu âm thai, nó rất có ý nghĩa phát hiện dị tật, bất thường thai nhưng cũng có mặt trái, đó là chẩn đoán được giới tính thai nhi từ khi thai còn rất nhỏ. Với những gia đình đã sinh con gái, họ có thể lấy lý do này nọ để từ bỏ thai nhi là bé gái.

Dù đã có luật cấm tuyên truyền những hành vi truyền phổ biến sách báo, ấn phẩm lựa chọn giới tính thai nhi, cấm chẩn đoán giới tính thai, áp dụng công nghệ để có con trai, chọn ngày phóng noãn, chế độ ăn, thay đổi môi trường, lọc rửa tinh trùng... nhưng sự việc này vẫn diễn ra hàng ngày.
 
Ưu tiên, hỗ trợ khi sinh con gái?
 
Theo ông Trọng, để xử lý được vấn đề này, tuyên truyền, phổ biến, giáo dục là khâu quyết định nhất. Làm sao để người dân, cán bộ y tế tự giác thực hiện, thấy được việc lựa chọn giới tính là vi phạm pháp luật cũng như những hậu quả lâu dài sau đó. Tuy nhiên, cũng sẽ có những chế tài cứng rắn để răn đe những trường hợp cố tình không thực hiện.
 
“Dù việc giảm tình trạng chênh lệch giới rất khó nhưng khó mấy cũng phải làm được. Trong thời gian thực hiện đề án, chúng tôi sẽ vừa làm vừa rút kinh nghiệm, cách làm nào đúng sẽ triển khai rộng hơn”, ông Trọng nói.

Được biết, hiện Tổng cục Dân số đang xây dựng hai dự thảo nghị định về xử lý cán bộ công viên chức vi phạm, sửa đổi nghị định về xử lý vi phạm hành chính trong vấn đề dân số, gia đình và trẻ em. Ông Trọng cho rằng, việc có chế tài là rất quan trọng. Như tại Hàn Quốc, các cơ sở y tế tiết lộ giới tính thai nhi bị phát hiện sẽ bị phát tới 100.000 đô la. Còn tại Trung Quốc, nếu phát hiện sẽ tước giấy phép hành nghề, thậm chí bỏ tù. Tại Việt Nam, hiện chưa có những chế tài cụ thể này, nhưng sẽ từng bước thực hiện, vừa làm vừa rút kinh nghiệm.

Ngoài ra, một ý tưởng giúp giảm tình trạng chênh lệch giới cũng được các cán bộ dân số đề ra, đó là có những chính sách để hỗ trợ phụ nữ và trẻ em gái. Như ở một số nước trên thế giới,  trẻ em gái khi thi vào THPT và thi đại học sẽ được ưu tiên cộng điểm so với trẻ em trai. Ở một số nước còn có chính sách miễn học phí cho trẻ gái. Hay như tại Trung Quốc, sau 49 tuổi, nếu cặp vợ chồng  nào ở thành phố chỉ đẻ 1 con gái, ở nông thông chỉ đẻ 2 con gái sẽ được trợ cấp hàng tháng 80 tệ (khoảng  200.000 Việt Nam đồng)...

Ông Trọng cho biết, trong thời gian tới sẽ tham vấn với Quốc hội những vấn đề trên. Tuy nhiên, việc tìm nguồn kinh phí để thực hiện những chính sách trên cũng không đơn giản.

“Chế tài, chính sách đều sẽ phải từng bước xây dựng để xử phạt nếu người dân không thực hiện. Nhưng tôi muốn nhấn mạnh đến việc tuyên truyền, giáo dục để người dân tự giác thực hiện, có vậy mới mang lại hiệu quả cao. Với đề án này, dù khó chúng tôi cũng kiên quyết thực hiện để giảm tỷ lệ chênh lệch giới ở Việt Nam”, ông Trọng khẳng định.

Hồng Hải