Chỉ uống sữa không giải quyết được tình trạng loãng xương

Gần đây, một số thông tin cho rằng những người lớn, nhất là những người ngoài 30 tuổi trở đi thì việc uống sữa không mang lại lợi ích gì nhiều, nhất là những phụ nữ trung niên uống sữa không giải quyết được tình trạng loãng xương, thậm chí có nguy cơ làm tăng rạn nứt xương. Các nhận định này có chính xác không?

Chỉ uống sữa không giải quyết được tình trạng loãng xương
Người lớn uống sữa cũng hỗ trợ một phần trong việc giúp cứng xương, chứ không thể hỗ trợ hoàn toàn giúp cứng xương và phòng ngừa loãng xương- Ảnh minh họa

Về điều này, bác sĩ Lê Kim Huệ - Trưởng khoa truyền thông giáo dục sức khỏe (Trung tâm Dinh dưỡng TP.HCM) cho biết, để tốt cho xương, giúp xương chắc phải uống sữa từ lúc còn bé, nếu để lớn tuổi, qua giai đoạn phát triển mới uống sẽ không có hiệu quả.

Những người lớn tuổi, bắt đầu bước vào thời kỳ mãn dục ở nam và mãn kinh ở phụ nữ, lượng nội tiết tố giảm. Khi nội tiết tố giảm sẽ làm cho lượng hấp thu canxi giảm. Do đó phải điều trị bằng nội tiết tố.

Một mình sữa không thể giúp cứng xương

Theo bác sĩ Huệ, hiện nay những loại sữa dành cho người lớn tuổi có mặt trên thị trường đều có các thành phần: canxi, vitamin D, Fos, một số vitamin khác. Tuy nhiên, những người lớn tuổi, nhất là khi bước vào độ tuổi trung niên trở đi, các cơ quan hấp thu của cơ thể yếu, khi sử dụng những chất canxi hay vitamin D, khả năng hấp thu không đạt hết 100%.

Trong khi đó, những thành phần này bổ sung trong sữa cũng chỉ là một lượng rất nhỏ. Do đó, sữa chỉ bổ sung một phần rất thấp lượng canxi hay vitamin D nên không có tác dụng trong việc ngăn ngừa loãng xương hay làm cứng xương.

Ngay cả những người bị thiếu canxi từ bé dẫn đến còi xương và lớn lên bị loãng xương, nếu có uống sữa thì cũng không giải quyết được tình trạng loãng xương hay giúp cứng xương.

Muốn giải quyết loãng xương, làm cứng xương, theo bác sĩ Huệ phải dùng các biện pháp điều trị khác, bổ sung thêm lượng canxi bên ngoài, sử dụng thực phẩm giàu canxi, bổ sung thêm vitamin D, tăng cường vận động, hạn chế ăn mặn…

“Do đó, việc giúp cứng xương hay ngăn ngừa loãng xương, kéo dài thời gian bị loãng xương cần kết hợp nhiều biện pháp, bản thân sữa không giải quyết được chống loãng xương, giúp cứng xương”, bác sĩ Huệ kết luận.

Muốn giải quyết loãng xương, làm cứng xương, phải dùng các biện pháp điều trị khác, bổ sung thêm lượng canxi bên ngoài, sử dụng thực phẩm giàu canxi, bổ sung thêm vitamin D, tăng cường vận động, hạn chế ăn mặn…

Tuy nhiên nếu nói phụ nữ trung niên uống sữa có nguy cơ làm tăng rạn nứt xương là không chính xác mà là nếu chỉ uống sữa không giải quyết được tình trạng loãng xương.

“Bước vào độ tuổi này quá trình lão hóa bắt đầu, hủy xương tăng vọt rất dễ gây loãng xương. Việc xương bị rạn nứt là do người đó bị loãng xương quá nặng, các mô xương bị rỗng, mỏng, khiến xương bị dòn, dễ rạn nứt hơn...”, bác sĩ Huệ nói.

Chỉ hỗ trợ một phần giúp cứng xương

Theo bác sĩ Huệ, nói như thế không có nghĩa sữa không giúp ích gì cho người lớn tuổi. Trong thành phần của sữa có chất đạm, chất béo, vitamin, chất khoáng như sắt, kẽm, vitamin B, Vitamin A…

Do đó, sữa sẽ cung cấp dinh dưỡng, nhất là người lớn tuổi, ăn uống yếu, sữa sẽ là nguồn cung cấp năng lượng, đảm bảo đủ lượng calo cần thiết. Đối với sữa giàu năng lượng, thường 100gl sẽ cung cấp khoảng 100kcal; còn sữa ít năng lượng thì 100ml sữa cung cấp khoảng 65kcal.

Uống sữa đối với người lớn hiện nay có tác dụng bổ sung thêm năng lượng, bổ sung thêm chất dinh dưỡng mà bữa ăn hằng ngày con người không cung cấp đủ.

Thường lượng canxi cần trong ngày của mỗi người khoảng 500mg hay 600mg, những phụ nữ mang thai nhiều hơn 1.000-1.200mg/trong ngày. Như vậy, có thể uống 3 ly sữa trong ngày có thể đủ cho nhu cầu đó, bổ sung đủ lượng canxi cần trong ngày.

Tuy nhiên, nếu người nào đó ăn đầy đủ cá, trứng thì có thể lượng canxi đã bổ sung đầy đủ, không cần đến sữa.

“Thực tế cho thấy, người lớn uống sữa cũng hỗ trợ một phần trong việc giúp cứng xương, chứ không thể hỗ trợ hoàn toàn giúp cứng xương và phòng ngừa loãng xương”, bác sĩ Huệ nói.

Mới đây, một số cơ quan truyền thông đưa tin, trên New York Times đăng bài viết của giáo sư khoa nhi Aaron E. Caroll của ĐH Y dược Indiana cho rằng, có có nhiều bằng chứng cho thấy dùng sữa sau giai đoạn thơ ấu thực tế không giúp ích nhiều, thậm chí có thể có hại cho người dùng.

Bên cạnh đó, Tạp chí khoa học Journal of Bone and Mineral Research chuyên về xương và khoáng chất đã cho công bố kết quả phân tích liệu việc tiêu thụ sữa giúp chống rạn nứt xương hông thế nào ở người trung niên và người già.

Nghiên cứu ở khoảng 200.000 phụ nữ cho thấy việc uống sữa đã không giúp gì cho việc giảm tỉ lệ rạn xương ở phụ nữ.

Một nghiên cứu công bố trên JAMA Pediatrics năm nay, theo dõi 100.000 người cả phụ nữ và đàn ông trong hơn 2 thập kỷ, xem việc uống sữa có giúp giảm tỉ lệ rạn xương hay không. Kết quả là sữa không hề giúp cải thiện tỉ lệ.

Một nghiên cứu mới công bố khác trên tờ BMJ cũng theo dõi hơn 45.000 đàn ông và 61.000 phụ nữ ở Thụy Điển có tuổi từ 39 trở lên cũng cho kết quả tương tự.

Theo Hồ Quang

Một thế giới