Chỉ muốn khỏa thân vì đau thần kinh thẹn
(Dân trí) - Nam bệnh nhân 37 tuổi được xác định mắc chứng đau thần kinh thẹn khiến vùng kín vô cùng khó chịu. Để tránh những cơn đau, người bệnh chỉ muốn khỏa thân lúc ở nhà hoặc không thể mặc quần lót khi ra ngoài.
Hết Singapore, Pháp lại quay về Việt Nam
Người mắc phải chứng bệnh “kỳ quái” trên là nam nhân viên văn phòng (37 tuổi) hiện đang được điều trị theo phương pháp đa mô thức tại bệnh viện Đại học Y Dược, TPHCM. Qua khai thác bệnh sử ghi nhận, trước đó người bệnh gặp phải các biểu hiện đau rải rác ở vùng mép bẹn, đau quanh cơ quan sinh dục, hậu môn. Chỉ cần một tác động nhỏ, cảm giác đau dữ dội sẽ xuất hiện khiến người bệnh không thể mặc được quần lót, chỉ muốn khỏa thân lúc ở nhà hoặc khi đi ra đường thì chỉ mặc quần dài để hạn chế tác động, ma sát từ quần lót gây đau cho vùng kín.
Trong 3 tháng kể từ khi phát bệnh, anh đã khám và điều trị tại nhiều cơ sở y tế trên địa bàn TPHCM. Các bác sĩ thăm khám, thực hiện xét nghiệm, kiểm tra hình ảnh, đã loại trừ nguyên nhân đau do chấn thương và u bướu. Sau chẩn đoán tình trạng bệnh nhân gặp phải là do đau thần kinh thẹn (dây thần kinh thẹn đi từ tủy sống, chi phối chức năng của vùng bẹn, đáy chậu và bộ phận sinh dục ngoài), người bệnh được bác sĩ chỉ định điều trị nội khoa. Tuy nhiên, cảm giác đau chỉ giảm được một phần rất nhỏ.
Với quyết tâm thoát khỏi những cơn đau quái ác, nam bệnh nhân đã tự tìm hiểu các thông tin qua internet và quyết định sang Singapore điều trị bằng phương pháp chích phong bế, nhưng giải pháp này không mang lại hiệu quả. Kế đó, bệnh nhân tiếp tục bay sang Pháp, điều trị và được bác sĩ nước bạn chỉ định phẫu thuật giải ép dây thần kinh thẹn.
Trong tuần đầu sau phẫu thuật, cảm giác đau giảm rõ rệt, kết thúc hậu phẫu bệnh nhân xuất viện về nước. Tuy nhiên, gần 2 tuần sau, cảm giác đau xuất hiện trở lại và đau dữ dội hơn so với trước khi phẫu thuật nên bệnh nhân buộc phải chuyển đến Đơn vị điều trị đau thuộc bệnh viện Đại học Y Dược.
Tại đây, bệnh nhân được tư vấn điều trị theo phương pháp đa mô thức với sự phối hợp chuyên môn của nhiều chuyên khoa. Sau gần 6 tháng điều trị nội khoa kết hợp liệu pháp tâm lý, bệnh nhân đang từng bước giảm liều điều trị bằng thuốc, tình trạng đau đã giảm khoảng 70%.
Đau mạn tính - cần tìm nguyên nhân
Phân tích chuyên môn của TS.BS Nguyễn Minh Anh, Trưởng đơn vị Điều trị đau chỉ ra: Đau là dấu hiệu bệnh tật nên phải tìm nguyên nhân để chữa trị. Bên cạnh bệnh lý đau cấp tính, xuất hiện đột ngột do tổn thương của cơ thể thì đau mạn tính là chứng đau dai dẳng, kéo dài trên 3 tháng nhưng khó xác định được căn nguyên. Bệnh nhân đau mạn tính thường chịu tác động nghiêm trọng đến chất lượng sống từ hoạt động thể lực đến học tập, ngủ nghỉ và các quan hệ xã hội, gây tâm lý buồn phiền, trầm uất, thay đổi tâm tính.
Tại Việt Nam hiện nay, chưa có thống kê cụ thể song bệnh lý đau mạn tính thường tập trung ở nhóm đối tượng trên 40 tuổi, khoảng 65% bệnh nhân đang chết dần, chết mòn vì các bệnh không ác tính như: đau cơ – xương; đau do bệnh thần kinh; đau tạng và đau do bệnh thiếu máu hồng cầu liềm.
Người bệnh đau mạn tính thường đi điều trị nhiều nơi bằng các phương pháp khác nhau. Tuy nhiên, sự thay đổi liên tục bác sĩ, không tuân theo một phác đồ chuẩn khiến việc điều trị không có kết quả đã đẩy người bệnh rơi vào hoang mang, tuyệt vọng. Để điều trị hiệu quả, người bị bệnh đau cần được bác sĩ đánh giá toàn diện về những tổn thương thực thể cũng như tổn thương tâm lý trên cơ sở chăm sóc toàn diện cho bệnh nhân. Mặt khác, người bệnh cần có thái độ hợp tác với bác sĩ và kiện trì điều trị thì mới có được kết quả tốt nhất.
Lĩnh vực điều trị đau ở Việt Nam đến nay vẫn là một “khái niệm” mới với cả ngành y tế và người bệnh. Tuy nhiên, theo BS Minh Anh, dù đi sau các nước phát triển nhưng Việt Nam đã cập nhật được nhiều kỹ thuật điều trị đau hiện đại. Ngoài điều trị nội khoa, can thiệp ngoại khoa và tư vấn tâm lý thì các phương pháp như: đốt dây thần kinh, xử lý nhân đệm cột sống bằng sóng cao tần; đặt điện cực kích thích thần kinh ngoại biên, kích thích tủy sống, kích thích vỏ não cho người bị đau do nguyên nhân thần kinh trung ương… đã được áp dụng.
Tuy nhiên, phần lớn người bệnh đều rất khó tiếp cận được phương pháp đặt điện cực để điều trị các chứng bệnh đau mạn tính bởi chi phí cho mỗi ca đặt điện cực tiêu tốn tới 500 triệu đồng (Bảo hiểm Y tế chưa chi trả cho kỹ thuật này). Mặt khác, mỗi 5 năm người bệnh phải thay pin cho thiết bị điện cực một lần với mức giá lên tới 400 triệu đồng.
Để hạn chế nguy cơ bệnh tật nói chung và mắc phải chứng bệnh đau mạn tính nói riêng, bác sĩ khuyến cáo cộng đồng nên có chế độ ăn uống khoa học, tăng cường vận động, hạn chế sử dụng các chất kích thích rượu bia, không nên hút thuốc lá… Trường hợp bị đau liên tục, đau kéo dài trên 3 tháng người bệnh cần đến bác sĩ chuyên khoa để được chẩn đoán và điều trị kịp thời. Trong thời gian điều trị, người bệnh cần tuân thủ chỉ định của bác sĩ, hành động bỏ ngang điều trị sẽ khiến bệnh tái phát trở lại và có nguy cơ nặng thêm, bác sĩ cũng sẽ gặp nhiều khó khăn hơn trong việc hỗ trợ chuyên môn.
Vân Sơn