Chỉ mắm tôm công bố chất lượng được phép lưu hành
(Dân trí) - Bắt đầu từ ngày 11/12, mọi loại mắm tôm đều phải công bố tiêu chuẩn chất lượng. Mắm tôm phải đảm bảo những tiêu chí là mắm tôm nguyên thuỷ, không ô nhiễm, không có vi khuẩn gây bệnh như vi khuẩn kỵ khí, E.Coli, vi khuẩn đường ruột...
Đó là thông báo của ông Trần Đáng (ảnh), Cục trưởng Cục Vệ sinh An toàn Thực phẩm (VSATTP), sau khi Bộ Y tế chính thức cho phép lưu hành trở lại sản phẩm mắm tôm (11/12).
Trong hơn một tháng khi bệnh tiêu chảy cấp dạng tả hoành hành, mắm tôm cũng bị phong toả vì bị coi là một trong những loại thực phẩm chứa phẩy khuẩn tả. Có không ít ý kiến cho rằng mắm tôm đã bị đổ tội oan, gây ra không ít thiệt hại cho người sản xuất?
Tôi khẳng định, mắm tôm là nguyên nhân đầu tiên gây bệnh tả. Kết quả nghiên cứu của Cục VSATTP tiến hành điều tra trên 61 bệnh nhân mắc tả đầu tiên đang điều trị hoặc đã ra viện (từ ngày 13/10 - 14/11) cho thấy, những bệnh nhân này có chung đặc điểm là có dấu hiệu lâm sàng điển hình của bệnh tả và đã được Viện Vệ sinh Dịch tễ TƯ xác định nhiễm vi khuẩn tả.
Điều tra được tiến hành trước khi bị ngộ độc 48 giờ hoặc ít nhất là 24 giờ thông qua bệnh nhân (nếu còn tỉnh); những người xung quanh liên quan đến người bị ngộ độc thực phẩm đã ăn, uống gì trong thời gian 24 - 48 giờ. Kết quả điều tra cho thấy, 100% ca bị tả đều ăn mắm tôm. Như vậy đã xác định mắm tôm là thức ăn nguyên nhân. Sau giai đoạn đó, nhiều thức ăn khác cũng được được xác định là thức ăn nguyên nhân như bún đậu mắm tôm, rau sống và một số thực phẩm chế biến sẵn, thức ăn đường phố...
Tuy nhiên, hàng chục xét nghiệm từ cấp TƯ cho tới địa phương đã được tiến hành nhưng đều không tìm thấy vi khuẩn tả?
Xét nghiệm trong mắm tôm sau này không có vi khuẩn tả không liên quan gì đến kết luận mắm tôm là thức ăn gây nên bệnh tả. Do vi khuẩn tả chỉ tồn tại trong mắm tôm trong một thời hạn nhất định, khoảng 40 tiếng. Có thể lô mắm tôm nào đó ở Thanh Hoá nhiễm vi khuẩn tả, được đưa ra Hà Nam để pha chế. Người bệnh ăn phải lô mắm tôm nhiễm vi khuẩn tả thải phân ra ngoài môi trường, vi khuẩn tả theo nguồn nước, không khí… nhiễm vào các thực phẩm khác. Cho đến nay, khi dịch bệnh đã được khống chế thì mắm tôm đã được lưu hành trở lại.
Nếu theo kết luận của ngành Y tế, mắm tôm là một trong những loại thực phẩm có nguy cơ cao, nếu cho lưu hành trở lại thì có thể lại là nguyên nhân gây ra dịch bệnh lần thứ hai?
Cục ATVSTP kiến nghị Bộ NN&PTNT tăng cường kiểm tra các cơ sở sản xuất mắm tôm. Theo đó, các cơ sở phải đảm bảo điều kiện VSATTP mới được phép sản xuất, kinh doanh mắm tôm. Sản phẩm mắm tôm lưu thông ngoài thị trường phải được công bố chất lượng của địa phương hoặc được các cơ quan quản lý thuỷ hải sản (chứng nhận đủ điều kiện VSATTP).
Bắt đầu từ ngày 11/12, mọi loại mắm tôm đều phải công bố tiêu chuẩn chất lượng vì đây là sản phẩm không tiêu thụ hết trong 24 tiếng. Mắm tôm phải đảm bảo những tiêu chí là mắm tôm nguyên thuỷ, không ô nhiễm, không có vi khuẩn gây bệnh như vi khuẩn kỵ khí, E.Coli, vi khuẩn đường ruột...
Với những cơ sở sản xuất vi phạm quy định này sẽ bị xử lý ra sao thưa ông?
Nếu cơ sở sản xuất mắm tôm nếu bị phát hiện vi phạm các nội quy về VSATTP hoặc các sản phẩm này không có công bố tiêu chuẩn chất lượng sẽ bị tiêu huỷ sản phẩm ngay lập tức đồng thời bị đình chỉ hoặc đóng cửa cơ sở.
Cảm ơn ông!
P. Thanh (ghi)