1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Chỉ 17% số mũi tiêm…an toàn!

(Dân trí) - Đây là kết quả nghiên cứu của ThS. Phạm Đức Mục (Phó Chủ tịch Hội Điều dưỡng Việt Nam) và các cộng sự. Đáng báo động là tình trạng tiêm vào cơ delta vẫn bị lạm dụng nhiều ở các tuyến.

Tại hội thảo”Tiêm an toàn ở tuyến cơ sở” diễn ra tại Hà Nội sáng 20/12, TS Phạm Đức Mục cho hay, kết quả trên được đưa ra sau một nghiên cứu ngang nhằm mục đích đánh giá mũi tiêm an toàn.

 

Cụ thể, qua quan sát 776 mũi tiêm tại 8 tỉnh đại diện cho 3 miền Bắc, Trung, Nam (bao gồm cả bệnh viện trung ương, tuyến tỉnh và tuyến huyện) nhà nghiên cứu nhận thấy: y bác sỹ chọn cơ delta là điểm tiêm chiếm tỷ lệ khá cao (26,7%). Trong khi đó, đối với  các nước trên thế giới, y, bác sỹ chỉ chọn cơ delta trong trường hợp tiêm chủng.

 

Ở Việt Nam, sau khi phát hiện hàng ngàn trường hợp xơ hóa cơ delta cho đến nay, chưa có một văn bản chính thức nào nghiêm cấm việc tiêm vào cơ delta trong điều trị. Dù nhiều nhà chuyên môn cho rằng, nguyên nhân xơ hóa cơ delta có thể do nguyên nhân tiêm quá nhiều vào cơ delta. Ngoài ra, theo tổ chức Y tế Thế giới (WHO), tiêm không an toàn là nguyên nhân chính làm lây truyền các bệnh viêm gan B, viêm gan C và HIV.

 

Bên cạnh đó, lạm dụng tiêm trong điều trị cũng là vấn đề cần báo động, đặc biệt lạm dụng tiêm ở dưới tuyến cơ sở, ThS Mục nói. Theo khảo sát, trung bình mỗi ngày điều trị bệnh nhân phải tiêm tới 2,2 mũi tiêm, trong đó, trẻ em bị lạm dụng tiêm nhiều hơn (phải tiêm trung bình 2,5mũi tiêm/ngày).

 

TS Trần Quý Tường, Phó Vụ trưởng Vụ Điều trị, Bộ Y tế, nhận định, trong thời gian chờ để nâng cao tỷ lệ tiêm an toàn ở các tuyến, nên khuyến cáo y bác sỹ chọn vị trí tiêm thích hợp như tiêm tĩnh mạch, tiêm mông. Y, bác sỹ cũng cần có trách nhiệm tham vấn cho bệnh nhân nên lựa chọn điều trị bằng đường uống, tránh lạm dụng tiêm trong điều trị.

 

17 tiêu chuẩn tiêm an toàn:

 

1. Bơm kim tiêm vô khuẩn

 

2. Có sử dụng xe tiêm khi đi tiêm

 

3. Có sử dụng khay tiêm khi đi tiêm

 

4. Có hộp đựng vật sắc nhọn ở gần nơi tiêm

 

5. Rửa tay, sát khuẩn tay nhanh trước khi chuẩn bị thuốc

 

6. Rửa tay, sát khuẩn tay nhanh trước khi đưa kim tiêm qua da

 

7. Mang găng khi tiêm tĩnh mạch, truyền dịch, truyền máu

 

8. Kim lấy thuốc đảm bảo vô khuẩn

 

9. Tiêm thuốc đúng chỉ định

 

10. Tiêm thuốc đúng chỉ định

 

11. Tiêm đúng vị trí

 

12. Tiêm đúng góc kim so với mặt da

 

13. Tiêm đúng độ sâu

 

14. Rút pit tông kiểm tra trước khi bơm thuốc

 

15. Bơm thuốc đảm bảo hai nhanh một chậm

 

16. Không dùng hai tay đậy nắp kim

 

17. Cô lập ngay bơm kim tiêm đã nhiễm khuẩn trong hộp an toàn

 

Theo Hội điều dưỡng Việt Nam 

Hồng Hải