1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Chết vì chữa bệnh “truyền khẩu”

Thực ra đây là “căn bệnh” nói mãi của người Việt sau khi đã xảy ra nhiều trường hợp biến chứng đáng tiếc, thậm chí tử vong nhất là điều trị dựa trên những bài thuốc nam, “mẹo”…

Suýt chết vì nuốt mật cá trắm

Dường như coi thường tính mạng của chính bản thân và của bệnh nhân, nhiều người vẫn cố tình trị bệnh theo cách mà các chuyên gia y tế nhận định là “vô lối” này.

Cách đây không lâu, hơn 90 cháu ở xã Tam Dị, huyện Lục Nam, tỉnh Bắc Giang bị ngộ độc chì do uống thuốc cam theo truyền miệng, phải đi cấp cứu bệnh viện để lọc máu, chạy thận thực sự đã làm hoang mang nhiều bậc phụ huynh, đặc biệt là ở nông thôn. Bởi ở đây, do nếp nghĩ cũ cùng với điều kiện kinh tế, y tế, đã làm cho người dân “thiên” về cách chữa trị dân gian, truyền miệng hơn là Tây y hiện đại.

Tưởng rằng đó sẽ là bài học cho những bậc làm cha mẹ “cạch” tình trạng chữa bệnh theo cách truyền miệng cho con. Thế mà, chuyện này vẫn tiếp diễn.

Mật cá trắm
Mật cá trắm

Dịp Tết vừa rồi, đối với gia đình bệnh nhi Hùng, 14 tuổi ở Bắc Ninh sẽ không bao giờ quên bởi không phải đây là cái Tết vui vẻ, hay bình an nhất mà là một dấu mốc cho sự sự bất cẩn, một thói quen đã trở nên tùy tiện trong việc trị bệnh để rồi thay vì cứu người suýt nữa lại “mất mạng” người.

Chả là hôm mồng 4 Tết, quá ngấy với thịt mỡ, bánh chưng… mẹ Hùng đi chợ mua về một con cá trắm 4kg để làm lẩu đãi cả nhà. Tiện thể nghe người ta nói, nếu người nào yếu đường tiêu hóa hay bị bệnh liên quan đến đường ruột, nuốt mật cá trắm sống là sẽ trị được bệnh. Vậy là, mẹ Hùng “sống chết” bảo toàn mật không để bị vỡ khi làm cá để cho Hùng uống. Sau khi lấy được mật cá ra, bà đã chọc túi mật rồi hứng vào một cái cốc nước đã pha sẵn đường cho để cho con uống.

Uống xong, chỉ 3 tiếng sau, Hùng lập tức có biểu hiện ngộ độc như đau bụng quằn quại, nôn thốc tháo, tiêu chảy… Hùng được cha mẹ đưa đi cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bắc Ninh.

Tuy nhiên, tình trạng ngộ độc của Hùng vượt quá khả năng điều trị của Bệnh viện Đa khoa tỉnh do các xét nghiệm cho thấy men gan tăng gần 200 lần so với chỉ số cho phép, vàng da, người mất nước, mệt lả… nên họ đã phải chuyển Hùng lên bệnh viện tuyến trên là Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai điều trị.

Tại đây, sau 2 ngày điều trị tích cực, bệnh nhi Hùng đã đỡ hơn khi men gan giảm đáng kể, mặc dù chưa về chỉ số “chuẩn” như ban đầu. Nhưng đó cũng là dấu hiệu tích cực, cho thấy Hùng đã qua cơn nguy kịch.

Theo bác sĩ Nguyễn Anh Tuấn, bác sĩ điều trị trực tiếp cho Hùng, rất may mắn cho Hùng là em không bị suy thận bên cạnh tổn thương gan nặng nề như nhiều bệnh nhân khác khi uống mật cá trắm. Cho nên việc điều trị cũng đỡ phức tạp hơn. Chứ nhiều bệnh nhân khác song song cùng với điều trị gan còn phải chạy thận, lọc máu một thời gian dài, thậm chí có người còn bị di chứng ở thận thành bệnh mãn tính.

Đây quả là bài học nhớ đời cho mẹ Hùng về việc chữa bệnh theo truyền khẩu, một cách chữa mà chút nữa đã cướp đi sinh mạng của con trai bà!

Trị bệnh lại “chuốc” lấy bệnh

Không chỉ Hùng mà nhiều bệnh nhân trước đó, cũng với quan niệm uống mật của một số động vật để chữa trị bệnh theo truyền khẩu của dân gian đã phải đi cấp cứu bệnh viện.

Bác sĩ Tuấn cho biết, trước Tết Giáp Ngọ, Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai cũng đã phải cấp cứu một trường hợp bị ngộ độc mật cá trắm do tự ý nuốt mật cá để chữa bệnh… đau lưng?!

Bệnh nhân bị ngộ độc mật cá trắm
Bệnh nhân bị ngộ độc mật cá trắm

Nữ bệnh nhân này, không biết nghe ai “mách”, đã đi xin về một chiếc mật của cá trắm đen nặng 7 kg để uống. Uống xong, chừng 2 tiếng sau, khỏi đau lưng đâu chưa thấy, chỉ thấy cũng rơi vào tình trạng hệt như bệnh nhi Hùng kể trên. Chỉ khác là chị bị thêm suy thận, phù, ứ nước trong cơ thể.

Bác sĩ Tuấn nói: “Cũng may là nữ bệnh nhân ấy thoát khỏi tay “tử thần”. Bởi bệnh của chị so với Hùng nặng hơn nhiều, điều trị lâu dài hơn nhiều mới đỡ”.

Bác sĩ cũng nhận định: “Đối với những con cá có trọng lượng càng lớn thì mật càng lớn. Mật càng lớn thì khả năng gây ngộ độc và biến chứng cho con người càng nặng, nhất là trong trường hợp bị suy thận nặng dẫn đến ứ nước trong cơ thể. Nếu bị như vậy, khả năng tử vong là rất cao do còn bị phù phổi cấp”.

Chấm dứt chữa bệnh theo truyền khẩu

Bên cạnh nuốt mật cá, nhiều người còn uống mật lợn vì cho rằng dân gian có bài thuốc trị bệnh đau dạ dày bằng mật lợn mà họ đã nghe lại từ thế hệ ông cha. Chẳng biết bài thuốc này đúng hay sai thế nào nhưng chỉ biết, bệnh nhân Dương Xuân Nghĩa, ở Thái Nguyên đã phải nhập viện trong tình trạng hôn mê, viêm gan nặng, suy thận cấp.

Bác sĩ Duệ khuyến cáo: Bản thân mỗi người đều có một cái mật, cơ thể con người thường xuyên sản sinh ra dịch mật đủ để tiêu hóa thức ăn. Vì vậy, không cần thiết phải uống mật động vật để giúp tiêu hóa tốt hơn.

Người nhà của bệnh nhân Dương Xuân Nghĩa kể lại, sau khi ăn tiết canh lợn, nghe bạn bè nói pha mật lợn với rượu rồi uống sẽ khỏi đau dạ dày, lại còn, tăng “sức mạnh” của đàn ông… Thế là Nghĩa làm theo mà không suy tính, đắn đo. Ngược lại còn lập luận: “Lợn nuôi để lấy thịt ăn thì mật uống cũng chẳng sao”.

Nhưng uống xong 2 chén rượu pha mật lợn chưa được bao lâu, Nghĩa “miệng nôn trôn tháo”, chân tay bủn rủn đến nỗi không đứng được, người lả như bị mất sức, da vàng ệch… phải đi cấp cứu bệnh viện. Khi chuyển từ Bệnh viện ở Thái Nguyên lên Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai, gan, thận của anh Nghĩa đã bị tổn thương nặng nề.

Theo bác sĩ Phạm Duệ, Giám đốc Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai, rất nhiều người nhầm lẫn uống mật động vật sẽ trị bệnh và bổ dưỡng. Nhưng thực tế quan niệm này hoàn toàn sai lầm bởi trong mật cũng có những độc tố làm suy gan, viêm gan, suy thận… rồi từ đó dẫn đến tử vong.

Bệnh nhân Dương Xuân Nghĩa là một trong số ít người “thoát chết” trong khi tình trạng bệnh nặng như vậy. Nhưng không dám chắc ai cũng có thể “may mắn” như thế cho nên mọi người cần thay đổi quan niệm uống mật động vật trị bệnh.

Và đặc biệt, bác sĩ Duệ nhấn mạnh: “Trong bối cảnh bệnh tật ngày càng phức tạp như hiện nay do ảnh hưởng của môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm… người dân không nên tự điều trị bệnh hoặc chữa bệnh theo truyền khẩu để rồi “rước họa vào thân”. Có bệnh là phải đến các cơ sở y tế. Họ sẽ có đầy đủ điều kiện để trị bệnh cho bệnh nhân một cách tốt nhất có thể”.

Theo Xuân Bách

Petrotimes