Chết đuối trên cạn, triệu chứng hãi hùng nên biết
Sau khi đi bơi hay ngâm mình quá lâu dưới nước, nếu thấy buồn ngủ, mệt mỏi bạn cần phải cảnh giác với sức khỏe. Bởi một số biến chứng nguy hiểm sau khi đi bơi, tắm lâu có thể dẫn tới chết đuối khô.
Lên bờ nói chuyện, vẫn tử vong
Tuần qua đã có 3 vụ chết đuối thương tâm với nhóm từ 4 - 9 học sinh. Trong vụ 9 học sinh chết đuối ở sông Trà Khúc (Quảng Ngãi), có 2 em sau khi được cứu lên bờ vẫn nói được nhưng do không ai biết sơ cứu kịp thời, khiến các cháu bị chết đuối khô (còn gọi là chết đuối thứ cấp).
Theo TS Phạm Anh Tuấn (Giám đốc Trung tâm Eboi), vì không biết cụ thể tình trạng 2 học sinh lúc đó, nhưng theo y học, các nạn nhân bị nước vào phổi, khi được đưa lên bờ lại không được sơ- cấp cứu ngay nên nước thũng phổi chiếm hết diện tích ôxy, dẫn tới tử vong.
Mới đây báo chí cũng thông tin về bé trai Johnny, 10 tuổi, ở Mỹ, khi đi bơi về thấy mệt mỏi, đã nói với mẹ là bà Cassandra Jackson song mẹ cậu bé cũng không để ý. Bà Cassandra Jackson hoảng hốt khi vào đánh thức con thấy bọt trắng đầy mặt và con đang rất khó thở. Bà liền đưa con đi bệnh viện nhưng cậu bé đã tử vong. Các bác sĩ cho biết bé mắc hội chứng chết đuối thứ cấp.
Theo các chuyên gia y tế, chết đuối khô, chết đuối thứ cấp xảy ra trong vòng 72 giờ sau khi bơi, hoặc suýt chết đuối dưới nước, hoặc tắm quá lâu dưới nước, bị sặc nước… Tuy chứng này hiếm gặp, nhưng ai cũng có thể mắc và nếu bỏ qua các dấu hiệu cảnh báo có thể dẫn tới tử vong. Chỉ cần một ngụm nước nhỏ tràn vào phổi cũng có thể cản trở phổi cung cấp ôxy cho máu, dẫn tới phù phổi, suy hô hấp dẫn đến chết đuối thứ cấp.
Một ngụm nước cũng có thể dẫn đến tử vong
Các chuyên gia y tế cho biết, không chỉ chết đuối thứ cấp, mà suy hô hấp do phù phổi cấp, khó thở, tán huyết… cũng có thể gây nên những cái chết đuối khô trong vòng 1 - 72 giờ sau khi gặp nạn.
Khi rơi xuống nước, hoặc khi bơi lội vẫy vùng, nạn nhân thường dễ bị hít nước vào phổi. Nước đó qua phế quản vào các phế nang (làm mất chất giữ cho các phế nang không xẹp xuống khi thở ra), gây tổn thương màng phế nang, mao mạch và phù phổi cấp tổn thương (còn gọi là hội chứng suy hô hấp cấp tiến triển). Với chứng suy hô hấp trên cạn này, người gặp nạn lên bờ tim chưa bị chậm nhịp, vẫn thở được với lượng nước ít đọng trong phổi (do chưa loại bỏ hết nước ra khỏi cơ thể), có thể đi bộ và nói chuyện được, nhưng yếu. Lượng nước đọng dần có thể lấp khoảng trống chứa ôxy của phổi (chưa kể mối họa từ các hóa chất hồ bơi, bồn tắm nước nóng...), khiến giảm khả năng ôxy hóa máu. Chứng phù phổi cấp tổn thương khiến nạn nhân mới bị suy hô hấp nhẹ, thở nhanh, tức ngực, mạch nhanh, huyết áp có thể hơi tăng… Nếu người nhà thấy các dấu hiệu đó mà nhanh chóng đưa vào bệnh viện các bác sĩ có thể cứu được nạn nhân và không để lại di chứng nặng nề. Nhưng nếu không phát hiện, phổi tổn thương sẽ tiến triển thành phù phổi suy hô hấp, khiến nạn nhân tím tái, khó thở nhiều hơn, mạch nhanh, giật ở các đầu chi, miệng sùi bọt hồng, trắng, vùng phổi có tiếng rales ẩm… và sớm tử vong.
Viêm phổi cũng hay gặp sau đuối nước. Nguyên nhân do nạn nhân hít nước bẩn nên vi khuẩn, vi rút, nấm, ký sinh trùng ào vào cơ thể sẽ gây tổn thương thũng phổi, viêm phổi nhiều hơn (hít nhiều nước còn gây co thắt thanh môn, khởi phát cơn hen và các bệnh lý phổi mạn tính). Viêm phổi thường tiến triển trong 24 giờ sau cấp cứu đuối nước, với các dấu hiệu: Nạn nhân rất mệt, khó thở, đau ngực, ho, sốt… Cần nhanh chóng đưa đi bệnh viện để các bác sĩ cứu chữa kịp thời.
Triệu chứng tán huyết sau khi ra khỏi nước là do nạn nhân uống một lượng nước lớn vào máu, sẽ làm giảm áp lực thẩm thấu máu gây tán huyết, vỡ hồng cầu gây mệt mỏi, đau đầu, nôn, nước tiểu có màu đen… Chứng rối loạn điện giải với các triệu chứng đau đầu, buồn nôn, nôn, phù… cũng có thể gặp. Nguyên nhân do khi bơi lội nếu ở biển thì nước mặn vào máu, khiến lượng muối trong máu sẽ tăng (nếu bơi ở ao hồ, sông suối nước ngọt vào cơ thể làm loãng máu, gây hạ muối Natri trong cơ thể. Nếu rơi xuống nước ở vùng nước lạnh có nhiệt độ thấp còn bị hạ thân nhiệt, gây các rối loạn nhịp tim, rối loạn chuyển hóa, thở chậm, thậm chí ngừng thở, tụt huyết áp, hôn mê và tử vong.
Biểu hiện sớm của chứng chết đuối thứ cấp
Giải thích về hiện tượng trên, TS. BS Vũ Đức Định (Bệnh viện E, Hà Nội) cho rằng, chỉ một chút nước cũng có thể gây chết đuối thứ cấp. Do đó nếu thấy người đi bơi rơi xuống nước suýt chết đuối, hoặc bị sặc nước, nuốt quá nhiều nước (nhất là trẻ em) thì người thân hãy chú ý quan sát. Nếu trong vòng 1 - 72 giờ mà phát hiện các dấu hiệu:
- Mệt mỏi quá mức sau khi tắm.
- Cảm thấy khó thở sau khi tắm.
- Người ngoài có thể nhận thấy biểu hiện khó chịu, thay đổi tâm trạng đột ngột (cáu gắt, hung hăng không rõ nguyên nhân). Hoặc ho dữ dội, mệt lả một cách bất thường, hành vi bất thường liên quan đến chức năng não (nói lắp, chậm chạp lờ đờ, thiếu nhận thức…) cần đưa đến bệnh viện sớm.
Trong vòng 72 giờ sau khi suýt đuối nước, hoặc bơi về nếu thấy xuất hiện các triệu chứng như đau đầu, tức ngực, tím, mạch nhanh, khó thở… cần sơ cứu và gọi 115, hoặc đưa đi bệnh viện cấp cứu sớm.
Sơ cứu đuối nước dễ thực hiện
- Khi đưa nạn nhân ra khỏi nước cần vác lên vai, hai chân phía trước, đầu chúc ra sau cho nước trong phổi chảy ra. Làm động tác này chỉ 5 – 10 giây.
- Đặt nạn nhân nằm xuống, kiểm tra mạch còn đập hay không rồi vừa hà hơi thổi ngạt, vừa nhấn cho tim đập lại và khẩn trương gọi người cấp cứu, cứu hộ.
- Nạn nhân chưa tỉnh lại thì không nên dừng hô hấp và hỗ trợ tim, vì dừng lại và đưa đi cấp cứu là nạn nhân rất có thể bị tử vong. Triệt để giúp bệnh nhân tỉnh lại, ổn định rồi hãy đưa đi cấp cứu. Hoặc vừa đưa đi, vừa tiếp tục sơ cứu để nạn nhân nhanh tỉnh lại.
TS Phạm Anh Tuấn
Theo Hà Dương
Báo Gia đình & Xã hội