1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Chẻ xương ức, đặt ECMO cứu bệnh nhi đã “cầm chắc cái chết”

Vân Sơn

(Dân trí) - Sau phẫu thuật tim, bệnh nhi rơi vào tình trạng phù phổi cấp gần như đã “cầm chắc cái chết”. Các bác sĩ đã hồi sức tích cực, cứu sống cháu bé trong gang tấc bằng phương pháp ECMO.

Đó là trường hợp bệnh nhi Võ Nguyễn K.T. (31 tháng tuổi, ngụ tại Long Khánh, Đồng Nai) điều trị tại Bệnh viện Nhi Đồng 1, TPHCM. Sau khi chào đời, bệnh nhi được chẩn đoán bị bệnh tim bẩm sinh nặng (tứ chứng fallot). Khi được 2 tuổi, bé mệt nhiều, thường xuyên tím tái, được chuyển đến bệnh viện Nhi Đồng 1 thăm khám, điều trị ngoại trú. 

Chẻ xương ức, đặt ECMO cứu bệnh nhi đã “cầm chắc cái chết” - 1
Các bác sĩ nỗ lực cứu chữa cho bệnh nhi khi sự sống của bé tưởng như đã khép lại

Thời điểm bé được 31 tháng tuổi, cân nặng 11kg, tình trạng bệnh trở nặng, bệnh nhi chậm tăng cân, khó thở, cơn tím tái xảy ra đột ngột, phải nhập viện điều trị. Sau thăm khám bác sĩ đã chỉ định phẫu thuật sửa chữa tứ chứng fallot (một lỗ thông liên thất lớn, hẹp đường ra thất phải và van động mạch phổi, phì đại tâm thất phải, động mạch chủ cưỡi ngựa). 

Để thực hiện cuộc mổ, ê kíp đã sử dụng hệ thống tuần hoàn ngoài cơ thể suốt 193 phút đồng thời kẹp động mạch chủ 134 phút. Cuộc mổ nhiều khó khăn nhưng đã thành công. Tuy nhiên, trong giai đoạn hồi sức, bệnh nhi rơi vào tình trạng phù phổi cấp nặng. 

Các bác sĩ hồi sức tích cực nhưng tình trạng không cải thiện. Bệnh nhi bị tổn thương tim, phổi, thận ngày càng trầm trọng, suy hô hấp nặng dần và ngừng tim. Các bác sĩ vừa hồi sức tích cực vừa hội chẩn khẩn và quyết định sử dụng hệ thống tim phổi nhân tạo (ECMO) với hy vọng “còn nước còn tát”. 

Chẻ xương ức, đặt ECMO cứu bệnh nhi đã “cầm chắc cái chết” - 2
Hệ thống ECMO được đăt thành công, chỉ số sinh hiệu của bệnh nhi dần cải thiện

Ngày 13/10, PGS.BS Phạm Văn Quang, Trưởng khoa Hồi sức Tích cực Chống độc, Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM) cho biết đây là tình huống khẩn cấp, nếu hồi sức thông thường thì chắc chắn bé tử vong. Ê kíp phẫu thuật đã quyết định chẻ xương ức đặt ECMO cho bệnh nhi. Tuy nhiên, việc sử dụng ECMO cũng gặp khó khăn vì đây là trường hợp đầu tiên hồi sức sau mổ tim, bệnh nhi còn nhỏ, nhẹ cân, tim bẩm sinh hiếm phức tạp có biến chứng tổn thương tim thận phổi nguy cơ thất bại khá cao.

Bệnh nhi được thực hiện phương pháp ECMO trung tâm, đặt thẳng vào động mạch chủ của tim. Khi mới đặt ECMO, các y bác sĩ đều tuyệt vọng vì bệnh nhi ngừng tim, gần như đã tử vong. Tuy nhiên, sau hơn 10 phút hệ thống vận hành ê kíp bác sĩ vỡ òa hạnh phúc khi bé có nhịp tim trở lại. Hơn 1 giờ sau, cơ thể bệnh nhi dần hồng hào, sau 24 giờ đầu căng thẳng các chỉ số sinh hiệu của bé dần ổn định. 

Chẻ xương ức, đặt ECMO cứu bệnh nhi đã “cầm chắc cái chết” - 3
Phương pháp ECMO trung tâm đã giữ lại sinh mạng cho bé khi đã cận kề cửa tử

Bệnh nhi từ trạng thái suy hô hấp, trụy tim mạch dần phục hồi, huyết động học ổn định. Sau 1 tuần điều trị, các xét nghiệm kiểm tra cho thấy, bé phục hồi tốt, các bác sĩ đã cho bệnh nhi cai ECMO. Ngày thứ 10 sau mổ, bệnh nhi được đóng xương ức và cai máy thở.

Hiện, tình trạng sức khỏe của bệnh nhi đã bình phục tốt, đang được các bác sĩ tiếp tục theo dõi, điều trị.   

GS Phạm Văn Quang cho rằng đây là bước tiến lớn từ nội khoa qua ngoại khoa. Nếu bệnh nhi không được chạy ECMO chắc chắn sẽ tử vong. Mở xương ức để tạo đường tuần hoàn đặt ECMO là khó khăn nhất của kỹ thuật khi thực hiện trên trẻ nhỏ nhưng đã được bác sĩ thực hiện thành công. Bên cạnh đó, các giải pháp cầm máu, theo dõi liên tục chỉ số sinh hiệu đã giúp bác sĩ kiểm soát nguy cơ, cứu sống bệnh nhi. Kỹ thuật trên được kỳ vọng sẽ mở ra hướng mới trong cấp cứu cho những trường hợp bệnh nhi trong cơn nguy kịch.