Chế độ dinh dưỡng cho người bệnh ung thư máu

(Dân trí) - Bệnh nhân nên chia nhỏ bữa ăn để đảm bảo cơ thể có đủ calo, uống đủ nước, tránh những thực phẩm có vị cay nồng, cứng khó nhai, tránh ăn mặn hay các loại trái cây chua.

Theo thống kê của Tổ chức Y tế thế giới, mỗi năm Việt Nam có khoảng 95.000 bệnh nhân chết vì ung thư, trong đó 80% bị sụt cân, 30% chết vì suy kiệt trước khi qua đời do khối u. Đa số bệnh nhân ung thư chỉ tập trung vào điều trị mà chưa chú trọng đến chế độ dinh dưỡng để nâng cao thể trạng. Do đó, bệnh nhân bạch cầu cấp dòng tủy trong và sau quá trình điều trị bằng hóa trị hoặc ghép tế bào gốc cần được chăm sóc về dinh dưỡng nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống.

Chế độ dinh dưỡng đóng vai trò rất quan trọng đối với sức khỏe của người bệnh bạch cầu cấp dòng tủy. Không những cung cấp năng lượng cần thiết cho hoạt động của người bệnh, chế độ dinh dưỡng tốt còn giúp cơ thể tái tạo lại các tế bào máu hoặc các mô bị tổn thương sau điều trị.

Chế độ dinh dưỡng cho người bệnh ung thư máu - 1

Vì vậy trong quá trình xây dựng thực đơn dinh dưỡng hàng ngày, bệnh nhân bạch cầu cấp dòng tủy cần chú ý:

- Chia nhỏ các bữa ăn trong ngày giúp bạn đảm bảo cơ thể có đủ calo, protein và các chất dinh dưỡng khác. Các bữa ăn nhỏ sẽ giúp bạn đối phó được tốt hơn tác dụng phụ sau điều trị ung thư máu có liên quan đến tiêu hóa như buồn nôn, tiêu hóa kém. Bạn có thể chia nhỏ thành 5 - 6 bữa ăn nhỏ trong ngày.

- Cung cấp đủ nước cho cơ thể: Uống mỗi ngày từ 1,5 - 2 lít nước sẽ giúp cho chuyển hóa trong cơ thể bạn được diễn ra dễ dàng hơn.

- Bổ sung đầy đủ chất dinh dưỡng: Giảm cân là hiện tượng thường thấy đối với bệnh nhân ung thư máu trong quá trình điều trị, để hạn chế tình trạng này, bạn cần theo dõi chế độ ăn của mình và bổ sung:

Protein: Những thực phẩm giàu protein bao gồm thịt gà, trứng, sữa, tôm, cua, cá, thịt bò…

Tinh bột: Nên chọn các loại ngũ cốc nguyên hạt (gạo, ngô, lúa mì, hạt lúa mạch), các loại củ (khoai tây, khoai lang, khoai sọ, sắn...)

Chất béo: Bạn nên bổ sung những chất béo lành mạnh có trong dầu ô liu, bơ, cá…

Vitamin và các loại khoáng chất có trong các loại rau củ và trái cây. Những loại thực phẩm này có thể giúp chống oxy hóa, giúp cho cơ thể chống lại với ung thư. Chọn các loại quả tươi sạch, đảm bảo chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm như cam, bơ, cà chua, nho… Hạn chế làm mất các vitamin trong quá trình chế biến cũng như sơ chế, bảo quản.

- Thực hiện vệ sinh an toàn thực phẩm tốt: đảm bảo ăn chín, uống sôi là một trong những nguyên tắc quan trọng nhất trong chế độ ăn uống của người bệnh bạch cầu cấp dòng tùy. Người bệnh cần tránh một vài loại thực phẩm, bao gồm cá, thịt… chưa nấu chín, do vi khuẩn có hại trong thực phẩm tươi sống hoặc chưa nấu chín có thể làm tăng nguy cơ nhiễm trùng ở những người bệnh bạch cầu cấp dòng tủy.

Một số lưu ý trong chế độ dinh dưỡng:

Trong thời gian bệnh và điều trị, bệnh nhân thường bị thay đổi khẩu vị. Các phương pháp sau đây có thể giúp người bệnh giảm thiểu được tình trạng khó chịu:

Súc miệng trước khi ăn.

Ăn bữa nhỏ nhiều lần trong ngày

Vệ sinh răng miệng và súc miệng tối thiểu 4 lần trong 1 ngày.

Uống nhiều nước

Nhiễm trùng miệng, hầu họng thường hay gặp ở những bệnh nhân bạch cầu cấp. Một số thực phẩm nhất định có thể làm tăng khả năng tổn thương răng miệng của bệnh nhân:

Thực phẩm có gia vị cay nồng.

Thực phẩm cứng, có góc cạnh sắc gây khó nhai, nuốt.

Bệnh nhân nên ăn những thực phẩm mềm, dễ dàng nhai và nuốt như trái cây mềm, bún, mỳ, sữa, bột ngũ cốc... Nên tránh ăn cay, mặn, tránh các loại trái cây có vị chua.

Vấn đề uống nước: Có thể là nước chín, nước ép rau, quả, sữa hoặc những thực phẩm có chứa nhiều nước... Điều quan trọng là uống nước ngay cả những lúc không khát. Tuy nhiên nên hạn chế những thức uống chứa cafein...

Một chế độ ăn uống phù hợp đủ dinh dưỡng và năng lượng là rất cần thiết giúp nâng cao chất lượng điều trị và cải thiện sức khỏe cho bệnh nhân bạch cầu cấp dòng tủy. Bệnh nhân nên đến khám bác sỹ chuyên khoa ung thư máu để được tư vấn cụ thể về chế độ dinh dưỡng.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm