Chế độ ăn cho người bị viêm loét dạ dày - tá tràng

Người mắc bệnh này cần dùng các loại thức ăn giảm tiết dịch vị như chất ngọt, chất béo. Thịt nạc, cá nạc, nước dùng thịt gây tiết nhiều dịch vị nên bệnh nhân cần tránh ăn nhiều.

Loét dạ dày - tá tràng chiếm 35% bệnh lý của đường tiêu hóa, nam mắc nhiều hơn nữ. Tuổi thường gặp là 30-60; nguyên nhân là sự mất cân bằng giữa yếu tố bảo vệ và phá hủy niêm mạc dạ dày.

Cơ chế sinh bệnh loét dạ dày - tá tràng chủ yếu là tăng toan, tức tăng tiết acid dạ dày. Ăn uống hợp lý có thể làm giảm tiết acid, giảm tác dụng của acid dạ dày tiết ra lên niêm mạc dạ dày. Cần ưu tiên các thức ăn có tác dụng giảm tiết dịch vị; chứa tinh bột, giúp hút thấm niêm mạc dạ dày (như gạo nếp, bột sắn, bánh mì, bánh nếp), ít tác dụng cơ giới (thức ăn mềm) hay kích thích dạ dày.

Cụ thể, những thực phẩm nên dùng là:

- Cháo, cơm, bánh mì, cơm nếp, bánh chưng; các loại khoai luộc chín hoặc hầm nhừ.

- Thịt, cá nạc hấp, luộc, om.

- Lá rau non luộc, nấu canh bắp cải, giá đỗ, bầu bí...

- Sữa bò hộp, sữa bò tươi, bơ.

- Dầu thực vật ăn sống với lượng ít.

- Quả sống: Phải luộc chín, hấp chín mới ăn.

- Đường, bánh, mứt, kẹo, mật ong, chè.

- Thức uống: nước lọc, nước chè loãng.

Thức ăn không nên dùng:

Bún, dưa cà muối, hành muối, quả chua, đu đủ chín, chuối tiêu, táo, chè, cà phê đặc, giấm ớt, tỏi, hạt tiêu quá cay, các loại thức ăn nguội chế biến sẵn (giăm bông, lạp xưởng, xúc xích), sữa chua, vitamin C. Cần bỏ hẳn rượu, thuốc lá.

Người có bệnh viêm loét dạ dày - tá tràng không nên để bị đói và không ăn quá no. Cần ăn thêm các bữa phụ vào lúc 10 giờ, 15 giờ và 22 giờ.

Theo Sức khỏe & Đời sống