Chảy máu bất thường ở phụ nữ

Một số phụ nữ có tình trạng chảy máu giữa 2 kỳ kinh hoặc kinh nguyệt kéo dài quá lâu. Những biểu hiện chảy máu khác thường này có thể nghiêm trọng nhưng cũng có thể vô hại.

Khoảng 70% trường hợp chảy máu ở thiếu nữ là do hoạt động nội tiết kém, chức năng phóng noãn chưa hoạt động tốt chứ không phải do tổn thương hoặc có một bệnh thực thể nào. Những em gái ở tuổi vị thành niên sớm (10-13) có thể bị ra máu từng đợt, kèm theo đau bụng và đôi khi ra máu rất nhiều.

Những kiểu chảy máu này thường bị gọi nhầm là “băng kinh”, nhiều khi khiến thầy thuốc phải bó tay. Họ chờ nó qua đi theo thời gian vì không muốn chỉ định thuốc tránh thai để điều hòa. Nếu bị thiếu máu, mệt mỏi, chóng mặt, người bệnh cần được đánh giá toàn diện và nếu điều trị thích hợp sẽ nhanh chóng phục hồi.

Trong các trường hợp trên, chức năng phóng noãn chưa hoàn chỉnh, gây mất cân bằng về hoóc môn sinh dục: Trong nửa đầu của chu kỳ kinh, sự bài tiết oestrogen là bình thường nhưng do phóng noãn không tốt nên cơ thể không bài tiết đủ hoặc không có progesterone. Sự mất cân bằng này khiến niêm mạc tử cung phát triển mạnh, khi bong (sau 30-60 ngày) thì gây chảy máu nhiều. Muốn biết sự phóng noãn có tốt không, chỉ cần theo dõi biểu đồ nhiệt độ của chu kỳ (có thay đổi nhiệt độ vào ngày phóng noãn) và làm xét nghiệm máu (vừa để định lượng hoóc môn vừa để phát hiện tình trạng thiếu máu)

Ra máu bất thường ở thiếu nữ cũng có thể do bệnh về đông máu. Trong trường hợp này, các chu kỳ kinh vẫn nối tiếp nhau đều đặn nhưng máu kinh rất nhiều. Các em gái này có xu hướng chảy máu nhiều mỗi khi bị vết thương. Vấn đề điều trị không thuộc phạm vi nội tiết mà trước hết cần điều trị về huyết học.

Ở những em gái độ tuổi vị thành niên muộn (14-18), chảy máu nhiều thường chứng tỏ có sự loạn dưỡng buồng trứng. Biểu hiện là ra máu nhiều khi hành kinh; nếu mọc lông nhiều thì đó là do những bất thường về hoóc môn. Trong trường hợp này, nên điều trị bằng progesterone 10 ngày mỗi tháng; nếu đã quá 16 tuổi và mọc lông nhiều bất thường thì dùng thuốc kháng androgen.

Với phụ nữ trẻ đã lập gia đình, việc phát hiện nguyên nhân gây chảy máu đường sinh dục (cổ tử cung, âm đạo, tử cung) phức tạp hơn vì tất cả những bộ phận kể trên đều có thể là nguyên nhân gây chảy máu. Nhiều người còn kèm theo rối loạn nội tiết. Người bệnh cần thực hiện nhiều thăm dò theo chỉ định của thầy thuốc như: xét nghiệm phát hiện có thai, định lượng hoóc môn xem có mất cân bằng hay không; siêu âm chẩn đoán. Cần đếm số lượng hồng cầu ở những trường hợp chảy máu nhiều (phải thay băng vệ sinh mỗi 4-6 giờ) và hay tái diễn, có nguy cơ gây ra thiếu máu (mỏi mệt, mất ngủ, thở dốc, giảm đề kháng với nhiều loại vi khuẩn).

Nguyên nhân phổ biến gây chảy máu bất thường ở thiếu phụ là rối loạn về điều hòa hoóc môn. Loại chảy máu này liên quan đến hoạt động của tuyến yên và vùng dưới đồi trong não. Chỉ cần một chấn thương tâm lý nhỏ, một trạng thái lo buồn hay một sự thay đổi trong đời sống (ví dụ đi du lịch, công tác xa) cũng có thể gây chảy máu, thậm chí là chảy máu nặng. Sau khi đã thăm dò kỹ, nếu không có nguyên nhân nào nghiêm trọng, giải pháp chủ yếu là điều trị về mặt tâm lý (dùng thuốc an thần, chống lo hãi...).

Chảy máu ít vào thời điểm phóng noãn cũng rất hay gặp và hoàn toàn vô hại, thể hiện phản ứng của tử cung với những đổi thay về hoóc môn ở thời điểm này. Nếu cần, có thể dùng progesterone hoặc viên thuốc tránh thai.

Ra máu nâu trước kỳ kinh là một trong những dấu hiệu thường thấy của sự mất cân bằng về hoóc môn, được gọi là hội chứng tiền kinh nguyệt, phát sinh là do bài tiết nhiều oestrogen. Chính tình trạng này dẫn đến sự bài tiết ít progesterone; điều trị bổ sung chất này sẽ giúp lập lại sự cân bằng.

Một số phụ nữ chảy máu do dùng thuốc tránh thai, do mang dụng cụ tử cung. Có trường hợp ra máu khi dùng dụng cụ này nhưng lại do biến chứng thai ngoài tử cung. Các nguyên nhân khác gồm u xơ tử cung, polyp buồng tử cung...

Với phụ nữ đã mãn kinh, chảy máu có thể là tác dụng phụ của liệu pháp hoóc môn thay thế (thường xảy ra trong 6 tháng đầu áp dụng), hoặc do polyp, u xơ tử cung “bừng tỉnh”, thậm chí là một tổn thương ác tính ở tử cung.

Theo Sức Khỏe & Đời Sống