Chạy hay đi bộ tốt hơn cho sức khỏe?
(Dân trí) - Bạn có bao giờ tự hỏi liệu mình nên chạy marathon hay nên đi bộ đường dài để giữ sức khỏe? Câu hỏi này thật khó trả lời, đặc biệt là khi xét đến các yếu tố khác nhau như tần suất, tốc độ, chỉ số BMI và tình trạng sức khỏe.
Một nghiên cứu cũng cho thấy những người tập chạy, cả nam và nữ, có thể sống lâu hơn một vài năm so với những người không chạy. Tất nhiên, chạy đặt ra nhiều yêu cầu đối với cơ thể hơn là đi bộ, và mang lại cho bạn kết quả nhanh hơn.
Một số người cũng cho rằng chạy có thể hiệu quả hơn đối với những người đang tìm cách giảm cân. Để giảm mỡ bụng (hoặc mỡ nội tạng), các chuyên gia khuyên nên lồng ghép các đợt chạy ngắn vào nếp tập luyện hàng ngày.
"Giảm mỡ nội tạng, cho dù không giảm cân, cũng có thể cải thiện sức khỏe chung ", BS. Carol Ewing Garber, giảng viên nghiên cứu sinh học hành vi tại Đại học Sư phạm Columbia cho biết. "Chạy thường là một bước tiến lớn về cường độ so với đi bộ, vì vậy tốt nhất nên bổ sung nó dần dần vào thói quen hàng ngày".
Nhưng nghiên cứu cũng cho thấy những người chạy có thể tăng nguy cơ bị thương so với những người đi bộ. Người bị viêm khớp hoặc các vấn đề về khớp nên tìm lời khuyên từ bác sĩ vì chạy có thể làm trầm trọng thêm tình trạng của họ do làm tăng căng thẳng cho khớp.
James O'Keefe, bác sĩ chuyên khoa tim mạch tại Viện Tim Trung Mỹ Saint Luke, chỉ ra rằng chạy quá nhiều có thể thực sự không tốt vì cơ thể chúng ta không thể duy trì hoạt động đòi hỏi cao vượt quá một giới hạn nhất định.
"Sau 60 phút hoạt động thể lực mạnh, như chạy, các buồng tim của bạn bắt đầu căng ra và vượt quá khả năng thích nghi của cơ bắp," ông nói.
Mặt khác, đi bộ thường bị đánh giá thấp về mức độ tác động đến sức khỏe. Trong một nghiên cứu, đi bộ gần như hiệu quả ngang với chạy trong việc giảm nguy cơ tăng huyết áp, cholesterol cao, tiểu đường và bệnh tim. Những người muốn gặt hái nhiều lợi ích hơn từ việc đi bộ cũng có thể cân nhắc thực hiện hoạt động này trên đường đồi dốc hoặc lên xuống cầu thang
Đối với người lớn béo phì, sử dụng máy chạy bộ dốc vừa phải có thể là lựa chọn tốt nhất. Một nghiên cứu năm 2011 kết luận "đi bộ với tốc độ khá chậm trên độ dốc vừa phải là một chiến lược tập luyện có thể làm giảm nguy cơ chấn thương cơ xương/bệnh lý đồng thời mang lại kích thích tim mạch thích hợp ở người béo phì".
Bác sĩ chuyên khoa tim mạch Peter Schnohr khuyên nên sáp nhập hai hoạt động này để khai thác ưu điểm của cả hai.
“Chế độ tập thuận lợi nhất là hai đến ba ngày chạy mỗi tuần, với tốc độ chậm hoặc trung bình. Chạy hàng ngày, với tốc độ nhanh, hơn 4 giờ mỗi tuần là không tốt”, ông nói.
Tăng cường độ với đi bộ nhanh cũng có thể là lựa chọn hoàn hảo cho những người không thích chạy. Một nghiên cứu cho thấy những người đi bộ với tốc độ nhanh giảm nguy cơ tử vong so với những người đi với tốc độ chậm.
Cẩm Tú
Theo MD