Chạy đua với thời gian cứu sống bàn chân bé gái

(Dân trí) - Ngày 26/2, bác sĩ Phạm Thanh Phong -Phó Giám đốc chuyên môn, BV Đa khoa Trung ương Cần Thơ cho biết, các bác sĩ của bệnh viện này đã chạy đua với thời gian, cứu sống bàn chân cho bé gái 15 tuổi.

Chạy đua với thời gian cứu sống bàn chân bé gái - 1
Bàn chân bé H. trước khi phẫu thuật

Trước đó, bệnh nhi Nguyễn Huỳnh Khả H., nữ 15 tuổi ở Ô Môn -Cần Thơ.Bệnh nhân nhập viện lúc 13h20 18/02/2020.

Cách nhập viện 12 giờ, bé H. bị tai nạn giao thông được sơ cứu từ tuyến trước và chuyển đến Bệnh viện Nhi Đồng Cần Thơ với dấu hiệu sưng đau biến dạng đùi phải, vết thương dập nát vùng 1/3 dưới cẳng chân phải, lộ xương.

Sau mổ thám sát thấy dập đứt động tĩnh mạch chày trước sau. Xác định bệnh nặng, quá khả năng chuyên môn nên Bệnh viện Nhi Đồng Cần Thơ thực hiện báo động đỏ liên viện và nhanh chóng chuyển đến bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ.

Tại đây, các bác sĩ xác định: bệnh nhi bị gãy hở gần lìa cẳng chân phải, gãy xương đùi phải, đây là bị tổn thương phức tạp bao gồm phần gân cơ xương, thần kinh cũng như cả hai mạch máu quan trọng cung cấp máu cho vùng cổ bàn chân.

Chạy đua với thời gian cứu sống bàn chân bé gái - 2
Các bác sĩ chạy đua với thời gian cứu sống bàn chân cho bé H

Do thời gian tổn thương gần 12 giờ nên khả năng tiên lượng đoạn chi rất cao. Bỏ qua mọi thủ tục hành chính bệnh nhi nhanh chóng được chuyển đến phòng phẫu thuật. Ê kíp phẫu thuật do BS.CK1 Nhâm Phúc Duy (chuyên khoa vi phẫu) đã tiến hành phẫu thuật cho bệnh nhi.

Khi phẫu thuật, bác sĩ nhận thấy bệnh nhân bị gãy hở 1/3 dưới 02 xương cẳng chân, các gân cơ xung quanh tổn thương đứt rời gần hoàn toàn, đứt lìa động mạch chày sau, dập và tắc hoàn toàn động mạch chày trước. Sau khi bác sĩ phẫu thuật kiểm tra vùng bàn chân, các cơ vẫn còn đáp ứng với kích thích điện, vẫn còn khả năng cứu chữa được, nên bác sĩ quyết định thông nối lại mạch máu, tái lập lại tuần hoàn cho bàn chân, khâu nối lại mạch máu bằng kỹ thuật vi phẫu, cố định xương gãy.

Theo BS.CK2 Huỳnh Thống Em - Trưởng Khoa ngoại chấn thương chỉnh hình bệnh viện: cuộc phẫu thuật nối mạch máu vi phẫu khá khó khăn do kích thước của mạch máu rất nhỏ. Ê kíp phẫu thuật đã sử dụng bộ nối mạch vi phẫu để nối các mạch máu nhỏ (Kỹ thuật nối mạch bằng Coupler).

Chạy đua với thời gian cứu sống bàn chân bé gái - 3
Bác sĩ thăm khám lại bàn chân cho bệnh nhi

Đặc biệt, dùng dụng cụ này sẽ giảm nguy cơ xẹp miệng nối động mạch và tĩnh mạch , vốn có thể làm tăng nguy cơ tắc mạch chết phần chi nối. Thời gian khâu nối mỗi mạch máu chỉ từ 4- 6 phút, bề mặt nối đều nhau, ít rỉ máu miệng nối hơn, độ chính xác cao hơn so với nối bằng kim, chỉ khâu. Còn trước đây, với những ca phẫu thuật như trên, các bác sĩ thường tiến hành nối mạch máu cho bệnh nhân bằng kim và chỉ khâu.Thời gian để nối một mạch máu bằng chỉ khâu khoảng 30-60 phút và nguy cơ bị hẹp miệng nối và tắc gây hoại tử vạt da rất cao, việc rút ngắn thời gian phẫu thuật và an toàn giúp mạch máu bệnh nhân hồi phục nhanh, các mô sớm phục hồi chức năng.

Sau nối, mạch máu thông tốt và các chỉ số xét nghiệm đánh giá tổng quát sức khỏe của bệnh nhân trong giới hạn an toàn. Hiện tại, sau phẫu thuật 7 ngày tình trạng bệnh nhân ổn định, vết mổ còn ít dịch thấm băng, bàn ngón chân hồng ấm, độ bão hoà oxy đầu ngón 98%, bệnh giảm đau nhiều, các chỉ số xét nghiệm đều trở về trong giới hạn bình thường. mạch máu chi nối bắt được.

Bác sĩ Phạm Thanh Phong cho biết thêm: Sự thành công của ca phẫu thuật có được là nhờ kết hợp nhiều yếu tố: báo động đỏ giữa 2 bệnh viện, áp dụng kỹ thuật cao trong điều trị (thực hiện nối mạch máu vi phẫu cho bệnh nhân mà không dùng kim khâu), trình độ chuyên môn của đội ngũ bác sĩ chuyên sâu và trên hết đó là tấm lòng “lương y như từ mẫu”của tập thể nhân viên y tế đã tìm mọi cách để điều trị tốt nhất cho bệnh nhi.

Phạm Tâm