Châu Á chiếm hơn nửa số lượng người tử vong liên quan tới bệnh tim mạch
(Dân trí) - Các báo cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho thấy có đến hơn 17 triệu ca tử vong xảy ra hàng năm liên quan đến các bệnh tim mạch trong đó một nửa là các ca tử vong ở châu Á
Những con số biết nói
Trong thống kê được trích dẫn từ WHO do Ông Claus Zieler, phó giám đốc cấp cao kiêm giám đốc hoạt động thương mại bộ phận dược phẩm của Bayer khu vực châu Á Thái Bình Dương phát biểu thì tại khu vực Châu Á – Thái Bình Dương vào những năm 2050 số lượng người trên 60 tuổi sẽ chiếm tỷ lệ khoảng1/4, điều này đồng nghĩa với việc lượng người mắc các bệnh về tim mạch đột quỵ cũng sẽ tăng lên đáng kể
Trong hội thảo diễn ra tại Singapore cuối tháng 3/2019 vừa qua, Phó giáo sư Mark Chan, tư vấn cao cấp, khoa Tim mạch, Đại học Quốc gia Singapore, phó Viện trưởng, Viện nghiên cứu tim mạch quốc gia Singapore cho biết: “Hằng năm các nước ở châu Á mất khoảng 25 triệu USD cho các chi phí chữa trị trực tiếp các bệnh về tim mạch và hơn 65 tỉ USD nếu tính chung các chi phí liên quan (mất sức lao động, chăm sóc y tế….)”. Đây là con số vô cùng lớn, đặc biệt là với các quốc gia đang phát triển ở khu vực này. Cũng theo phó giáo sư Mark Chan, đã có những phương pháp điều trị mới có thể giảm 50%-70% nguy cơ đột quỵ lần đầu tiên và giảm 50% nguy cơ đột quỵ lần thứ hai ở những bệnh nhân từng bị đột quỵ
Thuốc phát minh hạn chế bệnh tim mạch, đột quỵ
Tiến sĩ Foo Chuan Kit, giám đốc Y khoa, nhánh dược phẩm của Bayer tại châu Á - Thái Bình Dương cho biết trong năm 2018 Bayer đã đầu tư khoảng 3 tỉ euro cho công tác nghiên cứu phát triển dược phẩm trên phạm vi toàn cầu với khoảng 50 chương trình nghiên cứu lâm sàng từ pha I đến pha III. Trong đó có 22 thử nghiệm lâm sàng và 4 nghiên cứu đời thực đang diễn ra tại Singapore. Vẫn theo tiến sĩ Foo Chuan Kit, một số chương trình nghiên cứu mở ra khả năng điều trị các loại bệnh ung thư, bệnh thận đái tháo đường và suy tim mạn tính, những loại bệnh đang gia tăng tại các khu vực có tỉ lệ dân số già lớn dần trong khu vực.
Những nghiên cứu này giải quyết gánh nặng chăm sóc sức khỏe trong khu vực bằng cách mang lại khả năng điều trị mới mẻ và tốt hơn cho bệnh nhân. Bayer cũng phối hợp các thông tin và trường hợp bệnh nhân ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương trong các nghiên cứu lâm sàng. Hỗ trợ những bệnh nhân lớn tuổi tiếp cận sớm hơn với các sáng tạo biệt dược trong quá trình điều trị.
Các chuyên gia trao đổi tại diễn đàn Healthy Hearts, Healthy Aging
Ông Claus Zieler cho biết trong năm 2018 một số thuốc có chỉ định mới của công ty đã được Cơ quan quản lý dược phẩm và thực phẩm Hoa Kỳ (FDA) và Ủy ban châu Âu (EC) phê duyệt tại hơn 57 quốc gia, bao gồm Úc, Hàn Quốc và Thái Lan ở Châu Á - Thái Bình Dương. Dự kiến trong năm 2019 nhiều quốc gia ở châu Á - Thái Bình Dương cũng sẽ phê duyệt chỉ định. Bayer cam kết tiếp tục thúc đẩy các mô hình điều trị mới trong bệnh ung thư.
Năm 2018, Bayer đã nhận được phê duyệt đối với một biệt dược trong điều trị bước hai của ung thư biểu mô tế bào gan (HCC) tiến xa ở Việt Nam, Malaysia, Singapore và Thái Lan. Sự chấp thuận sử dụng biệt dược trên toàn khu vực mang lại hy vọng cho bệnh nhân trước đây không có lựa chọn điều trị hiệu quả sau khi được điều trị bước một, kéo dài đáng kể cuộc sống của bệnh nhân trong điều trị bước hai HCC.
Yến Oanh