1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Chất phóng xạ trong thuốc lá: Mối nguy hiểm với cả người không ngửi khói thuốc

(Dân trí) - Chắc hẳn bạn sẽ ngạc nhiên khi biết rằng, bên cạnh hơn 250 hóa chất độc hại, thuốc lá còn có chứa cả chất phóng xạ gây ung thư phổi. Điều đáng nói là ngay cả những người không hút thuốc, đặc biệt là trẻ em, cũng có nguy cơ bị ảnh hưởng bởi lượng phóng xạ này.

Chì–210 (Pb-210) và Poloni–210 (Po-210) là các kim loại nặng phóng xạ nguy hiểm với con người, đã được nhiều nghiên cứu chứng minh là có tồn tại trong thuốc lá. Vậy những chất phóng xạ này đến từ đâu?

Khái quát về hai loại chất phóng xạ có trong thuốc lá

Khi Uranium, một loại quặng phóng xạ tìm thấy trong tự nhiên bị phân rã, chúng sẽ giải phóng khí Radon vào bầu khí quyển. Nếu bạn chưa biết thì khí Radon chính là nguyên nhân gây ung thư phổi xếp thứ 2, chỉ sau thuốc lá. Sau khi được hình thành, khí Radon cũng nhanh chóng bị phân rã và tạo ra Pb-210 và Po-210, những kim loại có hoạt động phóng xạ cao.

Chất phóng xạ trong thuốc lá: Mối nguy hiểm với cả người không ngửi khói thuốc - 1

Bên cạnh lượng quặng tự nhiên có trong lòng đất, nguồn phóng xạ này còn hiện diện ở trong các loại phân lân, vốn thường được sử dụng trong quá trình trồng cây thuốc lá.

Các chất phóng xạ thâm nhập vào cây thuốc lá như thế nào?

Lượng chất phóng xạ tồn tại trong đất canh tác cây thuốc lá, cũng như trong phân lân được sử dụng cũng liên tục phân rã, giải phóng khí radon, tiếp theo là sự hình thành của các hạt Chì và Poloni phóng xạ lơ lửng trong không khí. Trong khi đó, ở mặt dưới lá cây thuốc lá lại có một lớp lông mảnh, chính bộ phận này khiến Pb-210 và Po-210 bám dễ dàng vào lá cây thuốc lá hơn hẳn so với các cây trồng khác.

Chất phóng xạ trong thuốc lá: Mối nguy hiểm với cả người không ngửi khói thuốc - 2

Điều đáng nói là ngay cả sau khi lá cây thuốc lá được làm sạch và xử lý, lượng Pb-210 và Po-210 tồn dư vẫn là rất lớn, bởi hai chất này đều không tan trong nước. Chính vì vậy, nguồn chất phóng xạ vẫn nghiễm nhiên tồn tại trong sản phẩm cuối cùng đến tay người tiêu dùng.

Chất phóng xạ trong thuốc lá: Mối nguy hiểm với cả người không ngửi khói thuốc - 3

Thậm chí, nhiều công ty thuốc lá lớn trên thế giới đã tìm cách loại bỏ hai chất phóng xạ này bằng nhiều giải pháp khác nhau như: biến đổi gen, sử dụng các loại đầu lọc đặc biệt, phát triển giải pháp làm sạch lá thuốc lá mới… Tuy nhiên, cho đến nay không có một phương pháp nào kể trên thể hiện hiệu quả rõ rệt. Một nghiên cứu được thực hiện bởi các nhà khoa học Ba Lan còn chỉ ra rằng, đầu lọc của điếu thuốc lá chỉ có thể hấp thụ một lượng rất nhỏ Pb-210 và Po-210 và phần còn lại, đương nhiên, đi trực tiếp đến phổi của người hút.

Điều gì sẽ xảy ra khi chúng ta hút thuốc lá có chứa chất phóng xạ?

Khi người hút thuốc hít hơi vào, Pb-210 và Po-210 sẽ được đưa vào cơ thể và tập trung tại những vùng giao giữa các đường dẫn khí trong phổi, được gọi là các tiểu phế quản. Nguy hiểm hơn, Pb-210 và Po-210 sẽ dần dần được tích tụ trong phổi thông qua việc hút thuốc và rất khó để loại bỏ. Các điểm tập trung chất phóng xạ này sẽ liên tục phát ra tia phóng xạ alpha, tác nhân có thể gây các tổn thương trầm trọng ADN. ADN bị hư hại có thể dẫn đến nhiều bệnh lý nguy hiểm, đặc biệt là ung thư.

Chất phóng xạ trong thuốc lá: Mối nguy hiểm với cả người không ngửi khói thuốc - 4

Sự hấp thụ chất phóng xạ vào cơ thể được đo bằng đơn vị rads. Trong các thí nghiệm, những chú chuột hấp thụ lượng phóng xạ ở mức 15 rads có thể mắc ung thư phổi. Con số 15 rads tương đương với 1/5 lượng phóng xạ mà người hút thuốc với lượng bình quân 2 gói mỗi ngày hấp thụ sau 25 năm.

Chất phóng xạ trong thuốc lá: Mối nguy hiểm với cả người không ngửi khói thuốc - 5

Khi phân tích các mô trong phổi của những bệnh nhân hút thuốc chết vì ung thư phổi, các nhà khoa học tìm thấy lượng Poloni-210 bị hấp thụ thường nằm trong khoảng 80-120 rads.

Người hút thuốc thụ động cũng bị nhiễm phóng xạ từ khói thuốc.

Chất phóng xạ trong thuốc lá: Mối nguy hiểm với cả người không ngửi khói thuốc - 6

Những người hút thuốc không phải là nạn nhân duy nhất của lượng chất phóng xạ có thể gây ung thư phổi có trong thuốc lá, mà ngay cả những người xung quanh hít phải khói thuốc một cách thụ động, cũng bị phơi nhiễm với Pb-210 và Po-210. Theo thống kê, ở nước ta có đến 67,6% người không hút thuốc bị phơi nhiễm với khói thuốc tại nhà và 49% phơi nhiễm tại nơi làm việc.

Ngay cả người không ngửi khói thuốc cũng bị phơi nhiễm phóng xạ từ thuốc lá.

Chất phóng xạ trong thuốc lá: Mối nguy hiểm với cả người không ngửi khói thuốc - 7

Khi hút thuốc trong không gian kín, khói thuốc lá sẽ gây ra mảng bám trên các bề mặt. Cần biết rằng, các mảng bám này cũng chứa các chất độc hại tương tự như trong khói thuốc, đương nhiên là có cả Pb-210 và Po-210. Đối tượng chịu nhiều rủi ro nhất, trong trường hợp này, chính là trẻ nhỏ, bởi chúng thường xuyên tiếp xúc tay với các bề mặt, đồ vật và sau đó theo thói quen cho tay vào miệng. Pb-210 và Po-210 không thể ngấm vào cơ thể khi tiếp xúc với da nhưng lại gây độc khi thâm nhập được vào đường tiêu hóa. Vì vậy, các gia đình có con nhỏ cần cảnh giác cao độ về vấn đề này.

Đến nay, các nhà khoa học đã phân tích được hơn 7000 hóa chất có trong thuốc lá và khói thuốc, trong đó có 250 chất độc hại, 70 chất gây bệnh tim mạch và 40 chất gây ung thư. Trên thế giới, có khoảng 6 triệu người chết vì thuốc lá mỗi năm, trong đó có đến hơn nửa triệu người phải nhận án tử oan chỉ vì hút thuốc thụ động.

Minh Nhật

Theo Verywellmind, Cancerresearchuk