1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

"Chặt chém" phí thuê xe cấp cứu: Làm gì để tránh?

Hoàng Lê

(Dân trí) - Trường hợp người dân bị "chặt chém" phí thuê xe đưa bệnh nhân đi cấp cứu không phải hiếm.

Mới đây, tại Bệnh viện Nhi đồng 1 đã xảy ra sự việc rất thương tâm, khi anh T.G. (36 tuổi, quê Cà Mau) vay tiền thuê xe cấp cứu với giá 16 triệu đồng để đưa con trai sinh non lên TPHCM cấp cứu. Sau ít ngày điều trị, bé trút hơi thở sau cùng.

Vì đã cạn tiền mua quan tài, người cha phải bỏ con vào thùng xốp, cũng không đủ khả năng gọi xe trở về quê. Lúc này, phòng Công tác xã hội của bệnh viện phải liên hệ nhà hảo tâm hỗ trợ quan tài cho bé trai và một chuyến xe từ thiện cho cha con họ về Cà Mau.

Nhiều trường hợp bị "chặt chém"?

Sau khi con đầu lòng qua đời, anh G. đã tìm hiểu thông tin từ nhiều nhà xe khác và được cho biết, giá thuê xe như trường hợp của con anh chưa đến 10 triệu đồng, có đầy đủ bác sĩ, điều dưỡng và máy móc chuyên dụng.

Còn theo bác sĩ Trương Hữu Khanh, Trưởng phòng Công tác xã hội, Bệnh viện Nhi đồng 1, qua khảo sát, giá dịch vụ xe cấp cứu chở người bệnh nặng từ tỉnh đến TPHCM thông thường khoảng 6-7 triệu đồng.

Chặt chém phí thuê xe cấp cứu: Làm gì để tránh? - 1

Bệnh viện Nhi đồng 1, nơi xảy ra sự việc người cha phải bỏ con vào thùng xốp vì cạn tiền (Ảnh: Hoàng Lê).

Theo ghi nhận của phóng viên Dân trí, đây không phải là lần đầu có trường hợp người nhà bị "chặt chém" tiền thuê xe cấp cứu di chuyển từ tỉnh đến những bệnh viện tuyến trên, khiến họ bị đẩy vào đường cùng.

Anh Minh (tên đã thay đổi), người có nhiều năm làm việc tại nhà đại thể một bệnh viện lớn ở TPHCM cho biết, bản thân đã chứng kiến nhiều gia đình bệnh nhân đã mất có hoàn cảnh rất khó khăn, đến nỗi không có tiền lo hậu sự cho con.

Vào năm 2022, anh phải trực tiếp tìm xe từ thiện để hỗ trợ một gia đình không còn khả năng về quê, vì đã gom hết tiền thuê xe cấp cứu.

Đó là gia đình của cháu bé khoảng 2 tuổi, đã vào một bệnh viện ở tỉnh ở Đồng bằng Sông Cửu Long cấp cứu, trong tình trạng ngưng tim, ngưng thở. Theo lời người nhà chia sẻ, lúc bệnh viện không còn khả năng cứu chữa, một bác sĩ đề nghị họ thuê xe cấp cứu đưa bé lên tuyến trên.

Chặt chém phí thuê xe cấp cứu: Làm gì để tránh? - 2

Nhiều trường hợp người nhà chấp nhận bị "chặt chém" tiền thuê xe cấp cứu để đưa bệnh nhân lên TPHCM điều trị (Ảnh minh họa: Hoàng Lê).

Nhà xe đã yêu cầu trả 15 triệu đồng với lý giải xe đầy đủ máy móc, bác sĩ đi cùng xe.

Người nhà dù hoàn cảnh khó khăn nhưng vì "còn nước còn tát", mong con được cứu sống đã chấp nhận gom góp tiền thuê với giá 15 triệu đồng.

Tuy nhiên, bệnh nhi chưa kịp đến tuyến trên ở TPHCM đã trút hơi thở sau cùng.

"Lúc đó là nửa đêm, cha và bà nội bé không còn đồng nào. Khi xe cấp cứu từ thiện đến, họ nói với tôi rất bất ngờ, vì xe này còn mới và hiện đại hơn xe cấp cứu đã thuê giá 15 triệu đồng trước đó", anh Minh kể.

Cần nắm các nguyên tắc cơ bản khi thuê xe cấp cứu

Từ kinh nghiệm làm việc của bản thân, anh Minh cho rằng, để không còn tình cảnh nêu trên, ngoài việc thân nhân, bệnh nhân cần tỉnh táo tìm hiểu kỹ thì phía bệnh viện cũng cần chủ động làm việc, hợp đồng với các nhà xe để phục vụ bệnh nhân khi có nhu cầu.

Khi đã có đầu mối cụ thể với nhà xe, bệnh viện cần thông báo giá dịch vụ rộng rãi qua nhiều kênh, cũng như cách thức thuê xe cấp cứu để người dân nắm được.

Trao đổi với phóng viên Dân trí, một tài xế lái xe cấp cứu ngoại viện tại TPHCM cho hay, bản thân anh cũng nhiều lần giới thiệu xe cấp cứu đưa bệnh nhân từ bệnh viện về quê.

Chặt chém phí thuê xe cấp cứu: Làm gì để tránh? - 3

Xe cấp cứu ngoại viện tại Trung tâm Cấp cứu 115 TPHCM (Ảnh: Hoàng Lê).

Vài tháng trước, có người nhờ anh hỏi giá xe dịch vụ đưa bệnh nhân từ TPHCM về Quảng Ngãi. Trên xe có trang bị đầy đủ bình oxy và có điều dưỡng đi theo, chi phí chỉ 9 triệu đồng.

Tài xế này nhận định, trong tình huống nguy cấp tính mạng, ai cũng lo cứu người trước, tiền bạc nợ nần sẽ tính sau. Điều này khiến họ vô tình bị lợi dụng, "vào thế".

Do đó, người dân cần nắm các nguyên tắc cơ bản khi thuê xe cấp cứu. Cụ thể, cần có hợp đồng rõ ràng giữa hai bên. Trên hợp đồng cũng phải ghi chi tiết các dịch vụ, giá tiền tính theo quãng đường cụ thể (số km).

Kế đến, phải kiểm tra xem tất cả các dịch vụ đã ghi trên hợp đồng (như các máy móc, có bác sĩ, điều dưỡng) đúng với thực tế trên xe hay không. Ngoài ra, người dân không nên đặt xe qua trung gian 2-3 đầu mối, tránh việc bị đẩy giá lên cao.

"Hiện nay dịch vụ xe cấp cứu rất nhiều, vấn nạn trên (tình trạng chặt chém) có thể xảy ra khi người nhà lúng túng. Như tôi nếu có người nhờ đều hỏi nhà xe quen biết báo giá rẻ, nếu mắc mình cũng kêu người nhà cân nhắc. Làm theo lương tâm mình là chính.

Lúc nhà có chuyện sẽ thường rất cuống, không đủ bình tĩnh. Lúc này, nên có người hỗ trợ, như người nhà, người chăm nom bệnh nhân bên cạnh. Dịch vụ thuê xe cấp cứu, chỉ cần tìm mạng cũng thấy rất nhiều thông tin để so sánh", tài xế chia sẻ.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm