Chất cấm núp bóng “men vi sinh” vào trại chăn nuôi

Việc buôn bán, sử dụng chất cấm trong thức ăn chăn nuôi (TACN) ngày càng trở nên tinh vi và chưa có dấu hiệu lắng xuống. Cơ quan chức năng của Bộ NNPTNT cũng phải bày tỏ những lo ngại về những chiêu trò mới này.

“Đánh” hàng tạ sabutamol về xé lẻ, ngụy trang

Theo ông Trần Tiến Dũng - Trưởng phòng Thanh tra chuyên ngành (Bộ NNPTNT): Trong quá trình điều tra, Thanh tra bộ và Cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường (C49) điều tra làm rõ một Cty dược có hành vi buôn bán 5 tạ chất salbutamol chưa đúng mục đích sử dụng. Cty này không chứng minh được mục đích sử dụng 5 tạ chất salbutamol trong chế biến thuốc dùng cho người.

Không chỉ Hà Nội, tại Phú Thọ, cơ quan chức năng cũng phát hiện và thu giữ 8kg salbutamol; tại Vĩnh Long phát hiện 14kg salbutamol và tại các tỉnh Lâm Đồng, Tiền Giang cũng phát hiện nhiều mẫu nước tiểu lợn dương tính với hoạt chất này.

Ông Trần Tiến Dũng - Trưởng phòng Thanh tra chuyên ngành (Bộ NNPTNT) thông tin về chiêu trò mới trong việc kinh doanh, sử dụng hoạt chất cấm salbutamol. Ảnh: KH.V 
Ông Trần Tiến Dũng - Trưởng phòng Thanh tra chuyên ngành (Bộ NNPTNT) thông tin về chiêu trò mới trong việc kinh doanh, sử dụng hoạt chất cấm salbutamol. Ảnh: KH.V 

Còn theo Bộ Y tế, Cục Quản lý dược cũng vừa quyết định đình chỉ hoạt động kinh doanh thuốc, tước quyền sử dụng giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh thuốc, dừng xem xét, tiếp nhận hồ sơ đăng ký thuốc, hồ sơ nhập khẩu thuốc đối với Cty TNHH hóa dược quốc tế Phương Đông (Hà Nội).

Đoàn kiểm tra của Cục Quản lý dược phát hiện Cty này vi phạm nghiêm trọng các quy định của pháp luật trong hoạt động kinh doanh nguyên liệu salbutamol làm thuốc. Cụ thể, Cty này nhập khẩu nguyên liệu salbutamol với số lượng thực tế nhiều hơn 200kg so với số lượng nguyên liệu trên đơn hàng nhập khẩu nguyên liệu, tá dược, bán thành phẩm thuốc được Cục Quản lý dược phê duyệt, sau đó bán buôn nguyên liệu salbutamol cho đơn vị, cá nhân không có giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh thuốc.

Bộ NNPTNT cũng cho biết, không chỉ nhập salbutamol quá số lượng cho phép, một số cá nhân còn lén lút nhập hoạt chất này theo đường tiểu ngạch, bán cho các hộ chăn nuôi. Phần lớn, rất khó phát hiện những đối tượng này nếu không có sự phát giác và tố cáo của người dân. Điều này lý giải tại sao năm 2015 Bộ Y tế chỉ cho phép nhập về 3,5 tấn hoạt chất salbutamol để chế biến thuốc dùng cho người, nhưng số lượng sabutamol được lén lút sử dụng trong chăn nuôi là “nhiều không kể hết”.

Men “tiêu hóa” thực chất là chất tạo nạc

Trước sự kiểm tra gắt gao của cơ quan chức năng, những kẻ buôn bán, sử dụng salbutamol chuyển đổi hình thức buôn bán và phối trộn. Nhận được thông tin phản ánh từ một số trang trại chăn nuôi tại huyện Hoài Đức, Quốc Oai (Hà Nội) về việc có hiện tượng một Cty thức ăn chăn nuôi bán sản phẩm có kèm theo túi bột màu trắng, Thanh tra Bộ NNPTNT vừa tiến hành lấy mẫu phân tích tại trang trại của ông Nguyễn Quyền Anh (xóm 12B, xã Dương Liễu, Hoài Đức). Kết quả cho thấy, gói bột trắng có chứa salbutamol là 4.845pph, hàm lượng gấp gần 100 lần quy định (50 pph). Ngày 4.12, đoàn thanh tra tiếp tục phối hợp với chủ trang trại và Công an huyện Hoài Đức, Trạm Thú y huyện Hoài Đức mời người chuyển gói bột trắng là ông Hoàng Kim Cường (xã Minh Khai, Hoài Đức) lên làm việc. Hiện Công an huyện Hoài Đức, Cục C49 Bộ Công an, đang tiếp tục điều tra làm rõ nguồn gốc chất cấm. Ngoài ra, đoàn thanh tra còn kiểm tra đột xuất trang trại của ông Nguyễn Văn Quý (xã Sài Sơn, Quốc Oai). Chủ trang trại cho biết trước đó (ngày 3.12) một đại lý bán 20 bao cám, sáng 4.12 chủ trang trại được người bán đưa tiếp một gói bột màu trắng có tên là “Men tiêu hóa” trọng lượng 0,7kg. Do nghi ngờ nên chủ trang trại không sử dụng gói này và báo với cơ quan chức năng.

Ông Phạm Tiến Dũng đặc biệt lưu ý, “men tiêu hóa” là chiêu trò mới, tinh vi hơn về buôn bán, sử dụng chất cấm. Nhiều cơ sở sản xuất, kinh doanh TACN khi đưa cám xuống trang trại và các hộ chăn nuôi thường kèm theo gói bột trắng dưới dạng không nhãn mác và giải thích là “men tiêu hóa”, “thuốc tẩy giun sán” để đánh lừa người chăn nuôi. Ông Dũng bức xúc khi nhiều chủ trang trại dù được tuyên truyền nhưng vẫn mờ mắt vì lợi nhuận, sử dụng chất cấm như Cty TNHH Trường Phú, Cty TNHH Thịnh Đức và hàng loạt cơ sở chế biến TACN bị phát hiện và thông tin công khai trên phương tiện truyền thông trong thời gian qua. Đặc biệt vào thời điểm cuối năm và Tết Nguyên đán, nhu cầu tiêu dùng thực phẩm tăng cao, càng khiến những kẻ buôn bán vô lương tâm ráo riết tìm cách cho hoạt chất cấm nguy hiểm vào thức ăn nhằm “thổi” gia súc, gia cầm tăng cân thần tốc để bán kiếm lời.

Theo Khánh Vũ

Lao động