Vụ cấp cứu sau hút mỡ: BV Kangnam Sài Gòn không báo cáo sự cố theo quy định

Hoàng Lê

(Dân trí) - Sở Y tế TPHCM yêu cầu Giám đốc Bệnh viện thẩm mỹ Kangnam Sài Gòn nghiêm túc rút kinh nghiệm việc không báo cáo sự cố y khoa theo quy định, sau khi vụ tai biến thẩm mỹ liên quan đến hút mỡ xảy ra.

Ngày 3/7, Sở Y tế TPHCM đã thông tin chính thức về trường hợp sự cố y khoa sau phẫu thuật hút mỡ, tạo hình thành bụng tại Bệnh viện thẩm mỹ Kangnam Sài Gòn, xảy ra thời gian gần đây.

Theo đó, vào ngày 30/6, Thanh tra Sở Y tế, Phòng Nghiệp vụ Y và Phòng Y tế quận Tân Bình (TPHCM) đã tiến hành kiểm tra, làm rõ các nội dung được phản ánh tại Bệnh viện thẩm mỹ Kangnam Sài Gòn, địa chỉ 666 Cách Mạng Tháng Tám, phường 5, quận Tân Bình.

Vụ cấp cứu sau hút mỡ: BV Kangnam Sài Gòn không báo cáo sự cố theo quy định - 1

Bệnh viện thẩm mỹ Kangnam Sài Gòn (Ảnh: Hoàng Lê).

Qua kiểm tra, cơ quan chức năng xác định, sáng 29/6 chị V.T.H. (47 tuổi), đến Bệnh viện thẩm mỹ Kangnam Sài Gòn với mong muốn được giảm mỡ và da thừa vùng bụng. Người bệnh đã được xét nghiệm tổng quát, thực hiện cận lâm sàng, khám tiền mê, hội chẩn trước phẫu thuật.

12h cùng ngày, bệnh nhân được bác sĩ T.T.N.P gây mê nội khí quản và bác sĩ H.Q.H. phẫu thuật tạo hình thành bụng toàn phần, kết hợp hút mỡ bụng. Sau hơn 4 giờ mổ, bệnh nhân được rút nội khí quản, chuyển sang khoa Phẫu thuật thẩm mỹ để điều trị tiếp.

Hơn 1 ngày sau mổ, bệnh nhân than mệt, khó thở, diễn tiến nặng dần. Phía Bệnh viện thẩm mỹ Kangnam Sài Gòn đã khởi động báo động đỏ nội viện, đồng thời liên hệ Bệnh viện Chợ Rẫy đề nghị hỗ trợ chuyên môn. Người bệnh được chuyển đến Bệnh viện Chợ Rẫy can thiệp cấp cứu, hiện sức khỏe tạm ổn định.

Vụ cấp cứu sau hút mỡ: BV Kangnam Sài Gòn không báo cáo sự cố theo quy định - 2

Một ca phẫu thuật thẩm mỹ hút mỡ bụng (Ảnh: BV).

Tại buổi kiểm tra ngày 1/7, Thanh tra Sở Y tế TPHCM yêu cầu Giám đốc bệnh viện tạm ngưng thực hiện phẫu thuật, thủ thuật đối với bác sĩ H.Q.H cho đến khi có kết luận từ cơ quan chuyên môn.

Ngày 2/7, thực hiện chỉ đạo của Giám đốc Sở Y tế, Thanh tra Sở đã có văn bản yêu cầu Giám đốc Bệnh viện thẩm mỹ Kangnam Sài Gòn nghiêm túc rút kinh nghiệm về việc không báo cáo sự cố y khoa bắt buộc theo quy định.

Song song đó, yêu cầu Bệnh viện Kangnam Sài Gòn họp phân tích nguyên nhân gốc rễ, các sai sót chuyên môn, rà soát, đánh giá điều kiện và năng lực người hành nghề, cơ sở vật chất, thiết bị, vật tư y tế, việc tuân thủ thực hiện các quy chế chuyên môn và quy trình kỹ thuật của người hành nghề.

Sở Y tế yêu cầu bệnh viện nêu trên báo cáo vụ việc và các giải pháp khắc phục để đảm bảo an toàn người bệnh liên quan đến phẫu thuật, thủ thuật. Đồng thời, cơ quan quản lý ngành Y tế TPHCM cũng đề nghị các bệnh viện bộ, ngành trên địa bàn thông tin kịp thời khi tiếp nhận các trường hợp sự cố y khoa do các đơn vị khác chuyển đến có giải pháp chấn chỉnh, ngăn chặn những dấu hiệu vi phạm trong hoạt động khám bệnh, chữa bệnh (nếu có).

Hàng loạt cơ sở quảng cáo "giảm béo không đau" bị phát hiện sai phạm

Ngày 3/7, Sở Y tế TPHCM cho biết, thời gian qua Tổ công tác đặc biệt của cơ quan này đã phát hiện, xử lý nhiều cơ sở cung cấp dịch vụ "giảm béo" lấn sân trái phép sang lĩnh vực y tế, với các vi phạm khá trùng lặp.

Trường hợp 1: Công ty TNHH Vũ Lâm Minh (Americare Clinic, quận Phú Nhuận) được Sở Y tế thẩm định và cấp phép hoạt động Phòng khám chuyên khoa Da liễu. Tuy nhiên trong quá trình hoạt động, cơ sở này lại cung cấp dịch vụ "giảm béo" bằng việc sử dụng các thiết bị y tế của chuyên khoa Da liễu (như máy Leshape, Trivon K1-1701, máy laser Yag RG-190).

Trường hợp 2: Công ty TNHH BB Beauty (quận 10) được Sở Y tế thẩm định và cấp Giấy phép hoạt động khám bệnh, chữa bệnh chuyên khoa Da liễu, nhưng có tài khoản facebook quảng cáo "Phòng khám thẩm mỹ BB Beauty", đưa hình ảnh người nước ngoài và quảng cáo giảm mỡ, béo phì. Cơ sở sử dụng các trang bị như: máy Picotech, Soulp super, LS Slimming Fat System LS650.

Trường hợp 3: Công ty TNHH LOUIS CLINIC (quận 3), được Sở Kế hoạch Đầu tư cấp giấy chứng nhận là phòng khám đa khoa, chuyên khoa và nha khoa; dịch vụ tắm hơi, massage và các dịch vụ tăng cường sức khỏe. Tuy nhiên khi kiểm tra, cơ sở này ghi nhận chưa được Sở Y tế cấp giấy phép hoạt động khám bệnh, chữa bệnh nhưng lại quảng cáo "giảm béo công nghệ Hoa Kỳ chuẩn y khoa với phương pháp không xâm lấn"...

Trường hợp 4: Công ty TNHH ChungNam Korea (quận 10) đăng ký ngành nghề bán buôn dược phẩm và dụng cụ y tế, nhưng lại đăng tải quảng cáo "Viện giảm mỡ công nghệ cao - An toàn - Không phẫu thuật"... Qua kiểm tra, cơ sở này chưa được Sở Y tế cấp giấy phép hoạt động khám bệnh, chữa bệnh.