Vượt nghìn cây số tới viện Huyết học tình nguyện hiến máu nhóm O

(Dân trí) - Đi công tác Hà Nội, chàng trai sinh năm 1982, tên Mẫn ở Tp Hồ Chí Minh tranh thủ quỹ thời gian ít ỏi đến Viện Huyết học và Truyền máu Trung ương hiến máu. Nhờ sự ủng hộ mạnh mẽ từ cộng đồng, trong thời gian ngắn, lượng máu nhóm O tại BV này đã tăng nhanh chóng.

Chàng trai Sài Gòn đi công tác Hà Nội tranh thủ hiến máu

Ngại chia sẻ về bản thân, anh Mẫn cho rằng, việc hiến máu là bình thường, ai cũng nên làm, nhất là trong tình trạng máu khan hiếm như hiện nay.

Ngày thường, tại Viện Huyết học và Truyền máu Trung ương chỉ khoảng 40 người đến hiến máu, những ngày này có từ 300 - 600 người đến hiến máu mỗi ngày. Ảnh: H.Hải
Ngày thường, tại Viện Huyết học và Truyền máu Trung ương chỉ khoảng 40 người đến hiến máu, những ngày này có từ 300 - 600 người đến hiến máu mỗi ngày. Ảnh: H.Hải

“Mình từng có bà ngoại được nhận máu để chữa bệnh, nên rất hiểu. Nếu nghĩ đến hoàn cảnh là người thân của mình đang điều trị mà không có máu, mình tin ai cũng sẽ đi hiến thôi. Hiến máu định kỳ đúng chỉ định, mình không thấy ảnh hưởng gì đến sức khỏe”, anh Mẫn chia sẻ.

Cũng trong sáng 8/1, Tổng giám đốc của một công ty lớn tại Hà Nội cũng đi hiến máu. Khi bị “phát hiện”, anh ái ngại không chia sẻ thông tin về bản thân.

“Trước đây thời sinh viên, tôi cũng hăng hái, “chinh chiến” suốt. Mấy ngày nay đọc báo nghe nhiều thông tin về thiếu máu nhóm O, mà với đánh giá của tôi thì đó là vấn đề cấp thiết với sức khỏe cộng đồng. Trong khi đó, tôi mang nhóm máu O, tôi thấy mình có trách nhiệm chia sẻ với cộng đồng. Vì thế, xong cuộc họp đầu giờ sáng là tranh thủ đến ngay Viện hiến máu”, anh cho biết

Chị Thủy (Thạch Thất, Hà Nội) cũng đã nhiều lần hiến máu tại địa phương. Nhưng hôm nay con trai 9 tuổi được nghỉ học, có công việc lên Hà Nội gần Viện Huyết học và Truyền máu Trung ương nên chị tạt vào hiến máu luôn.

Mẹ con chị Thủy (Thạch Thất) đến hiến máu. Ảnh: H.Hải
Mẹ con chị Thủy (Thạch Thất) đến hiến máu. Ảnh: H.Hải

Khi được hỏi em bé thấy mẹ hiến máu có sợ không? Chị Thủy co biết con trai chị thường xuyên nhìn thấy mẹ và chị gái hiến máu. Con gái lớn của chị 22 tuổi sinh viên năm cuối trường Ngoại thương cũng thường xuyên hiến máu.

“Tôi luôn khuyến khích các con nên hiến máu, để chia sẻ, giúp đỡ người bệnh cần máu. Bao năm nay, tôi hiến máu khá đều, sức khỏe tốt, ngồi nghỉ tí là lại đèo con trên xe máy về nhà bình thường”, chị Thủy nói.

Mẹ con chị Việt Anh đi hiến máu.
Mẹ con chị Việt Anh đi hiến máu.

Chị Nguyễn Thị Việt Anh đã đi hơn 20 cây số từ Đông Anh đến Viện Huyết học - Truyền máu TW để hiến máu. Chị là giáo viên trường Tiểu học Tiên Dương (Huyện Đông Anh, Hà Nội), thông thường tại nơi làm việc của chị vẫn tổ chức ngày hội hiến máu hàng năm nhưng khi biết tin người bệnh đang cần máu nhóm O, chị đã không quản ngại đường xa đi hiến máu và còn đưa con trai theo cùng với mong muốn "giáo dục cho con về lòng nhân ái, sẵn sàng sẻ chia cho người khác”.

TS Bạch Quốc Khánh, Viện trưởng Viện Huyết học và Truyền máu Trung ương cho biết, tính đến sáng ngày 08/1/2018, lượng máu dự trữ tại Viện Huyết học – Truyền máu TW đã đạt gần 10.000 đơn vị (9.814 đơn vị), trong đó máu nhóm O là 3.500 đơn vị, chiếm 35,6%. Như vậy, tỷ lệ máu nhóm O trong ngân hàng máu đã tăng lên 16,9 so với ngày 4/1/2018 (tại thời điểm này máu nhóm O chỉ có 1.295 đơn vị, chiếm 18,7%).

Rất nhiều người dân đang sinh sống tại Hà Nội tranh thủ thời gian đi hiến máu. Ảnh: H.Hải
Rất nhiều người dân đang sinh sống tại Hà Nội tranh thủ thời gian đi hiến máu. Ảnh: H.Hải

Lượng máu tiếp nhận tăng nhanh chóng, nhưng vẫn thiếu nhiều

Lượng máu nhóm O tiếp nhận được tăng lên nhanh chóng chính là nhờ sự ủng hộ mạnh mẽ của cả cộng đồng. Chỉ trong 4 ngày qua tại Viện Huyết học - Truyền máu TW mỗi ngày đều có hàng trăm người dân sẵn sàng xếp hàng chờ đợi để hiến máu.

Mặc dù vậy, nhu cầu máu cho điều trị vẫn còn rất lớn, trung bình mỗi ngày, Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương cần tối thiểu 1.500 đơn vị máu để cung cấp cho nhu cầu cấp cứu và điều trị tại 180 bệnh viện ở Hà Nội và các tỉnh phía Bắc. Riêng nhóm máu O phải đạt trên 45% tổng lượng máu, tương đương gần 700 đơn vị máu mỗi ngày.

Vì thế, TS Khánh cho biết đang xây dựng đề án để tiến tới hiến máu bền vững, nhằm thúc đẩy những người hiến máu đi hiến máu nhắc lại.

"Dù chỉ hiến máu nhắc lại mỗi năm một lần, lượng người hiến máu duy trì ơ mức 300 - 500 nghìn sẽ giúp ổn định lượng máu hiến dành cho người bệnh. Bởi hiện tại tại Việt Nam có một số thời điểm, như sắp tới là kỳ nghỉ Tết Âm lịch sẽ thiếu máu. Do hoạt động hiến máu sẽ tạm thời gián đoạn trong một thời gian tương đối dài nhưng người bệnh vẫn phải điều trị và nhu cầu máu phục vụ cấp cứu dự kiến còn tăng cao. Khi có lượng người hiến máu nhắc lại ổn định, tình trạng này sẽ dần được cải thiện", TS Khánh cho biết.

Hồng Hải