Chăm sóc bệnh nhân sau hóa trị

Hà An

(Dân trí) - Sau khi truyền hóa chất, bệnh nhân có thể bị rụng tóc, buồn nôn, nôn, mệt mỏi và các phản ứng phụ khó chịu khác và họ sẽ cần sự giúp đỡ để vượt qua.

Chăm sóc người thân trong quá trình trải qua hóa trị liệu thực sự là một nhiệm vụ khó khăn. Tuy nhiên, việc chăm sóc người thân trong khi điều trị hóa chất sẽ ít căng thẳng hơn nếu bạn biết phải làm gì.

Bác sĩ Nguyễn Quỳnh Tú, khoa Ung thư Tổng hợp, Viện Ung thư, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 đưa ra một số lời khuyên nhằm hướng dẫn một số vấn đề cơ bản, để có thể chăm sóc tốt nhất cho người bệnh:

Chăm sóc bệnh nhân sau hóa trị - 1

Rụng tóc: Tác dụng phụ mà hầu hết mọi người nghĩ đến khi hóa trị là rụng tóc, điều này có thể gây mặc cảm cho người bệnh, đặc biệt là phụ nữ. Tóc giả có thể được sử dụng song cần lưu ý đến chất lượng tóc cũng như thường xuyên vệ sinh đúng cách tóc giả và da đầu, tránh đội tóc giả quá lâu, đặc biệt trong thời tiết nắng nóng nhiều mồ hôi. Chú ý nếu sau đội tóc giả da đầu có dấu hiệu viêm, sẩn, ngứa phải báo ngay cho bác sĩ để được điều trị đúng cách.

Buồn nôn và nôn: Hãy cho bệnh nhân ăn ít hơn trong ngày hoặc có một số đồ ăn nhẹ đơn giản có thể ăn ngay khi cảm thấy đói. Khuyến khích bệnh nhân ngậm nước bằng cách cho uống một ít nước, nước táo, hoặc các chất lỏng trong, mát khác. Nếu buồn nôn nhiều, nên báo cho bác sĩ điều trị để được hướng dẫn sử dụng thuốc chống nôn hiệu quả.

Mệt mỏi: Mệt mỏi được định nghĩa là có ít năng lượng hơn để làm những điều bạn thường làm hoặc muốn làm. Mệt mỏi có thể kéo dài một thời gian dài và có thể ảnh hưởng đến thói quen hàng ngày của bệnh nhân.

Các triệu chứng thường gặp là: cảm thấy như bạn không có năng lượng, ngủ nhiều hơn bình thường, không muốn hoặc không có khả năng làm các hoạt động bình thường, không quan tâm đến những gì nhìn thấy, cảm thấy mệt mỏi ngay cả sau khi ngủ, khó suy nghĩ hoặc tập trung, khó khăn khi tìm kiếm từ và nói... Để kiểm soát triệu chứng mệt mỏi bệnh nhân có thể thử các hoạt động thư giãn, chẳng hạn như đi bộ, nghe nhạc, đọc sách hoặc đi chơi với bạn bè hoặc gia đình.

Và ngay cả khi bạn cảm thấy mệt mỏi, cố gắng tập thể dục sẽ giúp cải thiện hơn là nằm cả ngày trên giường bệnh.

Xuất huyết: Tránh các va chạm, các vết xước rách da. Sử dụng bàn chải đánh răng mềm để tránh chảy máu lợi. Cẩn thận làm sạch mọi vết cắt và vết xước, dùng thuốc mỡ kháng khuẩn và băng sạch. Nếu bạn nhận thấy rằng một vết cắt hoặc cạo đang chảy máu khó cầm nên báo cho bác sĩ

Nhiễm trùng: Giữ vệ sinh sạch sẽ, rửa tay thường xuyên, trách các nơi tụ tập đông người. Ăn chín uống sôi, tránh các thực phẩm sống, món gỏi hay các thực phẩm đường phố. Kiểm tra thân nhiệt hàng ngày, nếu có sốt sau hóa trị phải báo cho bác sĩ điều trị.

Quản lý các tác dụng phụ là vô cùng quan trọng. Bên cạnh đó có một số lưu ý an toàn đối với người chăm sóc. Cụ thể, trong vài ngày sau khi điều trị, tránh tiếp xúc với chất lỏng cơ thể của người bệnh. Nếu bạn phải giúp làm sạch chất nôn hoặc các chất lỏng khác, nên đeo găng tay và rửa tay thật kỹ. 

Để chăm sóc tốt nhất cho bệnh nhân ung thư sau hóa trị, trên tất cả cần sự cảm thông, chia sẻ và sự quan tâm của những người thân yêu. Đó sẽ là nguồn sức mạnh vô giá cho bệnh nhân có thể chiến thắng các tác dụng phụ của hóa chất để thành công trên chặng đường chiến đấu với bệnh ung thư còn nhiều gian nan.