Khu điều dưỡng tâm thần kinh thương binh Nghệ An:

Chăm sóc bệnh nhân bằng cả tấm lòng

(Dân trí) - Giữa cái nắng chang chang của dải miền Trung trong khuôn viên khu điều dưỡng tâm thần kinh thương binh Nghệ An (xã Nghi Phong, Nghi Lộc) thật yên tĩnh, một sự yên tĩnh hiếm có. Cán bộ công nhân viên ở đây chăm sóc bệnh nhân với hết cả tấm lòng.

 

Chăm sóc bệnh nhân bằng cả tấm lòng - 1

GĐ Nguyễn Thanh Tùng rất ôn tồn, vui vẻ với các bệnh nhân

Giám đốc khu điều dưỡng Nguyễn Thanh Tùng, vào những ngày trời nắn nóng, nhiệt độ trên 37 độ như thế này, rối loạn tâm thần của các bệnh nhân càng dễ xảy ra. Mùa hè là mùa vất vả nhất đối với cán bộ, bác sỹ và nhân viên khu điều dưỡng”.

 

Nơi ký ức chiến tranh không bao giờ phai mờ

 

Trung tâm hiện chăm sóc 54 thương binh, hầu hết đều bị ảnh hưởng thần kinh trong các cuộc chiến tranh. Trong ký ức của họ gần như chỉ có những trận đánh với bom đạn. Đang yên bình nhưng tiếng hét "Xung phong!" có thể vang lên bất cứ lúc nào. Và khi bệnh nhân đã lên cơn động kinh thì khu điều dưỡng như náo loạn lên và đó cũng là thời điểm khó khăn nhất của nhân viên khu điều dưỡng. 

 
“Khi lên cơn thì họ khỏe khủng khiếp luôn, phải 4 anh thanh niên khỏe mạnh mới có thể giữ yên được họ để có thể tiêm thuốc”. Chị Lê Thị Mai - Phó phòng y tế khu điều dưỡng tâm sự. Vượt qua những cơn bĩ cực đó thì họ lại trở nên hiền lành, trầm mặc, ưu tư….chính những lúc đó họ cần có người chia sẻ nhất.

Các y tá, y sỹ trung tâm, ngoài công việc của người thầy thuốc còn là những người bạn, người thân của các thương binh đặc biệt này. Họ kể những câu chuyện về một cô giao liên trong chiến tranh, đến những trận đánh ác liệt nào đó mà họ đã từng trải qua… rồi trên khuôn mặt đờ đẫn của họ lại thoáng hiện lên nụ cười tươi rói.  

Trong ký ức của họ dường như chỉ có sự ác liệt của chiến tranh và một thời tuổi trẻ hăm hở ra đi vì lý tưởng. Khi trở về họ trở thành những thương binh tâm thần kinh. Có người không còn thân nhân, có người vẫn còn gia đình nhưng họ lại quá nghèo, hơn nữa họ có thể lên cơn bất cứ lúc nào và gây nguy hiểm cho người thân của mình bất cứ lúc nào.

Làm việc bằng cả lòng biết ơn

Chị Mai kể cho tôi nghe một câu chuyện xảy ra ở khu điều dưỡng từ lâu lắm rồi, một câu chuyện mà mỗi khi nhắc đến những nhân viên bệnh viên không khỏi khiếp sợ. Một bệnh nhân đột ngột lên cơn khi đang đứng bên giếng bơm nước. Bằng một sức mạnh khủng khiếp anh bẻ gãy cái cần bơm nước rồi cầm lên đánh vào đầu một bệnh nhân khác làm anh này chết ngay tại chỗ. Kể lại câu chuyện đó để thấy thêm những vất vả và cả những nguy hiểm của những y, bác sỹ, nhân viên của khu điều dưỡng.

Chăm sóc bệnh nhân bằng cả tấm lòng - 2

Phút nghỉ ngơi thoải mái hiếm thấy của các bệnh nhân tại Trung tâm này
 
“Chúng tôi làm việc bằng cả lương tâm của người thầy thuốc và cả lòng biết ơn đối với những bệnh nhân của mình”. Đó là tâm sự của những y, bác sỹ và nhân viên khu trung tâm điều dưỡng tâm thần kinh thương binh Nghệ An. Bệnh nhân của họ là những người có quá khứ hào hùng, oanh liệt, đóng góp xương máu tuổi thanh xuân và cả những ký ức về gia đình, bè bạn… hy sinh vì tiếng gọi của Tổ quốc.  

Trong tâm trí của nhữg người phục vụ tại đây, ngoài trách nhiệm của y, bác sỹ đối với bệnh nhân còn là tình yêu thương, tôn kính và lòng biết ơn đối với những người đã làm nên lịch sử hào hùng của đất nước. Để thuận tiện cho công việc rất nhiều anh chị em tình nguyện “cắm chốt” tại cơ quan. “Tính ra thì thời gian mính sống với vợ con ở nhà chỉ là 1/10 số ngày mình sống cùng anh em thương binh ở khu điều dưỡng này”, ông Nguyễn Duy Minh, Trưởng phòng tổ chức tâm sự.

Trung tâm có 42 cán bộ, trong đó 23 người trực tiếp chăm sóc 99 bệnh nhân (54 thương binh và 45 đối tượng xã hội khác) và duy nhất chỉ có một bác sỹ. Cho nên, công tác chăm sóc sức khỏe, đảm bảo an toàn cho bệnh nhân cũng như đội ngũ nhân viên hết sức khó khăn.

Mặc dầu khó khăn là thế nhưng công việc chăm sóc sức khỏe cho bệnh nhân được đặt lên hàng đầu. Luôn có người túc trực tại các khu bệnh nhân để kịp thời thời phát hiện các biểu hiện lên cơn và có phương án cắt cơn. Quản lý đối tượng được đảm bảo an toàn tuyệt đối, không có tình trạng bệnh nhân bỏ trốn… Đơn vị cũng đã có nhiều biện pháp đổi mới, nâng cao chất lượng phục vụ bữa ăn hàng ngày cho đối tượng…. Khám bệnh định kỳ vào thứ 3 hàng tuần, kê đơn cấp thuốc, cho đối tượng uống thuốc đúng giờ. Đặc biệt, là tổ chức đưa hàng chục bệnh nhân đi thăm lại chiến trường xưa.

Để tổ chức tốt lễ kỷ niệm ngày thương binh liệt sỹ (27/7) sắp tới, Trung tâm đã mời các đoàn văn công và các đơn vị trường học đóng trên địa bàn đến tham gia. Trong đêm 26/7 sẽ có các tiết mục văn nghệ do chính các bệnh nhân biểu diễn… 

Chăm sóc bệnh nhân bằng cả tấm lòng - 3
Phút trầm tư của các bệnh nhân


Hiện nay nhiều công trình của khu điều dưỡng đang xuống cấp, đặc biệt là các bức tường bao, gây khó khăn cho công tác quản lý bênh nhân. Nhà tắm khép kín cho các bệnh nhân chưa có, các trang thiết bị y tế như máy đo huyết áp, cân, dụng cụ tiêm còn thiếu.  

Trên đường ra khỏi khu dành cho bệnh nhân, một bệnh nhân chạy đến níu tay Giám đốc Tùng khoe: “Bác ơi, ngày mai em được đi dự đại hội đoàn toàn quốc đấy. Họ đã gửi giấy mời đây này”. Ông Tùng cười hiền từ: “Vậy à, chúc mừng anh nhé. Bây giờ anh về phòng nghỉ ngơi, chuẩn bị để mai còn đi nhé”. Quay sang tôi ông Tùng nén tiếng thở dài: Không biết đến bao giờ họ mới có thể sống như những người bình thường?”. 

Hoàng Lam - Nguyễn Duy

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm